Hoài Nguyễn
(VNTB) – Blogger Nguyễn Tường Thụy đang kêu oan từ trong tù…
Đài VOA (Hoa Kỳ) hôm 23-3-2022 có ghi nhận lời kể của bà Phạm Thị Lân về việc nhà báo và blogger Nguyễn Tường Thụy vừa bí mật gửi ra một bức thư phản đối bản án 11 năm tù mà ông đang thực hiện tại một trại giam ở Bình Dương sau khi yêu cầu giám đốc thẩm xem xét kháng nghị không thành.
Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, cho biết chồng bà nói rằng bản án mà ông đang phải thi hành là “oan sai” và đã gửi đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm tới Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP.HCM nhưng chưa được trả lời.
Trong bức thư gửi cho bà Lân mà VOA được xem, ông Thụy cho rằng “vụ án là minh chứng cho việc vi phạm nhân quyền, đàn áp báo chí và dựng án”.
Ông Thụy cho biết trong bức thư rằng ông đã gửi một lá đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 14-9-2021, trong đó nói rằng ông bị áp đặt hành vi mà ông không làm và bị kết tội với những bằng chứng giả mạo.
Kết luận điều tra cho biết công an thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà ông Thụy nhưng ông cho biết trong bức thư rằng công an đã không thu giữ được “bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ án”.
Tình huống pháp lý đặt ra: trước đó, ông Nguyễn Tường Thụy đã không kháng cáo theo trình tự phúc thẩm hình sự, và vụ án này cũng không có kháng nghị phúc thẩm hình sự.
Vậy thì giờ ông Nguyễn Tường Thụy có được quyền yêu cầu theo thủ tục giám đốc thẩm?
Yêu cầu của ông Thụy ở đây nằm trong điều chỉnh tại phần thứ sáu của Bộ luật tố tụng hình sự “Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật”, Chương XXV “Thủ tục giám đốc thẩm”. Theo đó, Điều 372.1 cho biết người bị kết án như ông Nguyễn Tường Thụy, và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Điều 373 cho biết trong cụ thể bản án của ông Nguyễn Tường Thụy, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Căn cứ kháng nghị là cơ sở pháp lý để các chủ thể có thẩm quyền kháng nghị dựa vào đó yêu cầu tòa án xem xét lại vụ án bằng việc ra quyết định kháng nghị.
Trước hết, ở đây là kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Kết luận của tòa án trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có nghĩa là tòa án đã giải quyết vụ án không đúng với bản chất của sự việc.
Về nguyên tắc chung thì các tình tiết khách quan của vụ án là những tình tiết tồn tại ngoài ý muốn của con người. Để đánh giá nhận thức đúng về các tình tiết vụ án, tòa án phải xem xét quan điểm toàn diện và khách quan. Mỗi tình tiết phải được tòa án xem xét thận trọng, đánh giá đầy đủ các mặt, các mối liên hệ của nó và phải đặt nó trong mối liên hệ biện chứng với các tình tiết khác của vụ án.
Tòa án phải lấy sự thật làm căn cứ, không được suy diễn hoặc đưa ra những kết luận có tính chất chủ quan trước về vụ án khi chưa xem xét, đánh giá toàn bộ các tình tiết vụ án.
Kết luận của tòa án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án được thể hiện dưới dạng chưa đủ các chứng cứ, tài liệu để giải quyết vụ án nhưng tòa án vẫn thực hiện việc giải quyết vụ án nên quyết định của tòa án thiếu cơ sở; tòa án đánh giá sai chứng cứ, tài liệu của vụ án nên quyết định giải quyết vụ án sai…
Thứ hai, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trình tự thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Đây là căn cứ mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận, đồng thời có bổ sung đáng chú ý là “dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”.
Căn cứ này chỉ được coi là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi những vi phạm này dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.
Nếu có vi phạm nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án thì có thể không cần thiết phải kháng nghị.
Thứ ba, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Về căn cứ “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Trước đây giới hạn ở những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự thì nay xác định là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, tức là ngoài Bộ luật hình sự thì còn các luật khác như Bộ luật tố tụng hình sự, các luật chuyên ngành. Các sai lầm này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.
Như vậy với những quy định của pháp luật về tố tụng, rất cần sự ủng hộ của cộng đồng, các nhóm xã hội dân sự quan tâm đến các bản án lâu nay về Điều luật hình sự 117 mà ông Nguyễn Tường Thụy đã bị kết án, và ông đã chứng minh mình bị oan sai.
1 comment
Khi bạn buộc phải sống trong một môi trường pháp luật luôn hành xử theo kiểu: văn bản ghi một đằng, tòa án xét xử một nẻo, thì bạn kêu oan phỏng có ích gì?
Ví dụ văn bản ghi: “được rẽ phải khi đèn đỏ” nhưng khi bạn rẽ phải khi đèn đỏ theo đúng luật cho phép, thì chính quyền bắt giữ và xử bạn một bản án dài thòong! Bạn đưa văn bản ra biện hộ nhưng tòa không chấp nhận mà cứ khăng khăng giữ nguyên bản án, thì bạn kháng án để làm gì?
Chính vì thế cộng đồng quốc tế mới phẫn nộ và người ta mới đổi tên cho nó thành “tà án”