Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không còn ‘giặc Covid’ nên TP.HCM tháo bỏ lô cốt

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Các hàng rào bằng thép gai, ghế đá, thang tre, giàn giáo, thùng phuy… được dựng lên làm rào chắn ở các tuyến đường, con hẻm tại TP.HCM sẽ được tháo gỡ từ nay đến ngày 30-9-2021.

 

Ông Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho hay kết quả phiên họp ngày 24-9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có thông tin tích cực, đó là từ nay đến ngày 30-9, TP.HCM sẽ tháo gỡ ngay các hàng rào, dây nhợ, kẽm gai… “Chúng ta sẽ xóa ngay hàng rào, để đến hết ngày 30-9, bước sang ngày 1-10 có một hướng mới. Song, ở những cửa ngõ thành phố vẫn còn các chốt chặn, để đảm bảo sự an toàn chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam” – ông Ngân nói.

Cụ thể, theo kế hoạch thì TP.HCM chỉ duy trì hoạt động kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào thành phố gồm 12 chốt chính và 49 chốt phụ. Các chốt này thực hiện theo quyết định 1677 ngày 9-5-2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM. Đối với kiểm soát tại các chốt cửa ngõ các tỉnh, kiểm soát xe vận tải hàng hóa thông qua giấy nhận diện (có mã QR) và mã QR qua khai báo di chuyển nội địa hoặc ứng dụng VNEID.

Đối với xe vận chuyển hàng hóa không có mã QR luồng xanh nhưng đã hết hiệu lực, phải thực hiện theo hướng dẫn của lực lượng chức năng kiểm soát dịch. Xe chở công nhân, chuyên gia được kiểm soát thông qua mã QR luồng xanh do Sở Giao thông vận tải TP.HCM cấp với thời gian, lộ trình, kèm theo danh sách lái xe, nhân viên trên xe và mã QR qua khai báo di chuyển nội địa, hoặc ứng dụng VNEID.

Trong phạm vi TP.HCM, đối với các xe vận tải hàng hóa, chỉ kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa khi đi vào khu phong tỏa tại các chốt kiểm soát. Xe chở công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch, xe taxi được kiểm soát thông qua giấy nhận diện có mã QR, danh sách xe, thời gian, hành trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên trên xe (nếu có).

Đối với xe cá nhân được kiểm soát thông qua mã QR khai báo di chuyển nội địa tại các chốt kiểm soát ra vào khu vực phong tỏa và khu vực nguy cơ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho hay dù chưa chốt phương án cuối cùng về kế hoạch sắp tới của TP.HCM, quan điểm là kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên đường. Thay vào đó, chính quyền sẽ xử lý khi kiểm tra ngẫu nhiên, ví dụ khi vào siêu thị, nhà hàng nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt cả cá nhân và chủ doanh nghiệp, hoặc ở nhà máy không làm đúng theo các tiêu chí sẽ phạt người lao động và chủ nhà máy.

Theo ông Vũ, phương án như kể trên sẽ đỡ việc tụ tập trên đường, đứng xét giấy có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ở một góc nhìn khác từ chuyện ‘rào phên dậu’, có luồng ý kiến thời gian qua vì xem Covid là ‘giặc’ cần phải tiêu diệt bằng mọi giá nên có thực tế như tỉnh này thì yêu cầu xét nghiệm nhanh, tỉnh kia thì yêu cầu xét nghiệm PCR, có tỉnh yêu cầu giấy xét nghiệm thời hạn 3 ngày, có tỉnh lại yêu cầu 2 ngày, có tỉnh yêu cầu xét nghiệm 3 lần mới được vào địa bàn…

Đây quả thực đang là một vấn đề rất lớn của mầm mống ‘loạn 12 sứ quân’. Phân cấp, phân quyền mạnh có ưu điểm là tạo ra sự chủ động cho các địa phương trong việc ứng phó với dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng gây nên tình trạng tùy tiện và cát cứ khi coi ‘dịch’ là ‘giặc’ để ‘tìm – diệt’.

Và cũng vì tâm thế cần phải ‘đánh thắng giặc’, một số địa phương chỉ thấy lợi ích riêng của địa phương mình, mà chưa thấy hết lợi ích chung của quốc gia. Song ngay cả điều đó cũng khó trách, vì đã đánh đồng ‘dịch’ là ‘giặc’, nên do phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để dịch bệnh bùng phát – nghĩa là giặc chiếm thành trì, nên người đứng đầu địa phương thường tìm mọi cách để giữ cho địa bàn của mình “thật sạch” bóng ‘giặc’ – nghĩa là phải mọi cách ‘chọt mũi’ để ‘bóc tách F0’ ra khỏi cộng đồng qua việc đưa vào những trại cách ly tập trung.

Hệ lụy của tâm thế trên là đưa tới rủi ro lớn nhất: Để dịch bệnh bùng phát ở địa phương thì rõ trách nhiệm, nhưng để nền kinh tế của đất nước bị đổ vỡ thì lại chẳng sao cả.

Nói một cách nhẹ nhàng, gần hai năm chống dịch vừa qua, để lại cho cả hệ thống chính trị của Việt Nam bài học sâu sắc, là nếu chỉ áp dụng biện pháp hành chính duy ý chí, sẽ để lại hệ quả tiêu cực không đáng có: Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 25-9-2021 là 18.400 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc, và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).


Tin bài liên quan:

VNTB – Giới cần lao nói gì khi TP.HCM giãn cách thêm 2 tuần?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ghi nhanh: Lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi?

Do Van Tien

VNTB – Thẩm phán thực sự độc lập…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo