VNTB – Khi Google không hẳn là vạn năng

VNTB – Khi Google không hẳn là vạn năng

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Khi sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin Google, cần có sự tỉnh táo để nhận biết đúng đâu là thông tin thật và đâu là thông tin… tuyên truyền.

 

Nhiều người thường hay ví von: “Trăm năm trong cõi người ta – Cái gì không biết mình ra tra google”.

Thật đúng như vậy! Google là công cụ tìm kiếm thông qua Internet. Với Google, bạn có thể tìm được rất nhiều thông tin, hình ảnh, tài liệu… mà bạn cần. Chỉ cần gõ từ khóa, bạn sẽ dễ dàng nhận được rất nhiều thông tin, những trang có nội dung với từ khóa bạn chọn. Google giúp ích nhiều trong sinh hoạt, trong học tập, trong đọc tin tức… của cuộc sống xã hội hiện đại, công nghệ phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng, không như thời trước năm 1975, giai đoạn này là của thế giới phẳng. Thông tin được đưa lên mạng, tài liệu được chia sẻ (miễn phí, có phí tùy tài liệu, tùy người chia sẻ), sẽ khó hơn trong việc bưng bít thông tin. Những sự kiện lịch sử cũng dần dà được sáng tỏ hơn (dù có thể vẫn chưa đầy đủ).

“Ngày xưa đi học, là người mê Sử, em thấy cái cách hành quân của vua Quang Trung là hợp lý, đánh trong Tết. Nhưng khi lớn lên, được tiếp cận thông tin tương đối đa chiều, em thấy hình như có cái gì đó không ổn. Một năm mới có Tết một lần, Tết là dịp đoàn viên, đánh trong Tết đồng nghĩa bà con mình mất Tết. Mà bà con mình là ai? Là đồng bào, là con của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Chiến tranh, dù đúng dù sai, dù chính nghĩa hay không chính nghĩa, người dân tay không tấc sắt, vẫn là khổ nhất. Đó là chưa kể đến phụ nữ, người già và trẻ em. Rồi sau này tìm hiểu sâu hơn, em cũng có cái nhìn khác về vua Gia Long. Khoa học là hoài nghi, đúng là có những cái, hình chụp như vậy nhưng thực tế chưa chắc đã là như vậy”, một bạn trẻ giấu tên đã chia sẻ như vậy khi nói về lịch sử thời kỳ Nguyễn Ánh – Quang Trung.

Tuy nhiên, cái thế giới phẳng đó, nó cũng có chiều ngược lại. Nếu như mọi thứ dần được khám phá với những lập luận, những dẫn chứng thì nó cũng là phương tiện để tuyên truyền, một công cụ rất tốt để các nhà làm truyền thông giỏi “thổi tai” người khác hiệu quả hơn.

Theo chia sẻ một số người đã thất vọng khi Google đã hiển thị một trang web lừa đảo ngay đầu trang kết quả tìm kiếm. Mặc dù, Google có gắn nhãn trang web là “được tài trợ” nhưng người dùng thường không để ý tới tiểu tiết này.

Bạn cần tìm việc làm? Bạn cần tìm dịch vụ sửa sang và mua sắm cuối năm? Lên mạng, cái gì không biết thì tra… Google. Và với cách này, lắm khi người dùng có thể cầm nhầm ‘con dao hai lưỡi’ nếu thiếu cẩn trọng.

Nhiều người đã bị nhầm khi lên mạng và được dẫn dắt đến những địa chỉ dỏm trên mạng. Các đơn vị này đã chi tiền cho Google để quảng cáo đưa lên nổi bật trên màn hình tìm kiếm, trong khi đơn vị mà người dân cần tìm bị đẩy xuống dưới.

Tìm kiếm các dịch vụ, sản phẩm, thương mại điện tử, thậm chí là ‘bác sĩ’ khám bệnh, kê đơn, nhận hàng và chuyển tiền qua mạng… hậu quả sau cùng tất nhiên người dùng lãnh đủ và khó có thể khiếu nại với các thông tin quảng cáo trên mạng.

“Với em điều đó không có lạ, Việt Nam mình nhiều content giỏi lắm. Muốn lên top 1 tìm kiếm hay lên trang đầu, cũng không có khó. Rồi nhiều người không biết, họ cứ nghĩ trang 1, những bài đầu là uy tín, bấm vô. Như trường hợp người nhà em nè, có hiểu biết, biết sử dụng Internet, không những công cụ tìm kiếm Google mà còn cả Yahoo rồi Microsoft Bing, thay vì đi khám ở bệnh viện, chọn tin mấy thầy mấy bà nào đó trên mạng, cuối cùng khi nhập viện cấp cứu thì đã nặng”.

Tóm lại, có lẽ, lỗi đó cũng không hẳn là do Google, mà là do đến từ người sử dụng. Vì vậy, thiết nghĩ, khi sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin Google, cần có sự tỉnh táo để nhận biết đúng đâu là thông tin thật và đâu là thông tin… tuyên truyền.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)