VNTB – Kẹt xe ở Sài Gòn vì học trò đi học trở lại?

VNTB – Kẹt xe ở Sài Gòn vì học trò đi học trở lại?

Mai Lan

 

(VNTB) – “Với tốc độ làm đường như vừa qua thì cần tới 150 năm mới đủ”

 

Lúc chưa xảy ra đại dịch Covid-19, người ta vẫn thường hay bắt gặp trên báo chí các tin tức như: Người Sài Gòn vất vả mỗi ngày đi về trên con đường ùn ứ. Nạn kẹt không chỉ ở trung tâm, mà còn ở tất cả cửa ngõ vào thành phố…

Theo “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân” do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Viện chiến lược và Phát triển giao thông, thực hiện, cho rằng kẹt xe vì xe gắn máy hai bánh. Đề án cho rằng cần phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, trước mắt là xe buýt và dần hạn chế tiến tới cấm xe máy.

Tuy vậy, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, là quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn thành phố quá thấp.

Cụ thể, tổng chiều dài các tuyến đường của thành phố khoảng 4.205,8 km, đạt mật độ 2 km/km2 (theo quy hoạch là 10 – 13,3 km/km2). Đất dành cho giao thông khoảng 7.987 ha (quy hoạch là 22.305 ha). Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,73% (quy hoạch là 22,3%).

Các chỉ tiêu kể trên đều thấp hơn so với các thành phố tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore… Chưa kể, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chủ yếu do lịch sử để lại, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng đánh giá giao thông là vấn đề khó giải quyết nhất đối với TP.HCM hiện nay. “Với tốc độ làm đường như vừa qua thì cần tới 150 năm mới đủ”, ông Nhân nhận định.

Củng cố cho lý do về hạ tầng mà không cần nhà khoa học tính toán, ai cũng có thể quan sát bằng mắt thường đó là sáng sớm ngày 1-3-2021, nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã đông đúc hơn khi những phụ huynh trở lại với công việc quen thuộc của mình mỗi ngày, đó là đưa đón con đến trường rồi mới tiếp tục đi làm.

Theo con số được Sở Giáo dục TP.HCM đưa ra, có 1,7 triệu em nhỏ đi học trở lại, từ cấp mầm non tới trung học phổ thông. Tuần lễ trước đó, mặc dù người lao động ngoại tỉnh đã trở lại TP.HCM để làm việc sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, nghĩa là số người tham gia giao thông trên đường phố lớn hơn, song gần như không bắt gặp cảnh ùn tắc giao thông quen thuộc mọi lần của thời gian trước khi có đại dịch Covid-19.

Sắp tới, khi các trường đại học ở TP.HCM đồng loạt mở cửa sau thời gian dài ‘chống dịch’, kẹt xe sẽ trở lại như cũ, vì còn có thêm lượng sinh viên ngoài thời gian đến trường, họ còn dành thời gian để đi làm thêm kiếm tiền trang trải học phí đại học.

Tháng 4-2020, những ngày cuối cách ly xã hội ở TP.HCM, đường phố đông đúc trở lại vào giờ cao điểm. Các điểm đen kẹt xe của thành phố bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc.

Có ý kiến, nên dừng chuyện nghĩ thêm cách này hoặc cách khác để giải quyết vấn nạn kẹt xe ở đô thị, khi mà những dự án nhà cao tầng tiếp tục được cấp phép trong nội đô.

Tuy nhiên luồng ý kiến ‘đổ thừa’ dự án nhà cao tầng ở Sài Gòn lại được phản biện bằng một thắc mắc: Đường Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng – đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Linh là những cung đường phải đáp ứng nhu cầu di chuyển vào khu vực trung tâm của các chung cư như dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh có: Landmark, Saigon Pearl, The Manor, Riverside 90,… và Nguyễn Hữu Thọ thì có: Sunrise City, Hoàng Anh Gia Lai,… nhưng tình trạng kẹt xe lại không thường xuyên diễn ra.

Còn một số cung đường khác không chịu nhiều áp lực giao thông từ chung cư nhưng lại xảy ra kẹt xe nhiều như: đường Cộng Hòa – Trường Chinh, đường phía hầm Thủ Thiêm,…

Cũng có ý kiến rằng với một thành phố đông dân nhất nước, làm ra nhiều tiền nhất nước, nhưng bị buộc ‘cống nộp’ gần hết cho ngân sách quốc gia, thì thử hỏi sao không phải loay hoay câu chuyện phát triển giao thông?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)