Minh Triều
(VNTB) – Cha mẹ cờ bạc, bạo hành đều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái
Từ trước đến nay chúng ta đã quen với việc cha mẹ làm gương cho con cái, hổ phụ sinh hổ tử tức là cha mẹ tốt thì mới dạy con nên người. Nhưng cũng có “con hư tại mẹ”, nếu cha mẹ nuông chiều hoặc không biết dạy thì con sẽ hư hỏng.
Thông thường, cha mẹ mê bài bạc, nghiện ngập, hoặc bạo hành, bạo lực gia đình thì sẽ dẫn tới nhiều trường hợp con cái hư hỏng, bỏ học, thậm chí là học theo cha mẹ, sa đoạ trong cờ bạc, đề đóm, ma tuý, hoặc vướng vào các băng nhóm giang hồ, xã hội đen.
Cha mẹ mê bài bạc, cá độ, nghiện ngập không chỉ làm con cái xấu hổ, mà còn mang nợ nần khiến cho con cái phải khổ sở vì mất nhà cửa, đôi khi còn phải gánh nợ thay cho cha mẹ khi tuổi đời còn nhỏ.
Mạng xã hội có chuyện hài hước về một công an đi triệt phá đường dây cờ bạc, đá gà nhưng phát hiện cha mình lại là người chơi bài khi người con “rượt thằng kia đá gà, chạy vô sòng bài, tưởng lập công ai dè thấy bóng dáng cha già thân yêu đang ngồi trên chiếu”.
Trên báo điện tử Vnexpress năm 2023 có đăng bài viết “Không còn tin lời hứa bỏ cờ bạc của cha mẹ” kể về câu chuyện của học sinh lớp 12 có cha mẹ bị nghiện cờ bạc online. Phụ huynh học sinh này phải xin ông bà bán hết đất đai nhà cửa để trả nợ vì thua bạc. Sự việc lập lại nhiều lần với nhiều lời hứa sẽ bỏ bài bạc lo cho con cái, thế nhưng chứng nào tật nấy, khiến em học sinh mất niềm tin vào cha mẹ và con đường tương lai cũng trắc trở khi chuẩn bị vào đại học. (1)
Có những nghệ sĩ cũng từng phải rất khổ sở và nỗ lực rất nhiều khi có cha mẹ mê cờ bạc. Trương Mỹ Nhân, á hậu cuộc thi Miss Supranational Vietnam 2018, kể rằng cô phải bắt đầu trả nợ tiền thay mẹ khi chỉ mới 16 tuổi. Sau 10 năm gánh nợ, con số này ước tính phải lên đến hàng tỷ đồng, tới khi có danh hiệu á hậu, cô vẫn phải trả góp ngân hàng 4 triệu mỗi tháng cho món nợ 300 triệu của mẹ. (2)
Năm 2009, báo Công an Nhân dân có bài viết kể về câu chuyện chủ tịch xã đã phải tự mình chở cha đi cai nghiện. Ông Sồng A Lừ, chủ tịch xã Suối Tọ (huyện Phù Yên, Sơn La), đã phải chở cha ruột vượt qua quãng đường núi hơn 30 cây số bằng xe máy tới trại cai nghiện, với hi vọng cha mình có thể cắt cơn, đoạn tuyệt với “ả phù dung”. (3)
Nhưng những trường hợp ngoại lệ như vậy không nhiều. Mặc dù con cái có thể có năng lực và tiềm năng lớn, nhưng môi trường gia đình không tốt chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lâu dài trong suốt đời người. Dù con cái có ngoan và giỏi đến đâu, nhưng cha mẹ hư hỏng, cờ bạc, bạo hành đều sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho con cái như trầm cảm, tự ti, bốc đồng. Nặng hơn, nếu gia đình nợ nần, phá sản, hay cha mẹ đi tù, thì con cái sẽ có thể mất đi cơ hội được tiếp tục học hành khi không còn nơi nương tựa hoặc bị buộc phải trả nợ thay cho cha mẹ khi tuổi còn nhỏ. Nhất là trong xã hội coi trọng lí lịch cha mẹ như ở Việt Nam, thì dù có cố gắng cách nào, cũng khó lòng được bình đẳng phát triển hết năng lực…
Hơn hết là gánh nặng tâm lý mà con cái phải chịu khi có bố mẹ “hư hỏng”. Con cái bị vướng vào vòng lẩn quẩn phải trả nợ bài bạc liên tục thay cho cha mẹ nếu muốn không bị mang tiếng bất hiếu. Cứ phải gánh nợ cho cha mẹ khiến cho con cái không còn có tích luỹ riêng để lo cho cuộc sống của chính mình, thậm chí không dám yêu hoặc không ai dám yêu vì sợ phải ôm món nợ triền miên. Hệ luỵ là có những người con như vậy sẽ bị trầm cảm, tự ti trước thực tế trả nợ thay suốt đời.
Bài viết “Tuổi trẻ Việt Nam – một thế hệ vứt đi” từng lên án về những thói hư tật xấu của người trẻ Việt Nam thời nay (4). Nhưng vì sao tuổi trẻ lại bị lên án như vậy? Khi có cha mẹ chỉ biết sa đà vào bàn nhậu, sới bạc, nghiện ngập thì dù có nỗ lực cách nào thì con số thành công như những trường hợp ở trên cũng không nhiều. Chính vì vậy, nếu thật sự có trách nhiệm với gia đình, với quê hương thì những người làm cha làm mẹ phải có ý thức trở thành tấm gương tốt để con cái noi theo.
______________
Tham khảo:
(1)https://vnexpress.net/khong-con-tin-loi-hua-bo-co-bac-cua-cha-me-4656464.html
(2) https://phunuvietnam.vn/truong-my-nhan-hon-10-nam-tra-no-tien-ty-vi-me-me-co-bac-5120214711180925.htm
(3) https://cand.com.vn/Xa-hoi/Mot-Chu-tich-xa-cho-cha-di-cai-nghien-i144688/
(4) https://www.thesaigonpost.com/2020/08/tuoi-tre-viet-nam-mot-he-vut-i.html?m=1