Anh Văn (VNTB) Sự kiện Đồng Tâm có thể nhận biết được nhà nước xử lý một cách khôn ngoan, thích ứng với thời cuộc hay chỉ là một nguyên tắc bất di bất dịch: bề trên.
Dân cần một sự lắng nghe
Ngày 19/04, trong mục góc nhìn của báo điện tử Vnexpress, nhà báo Bảo Hà đã có một bài tường thuật vừa đủ ngay từ trong tâm bão Đồng Tâm. Trong đó, sự sợ hãi ban đầu của chị với những ánh mắt nghi ngờ từ người dân, những chướng ngại vật đã chuyển thành nỗi cảm thông, xót xa trước số phận người nông dân.
Một người đàn bà – là người thân một trong bốn người bị chính quyền “úp sọt” đã kể một cách say sưa về câu chuyện của họ (dân làng), và nhà báo Bảo Hà đã nhận ra rằng: Người phụ nữ ấy có một khát khao được nói, và những gì bà cần, là một sự lắng nghe.
Khi người dân vẫn còn là những con người hằn học, với gậy nhỏ trên tay, nghĩa là chính quyền vẫn chưa về và cho họ một niềm tin cuối cùng. Nhưng ở họ vẫn có một nét mà nhà báo Bảo Hà cho rằng, đó là sự “chất phác của nông thôn”, và sự chất phác ấy đã giữ cho họ một hướng đi đến sự đối thoại, đối thoại với chính quyền để giải tỏa nỗi uất ức bao năm nay của cái vị thế “dân đen, thấp cổ, bé họng”.
Ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hứa hẹn đi về tâm bão để gặp người dân và nghe họ nói những điều họ cần nói, cũng chính vì lẽ đó mà những lời nói của ông qua điện thoại đã nhận được sự vỗ tay của người dân. Cái vỗ tay ấy, có lẽ ông cần biết rằng, là cái vỗ tay của sự chất phác và cởi lòng, của cái niềm tin về một sự ứng xử mang tính chất công bằng và phục vụ dân theo cách công bộc hơn.
Và người dân vẫn đã và sẽ đợi ông về!
Ls Luân Lê trong một chia sẻ trên facebook cá nhân đã nhấn mạnh: Người dân xã Đồng Tâm khẩn thiết và chỉ mong muốn gặp trực tiếp ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội để giải quyết sự việc.
Trong khi đó, Phó Giám đốc CA. TP Hà Nội, Bạch Thành Định, vừa bày tỏ, chính quyền đang vận động để người dân thả người, nhưng đồng thời giải quyết sự việc trên tinh thần xử lý nghiêm những người cố tình kích động, có hành vi giam giữ, bắt người trái pháp luật.
Thực ra trong bối cảnh người dân đã có những hành động như vậy, thì lời “đe dọa” đó của ông Tướng sẽ chẳng là vấn đề gì quá lớn đối với họ, mà điều đáng bàn ở đây là niềm tin của người dân đối với chính quyền đã cạn kiệt. Việc người dân bắt nhóm cơ động là ngọn lửa bùng phát của cái gọi là “ép dân vào con đường cùng”. Chính lời nói của ông Tướng đã khiến cho yếu tố đối thoại bị phai nhòa, và rằng chính quyền thành phố Hà Nội vẫn thể hiện một cung cách bề trên trong xử lý điểm nóng đất đai liên quan đến cả một tập thể người dân. Tất nhiên, ông Tướng có đầy đủ quyền uy và trang thiết bị để có thể “xử lý nghiêm”, nhưng cái mà chính quyền TP. Hà Nội sẽ mất nhiều hơn đó lại là lòng dân, chính thể tồn tại được cũng nhờ vào điều ấy, mất đi cũng vì điều ấy. Đe dọa dân chưa bao giờ là một phương pháp tốt nhất để xử lý những vụ việc mang tính “đấu tranh” như thế này, và có lẽ ông Tướng cần phải học lại cái gọi là “thế trận lòng dân” sau lời phát biểu sặc sùi mùi đe dọa đấy. Bởi với vị trí của ông phát biểu được những câu như vậy, không khác gì những anh cơ động trẻ thành phố được điều về xã Đồng Tâm để “trấn áp”, hênh hoang tuyên bố: bắn bỏ; sẵn sàng bom nổ, bom cay.
Ngay cả ở vị trí Chủ tịch TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cũng bày tỏ một “nỗi sợ” rất riêng của mình trước hiện tượng đồng thuận cao trong lập chiến lũy, bảo vệ giá trị công bằng của người dân xã Đồng Tâm. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng phân tích với VOA: “Lý do đầu tiên, có thể trước đó ông Nguyễn Đức Chung có trao đổi với một người phụ nữ mà thường xuyên tiếp cơm cho số cảnh sát cơ động đã bị người dân Đồng Tâm bắt giam. Ông Chung có hỏi rằng ‘nếu tôi đến xã Đồng Tâm thì người dân liệu có bắt tôi không?’. Từ đó có thể thấy là bản thân ông Chung cũng sợ”.
Trong một diễn biến khác, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã lên tiếng về sự kiện Đồng Tâm. Theo ông, diễn biến của vụ Đồng Tâm nguyên nhân trực tiếp là từ sự đối thoại của người đứng đầu chưa được triển khai thường xuyên. Và ông Vân cũng nhấn mạnh rằng: “Lãnh đạo thì phải anh tài. Đến Đông, Đông lặng, tới Đoài, Đoài yên. Nếu cần phải thua dân, thì rất nên và chỉ có bậc đại trượng phu làm được điều đó!”.
Điều đó cho thấy rằng, ứng xử với Đồng Tâm sẽ cho thấy tâm và tầm của lãnh đạo TP. Hà Nội, nếu giải quyết bằng cái đầu bạo lực với những anh cơ động trẻ tuổi – máu chiến thì đó sẽ là một trận thua lịch sử về lòng dân. Còn nếu đến bằng thái độ đối thoại, thậm chí hạ mình chân thành thì ấy mới là “bậc trượng phu”. Bởi thua dân không có gì là đáng xấu hổ, mà đáng xấu hổ là hành xử chống lại dân trong một nhà nước tự cho là của dân – do dân – vì dân.
Và người dân vẫn đã và sẽ hoan nghênh một cuộc đối thoại chính thức, chân thành hơn từ chính quyền TP. Hà Nội.