Mai Lan
(VNTB) – Người lớn đã luôn dọa dẫm tâm hồn những cậu bé. “Đàn ông con trai không được khóc, khóc chỉ là chuyện dành cho con gái”.
Hoặc đàn ông sẽ khóc. Nhưng là giọt nước mắt lén lút trong bóng đêm rồi vội lấy tay bịt miệng ngăn những tiếng nức nở. Còn những khi đối diện với ánh sáng, đàn ông bao giờ cũng cố nén chúng rồi đẩy ngược lại vào bên trong. Đó phải chăng là những giọt nước mắt chảy ngược đầy khổ sở của đàn ông.
Tôi luôn tự nghĩ, đàn ông không phải con người? Tuyến lệ trong mắt đàn ông hay đàn bà, nào đâu có sự khác biệt?
Tôi bảo với anh bạn tôi rằng đàn bà luôn có đôi mắt đẹp hơn đàn ông là bởi đôi mắt nàng được rửa sạch thường xuyên bằng nước mắt. Anh ta cười và cho rằng tôi ngớ ngẩn.
Anh bạn tôi giải thích về cái sự ngớ ngẩn ấy bằng câu hỏi: thế thì vì sao bà Lê Thị Thanh Thúy khi nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, bà đã không khóc giống như ‘bị cáo đầu vụ’ là ông Nguyễn Thành Tài? Bà Thúy không khóc, nhưng sau cặp kính, người ta vẫn nhận ra đôi mắt của bà không chỉ đẹp, mà còn mạnh mẽ, quyến rũ…
Không ít người so sánh nước mắt của ông Nguyễn Thành Tài tại tòa với những kể lể dông dài về một quá khứ mà lúc này ông đang muốn ăn mày, với những tù nhân lương tâm ra tòa với tất cả sự rắn rỏi đàn ông, không khóc và cũng không than vãn số phận.
Tôi nghĩ rằng không phải những người đàn ông tù nhân lương tâm kia không biết rơi lệ. Người đàn ông bản lĩnh sẽ tiết kiệm nước mắt, và sử dụng nó trong những trường hợp có thể tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh từ chính bản thân, để mang lại sự thanh thản cho mình và cho người khác.
Khóc là biểu hiện của một cảm xúc. Nhưng người đàn ông thường không dùng tiếng khóc để mưu tìm sự thông cảm, để chứng minh cho một tình cảm đặc biệt nào đó, vì nó có thể gây nên tác dụng ngược khi người khác nhìn mình bằng một ánh mắt ái ngại thay cho sự nể phục. Nước mắt sẽ thực sự quý giá khi nó có tác dụng làm con người giải tỏa tâm lý cho cả bản thân, và cho nhiều người chung quanh mình.
Thế nhưng tôi cũng hiểu rằng rất có thể khi quay về với bức tường của ngục tù, Lúc đó, họ đã khóc thật sự, khóc một cách ngon lành như một cơ chế làm quân bình trạng thái tinh thần của chính họ.
Trong nhiều trường hợp, sự bất thường đó được thể hiện thông qua việc “nuốt nước mắt” của họ để nhấn chìm sự bất an, để chống chọi với sóng dữ đang chực trào lên trong họ, để “giữ mình” cứng cỏi trước giá trị và trách nhiệm, trước hình ảnh của bản thân trong từng thang bậc quan hệ để rồi trong lúc một mình, họ lại lặng thầm nhỏ lệ cho vơi bớt buồn đau.
Tôi nhớ đâu đó ai đã viết theo thể văn khẳng định rằng, đàn bà hiểu rõ nước mắt hơn đàn ông. Nhưng không phải vì thế mà một người đàn ông khóc thì ngay lập tức biến thành đàn bà. Đừng bao giờ đặt danh dự một người đàn ông an trú trong những giọt nước mắt. Một thằng đàn ông không dám thành thật với chính mình, liệu gã có xứng để đặt cạnh danh dự? Đàn ông đã bị xã hội đánh lừa quá lâu rồi. Người mang dòng máu đàn ông đích thực không bao giờ thể hiện qua giọt nước mắt. Hơn ai hết đàn ông hiểu họ thèm muốn được thảnh thơi rơi xuống. Nước mắt rơi xuống chỉ để phục sinh trỗi dậy.
Có lẽ trên quê hương Việt thương yêu của tôi ngày nào, giờ nào trong suốt hơn 45 năm qua, người ta cũng thấm thía như lời ca khúc của Trịnh Công Sơn, với biết bao dòng lệ vẫn đang tuôn chảy bên đời:
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong
Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương anh, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man.
Ôi! dòng nước mắt chảy hoài
Dòng nước mắt đời đời
Giọt nước mắt thương ai
Ôi giòng nước mắt trong tim
Chảy lai láng vào hồn
Nửa đêm gọi đến mình
Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương