VNTB – Khi tội danh thành lập, ông Lưu Bình Nhưỡng có được… án treo?

VNTB – Khi tội danh thành lập, ông Lưu Bình Nhưỡng có được… án treo?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) –  Ông Lưu Bình Nhưỡng là một chính khách có những tuyên ngôn rất… dân túy. Việc ông bị bắt về tội cưỡng đoạt tài sản là sự kiện gây sốc với giới truyền thông.

 

Góp ý công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông Lưu Bình Nhưỡng – người đồng thời cũng là luật sư, từng cho rằng, việc hiện nay chúng ta xác định tỷ lệ oan sai “là nguy hiểm”. “Hình dung xem, mình hoặc người thân ở trong 0.000001% oan sai thì mình nghĩ thế nào?”.

Theo ông Nhưỡng, điều ông vẫn băn khoăn là về vấn đề bảo đảm độc lập tư pháp khi trong hoạt động tư pháp lâu nay vẫn tồn tại khái niệm ngành, như “ngành tòa án”. Theo góc nhìn của ông Lưu Bình Nhưỡng, “mỗi một tòa án là một cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau, chứ không có khái niệm tòa án cấp trên và cấp dưới. Các thẩm phán hoàn toàn độc lập với nhau và không được can thiệp bất kỳ hoạt động nào của nhau”.

Một vấn đề khác, theo ông Nhưỡng, là những cuộc làm việc liên ngành giữa các cơ quan tư pháp. “Tôi có tham gia làm luật sư một vụ án nổi tiếng là vụ án Tân Thanh, Lạng Sơn. Có vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nói, vấn đề này chúng tôi đã có văn bản họp liên ngành”, ông Nhưỡng nói và cho biết, cần phải khắc phục để đảm bảo tính độc lập của tư pháp.

“Chúng ta xem có những phiên tòa ở một số nước có thể kéo dài hàng năm. Tìm công lý vậy cơ mà. Trước đây có đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp có nói với tôi: ‘Nhưỡng ạ, công lý không bao giờ có giá rẻ, thậm chí nó được đổi không chỉ bằng tiền mà bằng cả xương máu’. Vì không có công lý giá rẻ, nên phải mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí xương máu mới có thể tìm ra được công lý”, ông Nhưỡng chia sẻ.

Từ các biện luận trên, ông Nhưỡng cũng cho rằng, việc hiện nay chúng ta xác định tỷ lệ oan sai “là nguy hiểm”. “Hình dung xem, mình hoặc người thân ở trong 0.000001% oan sai thì mình nghĩ thế nào”.

Một vấn đề khác được ông Nhưỡng “góp ý” với các cơ quan tư pháp là câu chuyện hòa giải. Theo ông, Tòa án xây dựng luật hòa giải đối thoại tại tòa là một bước đổi mới, song người dân cũng phản ánh là hòa giải chưa thực chất.

“Vẫn còn tình trạng hòa giải dưới lưỡi dao. Hòa giải nhưng cứ đe người ta. Có những người tham gia hòa giải đe luôn là, hôm nay đưa vấn đề này ra ông không ấy thì thế này thế kia”, ông Nhưỡng nói và cho rằng, đây không phải là tính chất hòa giải – “Làm thế nào để hòa giải thực sự là hòa giải. Người hòa giải thực sự là người trung lập, dẫn dắt các bên để đi đến thỏa thuận công bằng”, ông Nhưỡng nêu.

Ngày 14-11-2023, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt giữ hình sự vì liên quan đến vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, thường gọi là Cường “quắt”, có 3 tiền án trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội “cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điều 170 bộ luật hình sự.

Nếu tội danh được tòa phúc thẩm thành lập, liệu với tội cưỡng đoạt tài sản, ông Lưu Bình Nhưỡng có được hưởng án treo?

Tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về điều kiện hưởng án treo như sau: “1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”.

Tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, theo đó, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm; 2. Có nhân thân tốt. Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Tính đến hiện tại thì ông Lưu Bình Nhưỡng là công dân có nhân thân tốt.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar

    Táo lao bí đao

  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 8 months

    Lỗi anh đánh máy, thiếu chữ “cổ”