Ls Lê Văn Luân
(VNTB)- Tôi vẫn thích câu nói của bà Margaret Thatcher: “Vấn đề của chủ nghĩa xã hội là đến khi nào họ tiêu hết tiền mà thôi!”.
Nợ công lên đến 2.7 triệu tỷ đồng, với cách tính chuẩn xác thì tỷ lệ nợ công đã hơn 100% so với GDP, tức 180 tỷ đô, tương đương và bằng đúng thu nhập bình quân đầu người là gần 2.000 USD/người/năm.
Hơn 220.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp là vì không có tiền chạy chọt, xin xỏ để có việc làm, những chỗ khác đã dành cho cơ cấu, con cháu cán bộ hoặc vài trăm triệu một suất. Không đến lượt những con người này. Doanh nghiệp khó khăn, thu hẹp sản xuất nên nhu cầu lao động ngày càng co lại.
Hơn 11 triệu người ăn lương nhà nước, tức tiền thuế của dân, mà không làm ra của cải vật chất, chỉ ăn bám vào ngân sách (trên tổng số 94 triệu dân). Và đây là con số kỷ lục chưa từng có, khi so với Mỹ chỉ có khoảng 2 triệu người hưởng lương từ ngân sách quốc gia (với hơn 300 triệu dân).
Tỷ lệ ung thư cao thứ hai thế giới và tỷ lệ người chết về tai nạn giao thông thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á. Thuế, phí, lệ phí cũng dành vị trí này trong khu vực.
Giáo dục và khoa học tụt hậu so với Nhật, Singapore vài trăm năm, với Thái 50 năm, Malaysia 30 năm và với Myanmar 10 năm. Hện tại đã xếp sau Lào và Campuchia về nhiều chỉ số kinh tế. Campuchia đã sản xuất ô tô điện giá rẻ cho chính mình và sẽ xuất khẩu trong năm tới.
Năm 2016 trả nợ 12 tỷ đô, sang năm 2017 phải trả 16 tỷ đô, trong khi World Bank và các nước ngừng cấp vốn vay ưu đãi ODA cho Việt Nam từ sang năm, 2017. Mỗi năm khoảng 200.000 doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa vì khó khăn. Ngân sách cạn kiệt nên tìm cách huy động 500 tấn vàng trong dân để chi trả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vàng không ăn được và cũng không thể giải quyết được sự khủng hoảng hay tham gia vào hoạt động kinh tế, mà chỉ để trả nợ hoặc bơm vào các dự án “đang chết”, nếu được huy động và sử dụng (vàng cũng chỉ là một loại tiền).
Nhiều hộ ở Tây Nguyên được hỗ trợ hạn hán bằng gạo đã phải đem bán vì quá “khó ăn”. Họ nói chỉ có gà hoặc cho lợn ăn những loại gạo như vậy. Gạo và tiền hỗ trợ đời sống cho các ngư dân ở vùng thảm hoạ miền Trung đã bị ăn chặn, ăn bớt và có nhiều nơi vẫn chưa nhận được tiền cứu trợ.
Tỷ lệ đại biểu quốc hội là đảng viên chiếm 96% số lượng đại biểu được bầu. Đây là con số kỷ lục so với các năm trước dù tỷ lệ này vẫn luôn lớn hơn 90%. Như vậy, nói quốc hội là của đảng cũng không có gì sai, và 90 triệu dân còn lại không có cơ hội để tham gia vào hệ thống chính trị mà họ gọi là của dân, do dân và vì dân. Đây là lý do cần phải xoá bỏ cơ chế “Đảng cử dân bầu” nếu muốn có chính quyền sạch và chọn lựa được nhiều hiền tài từ trong dân mà đang bị lãng phí suốt nửa thế kỷ qua bởi cơ chế “méo mó” này.
Người đi biểu tình theo hiến pháp thì bị coi là bất hợp pháp, bị ngăn cản, bắt giữ trái phép hoặc đánh đập. Người nói lên sự thật hoặc những vấn đề về chính trị, xã hội và lên án cái xấu, tham nhũng thì bị coi là những thành phần nguy hiểm đối với nhà nước, người dân thì khen họ là dũng cảm (một điều quá lạ lùng, vì đó đáng ra là nghĩa vụ hiển nhiên của một công dân đối với chính phủ, với xã hội khi nó suy cấp, hủ bại, tha hoá), luật pháp không được phổ biến đúng bản chất vì sợ khiếu kiện phát sinh. Dân chủ và tự do mà dân không được lập đảng chính trị hay hội họp dân sự thì dân chủ và tự do ở điều gì???
Xã hội bạo lực xảy ra tràn lan từ gia đình, học sinh, nhà trường đến ngoài xã hội, mọi vấn đề được giải quyết bằng bạo lực. Con người trở nên mất niềm tin vào công lý, vào luật pháp, nên lựa chọn những hành xử ngoài luật để xử lý các vấn đề của cuộc sống. Môi trường, môi sinh ô nhiễm nặng nề từ không khí, nước, thực phẩm, tư tưởng, văn hoá, tâm linh, đều biến dạng và suy thoái trầm trọng. Văn hoá phong bì ở khắp nơi và trong mọi mặt đời sống. Học xong chỉ lo bỏ tiền chạy việc mà không cần tài năng hay phẩm chất của mình mà ứng tuyển.
Chạy chức, chạy quyền, rồi vơ vét của cải, tham ô, tham nhũng bằng mọi cách và từ trên xuống dưới, thành quốc nạn, nhưng tất cả trở nên bất lực, bởi cơ chế độc đảng và toàn trị khiến nó trở nên bất khả xâm phạm. Người dân không có khả năng tham nhũng và cũng không có quyền lực để xử lý những vấn đề nhức nhối của chính quyền trị vì.
Và tôi vẫn thích câu nói của bà Margaret Thatcher: “Vấn đề của chủ nghĩa xã hội là đến khi nào họ tiêu hết tiền mà thôi!”.