Định Tường
(VNTB) – Đối với du khách và người từ nước ngoài, Việt Nam chỉ yêu cầu khai báo theo điều lệ quốc tế, ngoài ra không phục vụ mục đích khác.
Phát biểu tại buổi hội nghị sáng 26-4-2022, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin vừa qua đã giao cơ quan chức năng phổ biến việc bỏ khai báo y tế nội địa. “Bộ Y tế cũng đã giao Cục Y tế Dự phòng và sẽ có văn bản hướng dẫn gửi tới các địa phương về vấn đề này. Qua đây, Việt Nam cũng sẽ từng bước tiến tới bình thường hóa sau dịch Covid-19”, ông Long cho hay.
Đối với du khách và người từ nước ngoài, Việt Nam chỉ yêu cầu khai báo theo điều lệ quốc tế, ngoài ra không phục vụ mục đích khác. Quy định này cũng đã được công nhận bởi quốc tế.
Trước đó, khai báo y tế là một trong 5 nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 được Việt Nam áp dụng trong 2 năm qua (5K). Ngoài khai báo y tế, 5K còn bao gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách và không tụ tập.
Tuy nhiên trong một ghi nhận ở chiều ngược lại thì có ý kiến nên thận trọng khi bỏ yêu cầu khai báo y tế.
Nhấn mạnh việc khai báo y tế khi ra vào bệnh viện là quan trọng, nhưng bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho rằng việc khai báo phải khác chứ không thể như hiện nay.
“Việc khai báo ở bệnh viện là để lọc ra những người nào có nguy cơ cao để tách luồng khám bệnh. Nếu khai sai, mục nào cũng đánh “không” thì khi bác sĩ khai thác bệnh sử cũng sẽ bị phát hiện; còn nếu người đến bệnh viện khai sai mà không bị phát hiện thì bác sĩ sẽ không điều trị đúng bệnh”, ông Khanh nói.
Đồng quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng Covid-19 hiện chưa thành bệnh đặc hữu – ngay cả thế giới cũng chỉ mới có khuynh hướng thành bệnh đặc hữu. Do đó, khai báo y tế là cần thiết và quan trọng để phát hiện người mắc bệnh, cách ly, nếu không sẽ làm lây lan cho nhiều người. Ngoài ra, khai báo y tế cũng là cách kiểm tra xem người dân có tuân thủ quy định với nhà nước hay không như vấn đề chích ngừa vắc-xin Covid-19.
“Không thể kiểm tra tất cả thông tin được người dân khai báo y tế, nhưng nếu người khai báo sai thì phải chịu trách nhiệm và có thể bị xử lý. Tuy vậy, cần làm quy trình khai báo y tế hợp lý, không mất thời gian của người dân và thực sự nghiêm túc xử lý người khai sai”, ông Dũng nói, và cũng đánh giá, khai báo y tế hiện có nhiều điểm còn hạn chế như không thống nhất, mỗi nơi khai báo một khác; khai báo y tế mất thời gian, nhất là với người không sử dụng điện thoại thông minh có dùng 3G, 4G…
Cũng về vấn đề khai báo y tế, theo quan sát của báo chí thì lâu nay việc quét mã QR vẫn hình thức. Trên thực tế, từ sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo toàn quốc chỉ sử dụng một ứng dụng (app) khai báo phòng chống dịch duy nhất là PC-Covid, tình trạng rối rắm vì quá nhiều app phòng chống dịch được sử dụng cùng lúc đã giảm đáng kể. Dù vậy, việc khai báo hay quét mã QR lại đang được thực hiện khá hình thức.
Tại nhiều địa phương, các siêu thị lớn và một số nhà hàng, cửa hàng yêu cầu khách quét mã QR trước khi vào. Song đa số các địa điểm, việc quét mã QR được thực hiện rất hình thức, dù có bảng giấy in mã QR song không ai quét mã, cũng chẳng có nhân viên nhắc nhở. Và một nguồn tin cho hay chuyện quét mã QR này cũng không được lưu giữ và phân tích ở một trạm máy chủ nào hết. Hầu hết chỉ là hình thức mang tính đối phó về quy định phòng dịch Covid.