Hồng Dân
(VNTB) – Giờ kêu gọi vô HTX, liệu người ta có thể mất luôn quyền của căn nhà đó không?
Sau 30-04-1975, sản xuất lúa gạo bắt đầu tụt dốc ở miền Nam, một trong những nguyên do được cho là đến từ việc buộc nông dân phải vào “tập đoàn”, vào “hợp tác xã nông nghiệp”.
Vì nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế nên cần đến hợp tác xã?
Hôm 15-2-2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX), Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhận xét lúc khó khăn, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế.
Do đó, phát triển HTX trong nông nghiệp là rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, tiếp tục thành lập và phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính…
Số liệu báo cáo cho biết, tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.
Hợp tác xã hôm nay có gì mới?
Ý kiến xoay quanh về HTX trong lãnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định việc phát triển HTX sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều. Bởi theo bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng cần chú ý đến tăng cường sức mạnh nội tại. Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp thì cũng cần chú ý đến kinh tế tập thể và HTX.
“Trong thế giới tự nhiên của loài chim, 50% là những con chim sẻ nhỏ bé. Khi nhìn sâu và tổng hợp đa chiều mới có thể nhìn ra giá trị, từ đó mới có thể lót ổ cho chim sẻ, không có tinh thần hợp tác thì không có HTX, muốn làm được thì phải có tư duy, tinh thần hợp tác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Từ trải nghiệm thời gian dài là người đứng đầu tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương quan tâm thực sự đến phát triển HTX, coi HTX là một phần của kinh tế nông thôn, là một phần không thể tách rời của kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn. Theo ông Hoan, xây dựng các HTX là xây dựng sự hợp tác để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp sẽ thu hút đầu tư công về hạ tầng logistics cho HTX để các HTX nâng cao năng lực, bà con nông dân kết nối với nhau. Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ chương trình logistics cho ngành nông nghiệp để hạn chế ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng qua những đại dịch, thiên tai, trong đó HTX sẽ là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.
“Nhà nước đầu tư nông nghiệp sẽ không thành công nếu không có HTX, đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp mà không có HTX cũng không thành công. Muốn đa dạng hóa sản phẩm kể cả đầu vào và đầu ra thì không có cách nào khác phải có sự tham gia của HTX”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lặp đi lặp lại như vậy.
Hợp tác xã phiên bản 2022 liệu có lại tư duy “quốc hữu hóa”?
Hàng loạt những số liệu, phác họa đẹp đẽ ở trên vẫn chưa đủ mạnh để người dân tin rằng sẽ không có chuyện quốc hữu hóa đất đai như mấy mươi năm trước, khi nông dân buộc phải vô “tập đoàn”, vào “HTX nông nghiệp”.
Một lão nông tri điền nhận xét thẳng thừng vầy:
“Phát triển thì phát triển, nhưng HTX đã xưa rồi, mà không biết làm gì cứ đòi HTX… để tự người dân người ta muốn là gì người ta làm phát triển. Nhà nước nên ủng hộ dân.
Ví dụ dân muốn làm gì cho ích nước lợi dân thì cho người ta làm… Chứ vô HTX là vô tập thể, cái gì cũng phải vô hợp tác xã giải quyết… cái này thì dân cũng vô èo ọt à… Người ta đi tới từng nấc đi lên, còn cái này mấy ổng đi trở lại, hồi xưa hợp tác xã đã banh chành hết trơn rồi…
Như tại địa phương tui, vô tập đoàn tính công điểm cho đã, tui làm hai ba năm trời, rút cuộc tính công điểm không có đồng bạc luôn. Bây giờ thưa ai nói ai? Thấy mấy ông này làm cái chuyện tui cũng bất mãn dữ lắm”…
Một nông dân có bằng cấp đại học chuyên ngành nông nghiệp, có góc nhìn về quyền sở hữu khi nhắc về quá khứ ám ảnh “HTX nông nghiệp”, đó là khi nhắc đến người nông dân là nhắc đến đất đai, nhất là nông dân Việt Nam, bởi vì họ gắn bó với mảnh đất của mình, sống chết với mảnh đất của mình từ ngàn đời nay.
Ví dụ đất đang ở từ đời này sang đời khác, con thừa kế từ ông từ bà từ cha từ mẹ, thế nhưng về pháp lý lại cũng không phải là đất sở hữu của mình. Nó vẫn là đất thuộc sở hữu toàn dân, tức là người ta chỉ có quyền làm nhà trên đó thôi, được sử dụng mảnh đất đó thôi, nhưng không phải là chủ của mảnh đất ấy…
“Giờ kêu gọi vô HTX, liệu người ta có thể mất luôn quyền của căn nhà đó không?” – vị nông dân có bằng cấp, thắc mắc.