Ngọc Vân
(VNTB) – Chính các lãnh đạo Đảng, chính phủ ngầm cho phép tham nhũng thông qua việc nhắm mắt làm ngơ. Không cho tham nhũng, ai bảo vệ chế độ?
Nhân viên công quyền tham nhũng – Trên bảo dưới không nghe hay ngoảnh mặt làm ngơ?
Ngày 25 tháng 12 vừa qua, Cục Cảnh Sát Giao Thông họp báo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, nhấn mạnh xây dựng văn hóa ứng sử của CSGT nhằm tạo nên sự thân thiện với những người tham gia giao thông. Nhìn rộng ra, chính quyền Việt Nam đã nhiều lần đưa ra những thông báo, quy định tương tự.
Tuy vậy, đa số người dân tin rằng những quy định này sẽ chẳng đi đến đâu. Có quan chức cho rằng đó là do tình trạng trên bảo dưới không nghe. Ngược lại, tôi cho rằng lãnh đạo Đảng CSVN nhắm mắt làm ngơ cho cấp dưới tham ô để đổi lấy sự trung thành với chế độ.
Một số quan chức cho rằng tình trạng tham nhũng, coi thường người dân xảy ra là do cấp trên bận trăm công ngàn việc, do các hành vi xấu xảy ra ở những nơi khó kiểm soát. Lập luận này thoạt nghe có vẻ hợp lý. Các vi phạm của CSGT, chẳng hạn, xảy ra ở ngoài đường, chứ không phải tại cơ quan.
Tuy vậy, theo mô hình phân tích chính trị của Giáo Sư Susan Stokes, Đại Học Chicago, thì hiện tượng tham nhũng trong những thể chế như ở Việt Nam, xảy ra theo đúng ý đồ thiết kế thể chế của tầng lớp chóp bu chính trị. Họ để cho cấp dưới tham nhũng. Cấp dưới, đổi lại, phải bảo vệ chế độ. (*)
Thứ nhất, trong một nền chính trị ‘chính danh’ (tạm dịch từ cụm từ programmatic politics), các quy định phân bổ lợi ích được công khai và các quy định này thực sự phản ánh lợi ích mà các cá nhân nhận được. Ví dụ, quy định lương của CSGT là 10 triệu Đồng một tháng thì thu nhập thực tế của họ từ công việc làm CSGT sẽ vào khoảng như vậy.
Ngược lại, trong một nền chính trị không chính danh, thì các quy định phân bổ lợi ích hoặc không được công khai hoặc các quy định công khai không phản ánh cách phân bổ lợi ích thực tế. Cũng với ví dụ CSGT, có lẽ ai cũng tin rằng thu nhập thực tế của các nhân viên công quyền này cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập theo các văn bản chính thức của nhà nước.
Thứ hai, trong một nền chính trị phi chính danh, lợi ích của các cá nhân có phụ thuộc vào việc họ có ủng hộ cho giới chóp bu cầm quyền về mặt chính trị hay không. Nếu có thì thể chế chính trị được gọi là clientelism, tức là chủ yếu dựa vào các mối quan hệ giữa người bảo trợ (cấp trên) với người được bảo trợ (cấp dưới).
Ví dụ, các quan chức quân đội, công an, chính quyền địa phương được cấp trên nhắm mắt làm ngơ trong việc tham nhũng, chiếm đất của người dân. Đổi lại, các vị này phải nghe lời cấp trên.
Chính vì vậy, các lực lượng này mới đàn áp dân chúng như đã từng xảy ra trong các cuộc biểu tình chống Luật An Ninh Mạng, các cuộc đàn áp tại Đồng Tâm, Dương Nội. Nếu các vị này không thẳng tay đàn áp dân chúng, nếu các quan tòa không xử theo lệnh trên, liệu có giữ được ghế không?
Ngược lại, nếu chỉ lãnh lương chính thức mà không được hối lộ, có lẽ đa số các vị này có tiếp tục làm hay không hay sẽ bỏ đi làm cho các công ty tư nhân, nước ngoài chứ chẳng tội gì mà phải cầm súng, cầm dùi cui đánh đồng bào của mình, chẳng tội gì mà phải tuyên án hàng chục năm tù cho những người mà thâm tâm họ biết là vô tội.
Thực ra, trên thế giới có nhiều nước có chế độ kiểu clientelism chứ không phải riêng gì VN. Tuy vậy, khốn cho người dân Việt ở chỗ nhà cầm quyền VN không có nhiều dầu mỏ như các nước Trung Đông để bơm lên để nuôi quân đội, cảnh sát. Thay vào đó, họ để cho những kẻ thừa hành mặc sức hà hiếp dân chúng.
Một số độc giả có thể cho rằng lập luận của tôi không thuyết phục vì không đưa ra được bằng chứng và họ cũng có lý về một khía cạnh nào đó. Thực sự, trong một xã hội mà tự do ngôn luận chưa được tôn trọng thì rất khó cho những người dân thường như tôi có được bằng chứng.
Tôi chỉ xin đưa ra vài ví dụ nho nhỏ. Thứ nhất, theo tổ chức Transparency International, Việt Nam xếp hạng 96/180 các quốc gia trên thế giới về tham nhũng. Tức là tình trạng tham nhũng xảy ra nghiêm trọng hơn 95 nước. Thứ hai, có lẽ những vụ như vụ 3 cảnh sát giao thông ở Bắc Giang đánh người nhưng chỉ bị … chuyển công tác xảy ra khá phổ biến.
Tóm lại hiện tượng tham nhũng xảy ra tràn lan tại VN là do cơ chế do tầng lớp chóp bu chính trị tạo ra chứ không phải do trên bảo dưới không nghe. Chính các lãnh đạo Đảng, chính phủ ngầm cho phép tham nhũng thông qua việc nhắm mắt làm ngơ. Không cho tham nhũng, ai bảo vệ chế độ?
_________________
Chú thích:
(*) Stokes, S. C. (2005). Perverse accountability: A formal model of machine politics with evidence from Argentina. American political science review, 315-325.