Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên chỉ là chưa được cấp phép theo thủ tục hành chính

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên bị cáo buộc là tổ chức phản động sau vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk hôm 11-6-2023.

 

Cụ thể, một tuần lễ sau đó, ngày 18-6-2023, kênh youtube của Công an tỉnh Đắk Lắk có đăng một phóng sự cáo buộc Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên là tổ chức phản động. Tuy nhiên, video không đưa ra bằng chứng cụ thể nào về cáo buộc này.

Mới đây, trên 30 Hội thánh Tin lành tại Việt Nam lên tiếng về các ông Y Bum Bya và Y Krec Bya. Theo thông tin đăng trên trang Việt Nam Thời Báo, thì các hội thánh này yêu cầu chính quyền Việt Nam phải công khai và minh bạch điều tra về cái chết của ông Y Bum Bya, cũng như xử lý theo đúng pháp luật những người có liên can đến việc đánh đập và thủ tiêu ông Y Bum Bya. Các hội thánh tham gia ký tên cũng phản đối bản án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Y Krec Bya vì ông chỉ là một thầy truyền đạo, hoạt động tôn giáo và tranh đấu ôn hòa cho quyền tự do tín ngưỡng, và ông Y Krec Bya chưa từng kêu gọi lật đổ chính quyền như cáo buộc.

Các hội thánh cũng kêu gọi chính quyền chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Y Krec Bya, đồng thời ngưng các biện pháp sách nhiễu để ngăn chận quyền tự do tôn giáo của người dân.

“Thế nào là tổ chức phản động?”, theo lý giải của Bộ Công an Việt Nam thì đây là tổ chức “đang tập hợp lực lượng, kích động ly khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Đêga” ở Tây Nguyên”. Và tên gọi “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” mang sắc màu tôn giáo chỉ là… cái cớ để tập hợp đám đông.

Giải thích trên là quen thuộc vì ở Việt Nam, từ sau tháng 4-1975 đến nay người ta thường đánh đồng (một cách vô thức) “phản Đảng”, “phản quốc” với “phản động”, những người không tán thành đường lối của Đảng thì ngay lập tức bị coi là phản động, chống lại tổ quốc và bị người ta tránh như tránh hủi, vì không muốn mang vạ vào thân.

Nôm na Đảng nói ai phản động thì người đó là phản động, Đảng nói ai tiến bộ thì người đó là tiến bộ.

Như vậy theo mạch lý giải trên cho thấy yếu tố chính trị là căn cứ cho chuyện xem tôn giáo ấy ra sao đối với thể chế, chứ không phải là dựa trên nền tảng của quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng, hay nhóm cộng đồng sắc tộc nào đó.

Với cách nghĩ mang tính hình sự hóa quan hệ dân sự về tôn giáo như trên, nên nhà chức trách chủ trương cần mọi giá phải xóa bằng được cái gọi là “Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên”, chứ không hề quan tâm đến nội dung giáo lý của hội thánh này đáp ứng ra sao trong thủ tục hành chính về cấp giấy phép công nhận hoạt động đối với tổ chức này. Nói cách khác, với “hàng rào kỹ thuật” của thủ tục hành chính, Việt Nam đã dựng hàng rào nhằm chủ đích giới hạn quyền tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; đặc biệt là với đồng bào sắc tộc ở Tây nguyên.

Lưu ý, theo một tài liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, thì đến trước năm 1975, Tin Lành đã phát triển vào 16 tộc người thiểu số tại Tây nguyên, tổng số tín đồ là người dân tộc thiểu số ở khu vực này đã lên tới 71.200 người. Trong đó, hai địa hạt thượng du thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) có 61.500 tín đồ với 216 chi hội, 42 mục sư, 91 truyền đạo, 50 truyền đạo sinh, 2 trường kinh thánh đào tạo giáo sĩ và 7 trung tâm truyền giáo là Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Bảo Lộc, Phước Long, Quảng Đức, Đơn Dương.

Từ năm 1977 trở đi, tổ chức FULRO dựa vào Tin Lành như một vũ khí tinh thần để lợi dụng, lôi kéo các tộc người thiểu số, xem đây là một phương tiện tập hợp quần chúng, nên với lý do để ổn định tình hình chính trị, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên có chủ trương ngưng các hoạt động của Tin Lành.

Kể từ đó đến nay chủ trương này vẫn còn giữ, trên thực tế từ giữa những năm 1980 trở đi, bằng nhiều hình thức hoạt động như tự xây dựng đội ngũ truyền đạo, tự hình thành các ban chấp sự ở các buôn làng, Tin Lành ở Tây nguyên đã gia tăng nhanh chóng số lượng tín đồ, và phạm vi phát triển đạo. Ngoài ra các địa bàn đã có Tin Lành từ trước năm 1975 phục hồi trở lại, thời gian này Tin Lành đã phát triển lan rộng ra toàn vùng. Ngoài ra, còn có hàng ngàn người theo Tin Lành ở các địa phương khác di cư đến sinh sống ở Tây Nguyên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tín đồ ở đây tăng lên.

Mười năm về trước, theo quan sát chưa đầy đủ thì có tới 12 hệ phái Tin Lành hoạt động truyền đạo tại Tây Nguyên (tăng gấp 4 lần), với tổng số tín đồ lên đến 296.478 người, trong đó Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) có số lượng tín đồ chiếm đến 80,5% tổng số tín đồ Tin Lành toàn vùng.

Như vậy thay vì cứ tìm mọi cách trong chính trị hóa Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên, cần thiết ở đây là cơ quan chức năng cần rộng rãi trong tường minh thuần giác độ theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo về những điểm cần tu chỉnh, bổ sung trong trình tự thủ tục hành chính cấp giấy phép về hoạt động đối với tổ chức tôn giáo này.

Đó mới là sự tôn trọng thật sự về quyền tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo đối với người dân ở Tây nguyên.

Mục sư Aga, người dân tộc H’lăng – người đang sống cảnh tỵ nạn ở Mỹ, nói rằng, “chúng tôi không liên quan cũng không biết vấn đề Đê Ga, Fulro hay tự trị là gì. Chúng tôi là những người chỉ muốn thờ phượng Chúa và muốn tự do tôn giáo cho người Tây nguyên mà thôi”.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trang Việt Nam Thời Báo có làm tốt vai trò phản biện xã hội?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính sách phân biệt đối xử và ngược đãi người Thượng theo Cơ Đốc giáo tại Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi ‘game show’ đã ‘over’

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.