Nguyễn Hồng Vũ
Hồi nhỏ coi phim trinh thám mình rất thích những cảnh suy luận của thám tử điều tra tội phạm, đặc biệt là những suy luận không dựa vào lời khai mà dựa vào “hành vi” vì hành vi của con người thường thể hiện rõ suy nghĩ của họ hơn là lời nói. Do vậy, nếu quan sát hành động của con người, nhất là khi chạm tới lợi ích riêng tư hoặc sự an toàn của chính họ, đôi khi bạn sẽ nhận ra sự thật ở nơi đâu. Nếu bạn không tin vào những cảnh báo “nguy cơ” về vaccine Trung Quốc của tui đã viết rất nhiều trong thời gian qua trên Facebook dựa trên các bằng chứng khoa học và các bài học thực tế đau thương của các nước trên thế giới, thì các bạn cũng nên sử dụng “khoa học hành vi” để tự tìm sự thật cho mình! Không phải tự nhiên “ông ngoại” bí ẩn lại chọn cho cháu gái vaccine Pfizer chứ không phải vaccine khác; không phải tự nhiên mà công ty Vạn Thịnh Phát lại chích vaccine cho nhân viên mình bằng vaccine phương Tây chứ không phải loại của Trung Quốc họ mua về tài trợ; không phải tự nhiên mà vaccine Trung Quốc lại “dễ mua” hơn các loại vaccine khác; v.v… Tui thấy khá chướng mắt với những bài post đang kêu gọi theo kiểu “vaccine nào cũng như nhau”, “có vaccine nào thì chích vaccine đó”, gọi những người đưa thông tin xấu về vaccine Trung Quốc là thiếu đạo đức, chỉ trích những người đang do dự việc chích vaccine Trung Quốc và thậm chí một vài thông tin còn dẫn “luật” phạt nặng người nào từ chối chích vaccine! Thật ra, đây không phải là cách để các bạn thuyết phục người dân chích “vaccine kém chất lượng” và càng không phải cách để các bạn tự hào về “đạo đức” của các bạn khi “quan tâm” đến sức khỏe người khác kiểu như thế!
Suốt trong thời gian qua, câu hỏi mà tôi thường gặp nhất từ các bạn chuẩn bị chích vaccine đó là “có an toàn không? có hiệu quả không?”. Cũng không lạ, vì đây là 2 tiêu chuẩn “cơ bản nhất” của một vaccine mà các nhà sản xuất phải tốn biết bao nhiêu tiền của, thời gian để thực hiện trên rất nhiều thí nghiệm từ trong phòng thí nghiệm đến tiền lâm sàng và lâm sàng với biết bao nhóm đối chứng để trả lời được các câu hỏi này, và không ít nghiên cứu vaccine phải bỏ dỡ vì không đạt được những điều kiện trên. Dựa trên sự minh bạch thông tin và theo sự dõi sát sao các đối tượng được chích ngừa, những phản ứng phụ dù là rất hiếm gặp như hiện tượng đông máu ở vaccine AstraZeneca, viêm cơ tim ở mRNA vaccine vẫn được tìm ra. Dựa trên đó, các nhà sản xuất, cũng như các tổ chức Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân và nhân viên y tế lựa chọn vaccine an toàn hơn, phù hợp hơn với thể trạng/bệnh nền của người được chích vaccine. Đây là lý do mà mình đã đề nghị “Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19” của Việt Nam phải cho người dân biết rõ vaccine nào họ sẽ được chích trước khi họ đánh dấu vào ô “đồng ý tiêm chủng”. (https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4697425006938500)
Bất cứ vaccine/thuốc nào dù rằng được đánh giá tốt nhất đều có một “tỉ lệ nguy cơ” phản ứng phụ nguy hiểm và “mức dao động về độ hiệu quả” trong đó. Những con số này thường được tìm thấy ở các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến sản phẩm vaccine/thuốc đó. Độ sai lệch của những con số này với kết quả thực tế thường tỉ lệ thuận với số lượng nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu và độ tin cậy của nghiên cứu. Do vậy, đối với vaccine của Trung Quốc, khi các nhà khoa học trên thế giới không thể xác định được “độ tin cậy” của nó do số lượng nghiên cứu ít, không rõ ràng và không tiếp cận được số liệu gốc thì sự sai lệch thường là rất lớn. Vì thế, việc “đánh giá độ tin cậy của vaccine” là điều cần thiết, đứng ở góc độ nhà quản lý đưa ra chiến lược chống dịch thì việc chọn lựa vaccine có độ tin cậy cao hơn sẽ giảm thiểu được rủi ro “đi lên vết xe đổ” của các nước khác, đứng ở góc độ người dân được chích vaccine thì lựa chọn vaccine có độ tin cậy cao hơn sẽ giảm được nguy cơ về sức khỏe cho họ. Đây là lý do mà tôi đã khăng khăng giữ quan điểm phải minh bạch việc “đánh giá độ tin cậy của các vaccine COVID-19 hiện có ở Việt Nam” trong tọa đàm online của nhóm “Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam” (gọi tắt là AVSE) hồi 2 tuần trước mặc dù ban tổ chức đã khó chịu và quyết định “loại” tôi trước khi chương trình bắt đầu vài tiếng. Trong các email trao đổi qua lại trước đó, tôi đã có đặt câu hỏi với các chuyên gia và ban tổ chức là “Thực sự mà nói nếu ai trong chúng ta ngày mai sẽ chích vaccine của Sinopharm thì có hoang mang lo ngại không khi những thông tin khoa học về chúng không rõ ràng còn các thông tin thực tế ở các nước thì rất xấu?” -> Tôi “có” và tôi cũng chắc chắn là những người dân Việt Nam dù “được cho là” có “nền tảng trình độ hiểu biết khác nhau” nhưng cũng có suy nghĩ như tôi. Câu trả lời về sự an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc còn làm các chuyên gia lúng túng, không trả lời được một cách rõ ràng thì sự lo lắng đó là tất yếu thôi! Người ta sẽ có cảm giác sợ khi đi vào một con đường với màn đêm đen kịt phía trước hơn là đi trên một con đường có vài ổ gà lúc trời sáng!
Hãy bớt dạy đạo đức cho người khác đi các bạn, hãy bớt áp đặt người dân vào những câu nói sáo rỗng tựa như “đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc”, mà hãy đặt mình vào hoàn cảnh người sắp phải đi vào con đường trong bóng đêm ấy mà cảm thông và có những lời khuyên hữu ích. Nếu các bạn đã nghe bài nói của tôi vào ngày 25 tháng 7 thì ý kiến của tôi là bạn “chỉ nên chọn” chích vaccine Trung Quốc khi mà bạn “không có sự chọn lựa nào khác” và bạn cần nhớ 3 điều sau:
Sau khi chích vaccine Trung Quốc các bạn phải tiếp tục giữ tâm lý như chưa chích vaccine, tránh tâm lý ỷ y, phòng ngừa lây nhiễm tối đa.
Khi có điều kiện chích vaccine khác có độ tin cậy cao hơn thì nên chích bổ sung.
Nên chích vaccine ở bệnh viện có bộ phận cấp cứu để phòng ngừa bất trắc và nên ở lại lâu hơn (ít nhất 30 phút sau khi chích) để quan sát phản ứng phụ.
Trong tiếng Anh có câu thành ngữ “Put yourself in someone else’s shoes” (tạm dịch: hãy thử mang giày của người khác) có nghĩa là “hãy đặt mình vào hoàn cảnh người khác” để hiểu rõ hơn. Do vậy, hãy bớt dạy đạo đức đi nghe mấy bạn, nhất là mấy bạn đã chích vaccine tốt hơn rồi buông lời cay đắng với những người đang do dự chích vaccine có “độ tin cậy kém hơn”.
Bảo trọng nhe bà con,
_____________________
Các bài viết liên quan:
Ngày 27 tháng 7 năm 2021 > Buổi nói chuyện online về virus SARS-CoV-2, Bệnh COVID-19 và Vaccine <
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4750330828314584
Ngày 19 tháng 7 năm 2021 > Hãy ngưng định hướng chính trị đối với nhà khoa học <
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4726456800701987
Ngày 17 tháng 7 năm 2021 >Gáo nước lạnh vào sáng sớm<
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4718818368132497
Ngày 10 tháng 7 năm 2021 >Tại sao người chích ngừa vaccine COVID-19 cần biết rõ sẽ được chích vaccine nào?<
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4697425006938500
Ngày 7 tháng 7 năm 2021 > Có thật là “chủng Lambda chứa đột biến có thể đánh bại vaccine”?! <
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4690793234268344
Ngày 18 tháng 6 năm 2021 > Chất lượng hàng Tàu – biết đâu mà lần!< https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4637277356286599
Ngày 04 tháng 6 năm 2021 >Vaccine Trung Quốc của Sinopharm – Vết xe đổ – Tại sao chúng ta phải đi vào?!< https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4596879506993051
Ngày 02 tháng 6 năm 2021 > Seychelles – Tại sao chiến lược vaccine lại kém hiệu quả? <
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4590869900927345
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím