VNTB – Nhà báo không theo “tôn chỉ, mục đích” của Đảng, không được tác nghiệp

VNTB – Nhà báo không theo “tôn chỉ, mục đích” của Đảng, không được tác nghiệp

Hiền Vương

 

(VNTB) – Quy chế tổ chức họp báo mới đây do Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký, yêu cầu các cơ quan báo chí đặt câu hỏi phù hợp “tôn chỉ, mục đích” của cơ quan báo chí.

 

Hôm 4-4-2024, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ – ông Trần Việt Trường ký ban hành Quyết định 798/QĐ-UBND về “Quyết định quy chế tổ chức họp báo của UBND thành phố Cần Thơ”. Quyết định này kèm quy chế chi tiết về tổ chức họp báo.

Theo quy chế, cơ quan, văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú trên địa bàn Cần Thơ khi tham dự họp báo phải theo đúng thành phần được mời; trang phục, tác phong lịch sự và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày. Nếu phóng viên, nhà báo khi đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp báo phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác.

Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất nội dung họp báo (thành phần, nội dung tài liệu thông tin, dự thảo phát biểu kết luận của chủ tọa tại buổi hợp báo); chọn lọc, tổng hợp câu hỏi báo chí quan tâm trình UBND TP. Cần Thơ xem xét. Đồng thời, sở cũng tổng hợp thông tin, tài liệu họp báo gửi đại biểu, phóng viên; phối hợp với công an thành phố kiểm soát, không để người không phận sự tham dự họp báo; báo cáo kết quả sau khi kết thúc họp báo.

Như vậy xem ra với quy chế trên đã giới hạn quyền tác nghiệp của phóng viên tại buổi họp báo. Một lằn ranh chỉ đỏ được chính quyền đặt ra: báo chí chỉ được gói gọn trong cái gọi là “tôn chỉ – mục đích” mà từ báo ấy được cấp giấy phép; tức báo Tuổi Trẻ chỉ được ‘quyền hỏi’ về các vấn đề thuộc phạm vi báo địa phương của ‘đơn vị chủ quản’ là Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP.HCM. Báo Thanh Niên thì ‘rộng’ hơn, khi chủ quản là Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam; tức ‘được hỏi’ thuộc phạm vi trên cả nước về vấn đề nằm trong giới hạn của ‘tuổi thanh niên’…

Trong khi đó thì Luật Báo chí cho biết “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí” như sau:

1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

e) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

f) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững”.    

Người viết bài này cho rằng phân định “tôn chỉ, mục đích” của các cơ quan báo chí, là cơ quan quản lý về báo chí mong muốn cơ quan báo chí tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực hoạt động của mình (chủ quản của cơ quan báo), nhằm phát huy những khả năng vốn có để thúc đẩy tích cực hơn vai trò báo chí trong thời kỳ đổi mới.

Điều đó không có nghĩa rằng phóng viên nhà báo của một cơ quan báo chí nào đó khi không đúng “tôn chỉ, mục đích” thì không được tác nghiệp ngoài lĩnh vực thuộc phạm vi “tôn chỉ, mục đích” của mình, đặc biệt là vấn đề thời sự xã hội mà dân chúng quan tâm được gọi là ‘có yếu tố nhạy cảm’. Ở đây điều quan trọng là việc phản ánh của báo chí đảm bảo trung thực, mang tính xây dựng để hoạt động ngày một tốt hơn, việc chấp hành chính sách, pháp luật nghiêm minh hơn.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 3 months

    Báo chí VN chỉ cần thực hiện đúng “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước” là đủ gòi