VNTB- “Khủng hoảng nước mắm”: Masan là một kẻ phá bĩnh?

Thảo Vy

(VNTB) – Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết trước 22-10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh công ty masan

Trong giới làm ăn, Masan là một ông lớn nhiều quyền lực đen tối. Việc đang thanh tra Dự án khai thác và chế biến khoáng sản mỏ Núi Pháo của Masan là một ví dụ. Từ tháng 7-2016, Masan đã cử người tham gia điều hành các hoạt động của Công ty Vissan, và là một trong các thành viên của Hội đồng quản trị Vissan.
Vài ngày gần đây, Masan được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông với hình ảnh của một kẻ phá bĩnh đầy quyền lực.
Vua nổ?
Masan từng tung ra quảng cáo “hạt nêm không bọt ngọt” để cạnh tranh với các đối thủ. Tuy nhiên, ngay sau khi tung ra quảng cáo không lâu, mẫu hạt nêm không bột ngọt này của Masan đã được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM.
Phiếu kiểm nghiệm cho thấy: bột nêm “không bột ngọt” Chin-su có hàm lượng 1,21% monosodium glumate (còn gọi là bột ngọt). Và thực chất, trong các loại hạt nêm này, thành phần không hoàn toàn kết tinh từ nước hầm xương, thịt như các lời quảng cáo: “100% từ nước hầm xương”, “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, “tốt hơn cho sức khỏe”… mà có chứa rất nhiều bột ngọt.
Masan cũng từng gắn slogan cho nước mắm Nam Ngư là “Vì sức khỏe người tiêu dùng”, song với dân trong nghề sinh hóa, thì chỉ cần đọc bảng thành phần trên nhãn dán chai nước mắm Nam Ngư là nhận ra ngay có chứa chất phụ gia bị cấm sử dụng
Nước mắm Nam Ngư quảng cáo chiết xuất 100% từ cá ngừ nguyên chất. Trên bao bì của chai nước mắm Nam Ngư, thành phần được ghi gồm có: nước, muối, đạm cá cơm, đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất ổn định, màu tổng hợp (HT155)… Nếu chỉ đọc lướt thông tin, người tiêu dùng sẽ bỏ qua màu tổng hợp (HT155), hoặc những mỹ từ quảng cáo ra rả trên truyền hình cũng không hề nhắc đến thành phần có chứa phụ gia tạo màu HT155.
Với nhà chuyên môn, chất HT155 (hay còn được gọi là E155 hoặc Brown HT) là một loại phụ gia dùng trong sản xuất thực phẩm. Tuy chưa có nghiên cứu nào phát hiện chất E155 gây tình trạng ung thư, nhưng một số thông tin cho rằng nó có thể gây dị ứng với người bị hen suyễn, ảnh hưởng đến những người dị ứng với aspirin, thậm chí gây dị ứng da. Nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra lệnh cấm dùng chất HT155 như: Bỉ, Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Mỹ, Nauy, Thụy Sĩ và Thụy Điển.
Nước mắm Nam Ngư còn khiến người tiêu dùng phải đặt câu hỏi về những slogan “nước mắm sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng”, được làm bằng “công nghệ loại bỏ vi khuẩn gây hại”.
Việc nước mắm Nam Ngư quảng cáo như vậy là không đúng, lừa dối khách hàng. “Khẩu hiệu “Vì sức khỏe” mà Nam Ngư đưa ra chủ yếu muốn nhấn mạnh đến công nghệ loại bỏ vi khuẩn gây hại. Nhưng việc không có vi khuẩn thì phải sử dụng chất bảo quản. Đã sử dụng chất bảo quản thì không thể tốt cho sức khỏe của con người”, nhiều chuyên gia sinh hóa nhấn mạnh.
Clip quảng cáo với thông điệp “Mỳ Tiến Vua –  Mỳ vì sức khỏe”, “Mỳ Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành)” được phát trên truyền hình trước đây đã gây được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng, vì chất béo Transfat được cảnh báo là có hại cho sức khỏe con người.
Điều đáng nói, không chỉ quảng cáo, mà trong mục thành phần ghi trên bao bì của mỳ Tiến Vua, hàm lượng Transfat được ghi là 0g (Hàm lượng Transfat ghi nhãn theo quy định số 86 FR 41434 của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA).
Tuy nhiên, theo kết quả phân tích mẫu số 10071105/107315 của Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (TP.HCM) thì trong một gói mỳ Tiến Vua, tỷ lệ chất Transfat là 0,097%, chứ không phải là zero, tức là hoàn toàn không có như đã quảng cáo.
Chưa dừng lại ở đó khi quảng cáo mỳ khoai tây Omachi cũng của công ty Masan bị “bóc mẽ” bịt mắt người tiêu dùng. Trong các đoạn quảng cáo, nhà sản xuất Masan khẳng định, ăn mì khoai tây không lo bị nóng. Tuy nhiên, trong thành phần ghi sau gói mì này cho thấy, khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 50g/1kg, tương đương… 5%.
Như vậy, thành phần chính của “mì khoai tây” Omachi vẫn là bột mì như mọi loại mỳ khác, và thậm chí được coi là dòng mì “cao cấp”, nhưng vẫn có cả chất E102 và không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu.
Nước mắm Chinsu, theo quảng cáo ghi trên nhãn sản phẩm chỉ rõ sản phẩm nước mắm “hương cá hồi thượng hạng”, nhưng ở phía trên sản phẩm lại có ghi rõ “loại hảo hạng”. Thậm chí, trong đoạn clip phát trên VTV, sản phẩm nước mắm Chinsu cá hồi cũng được quảng cáo: “Nước mắm hảo hạng Chinsu – Gia vị của người Việt”. Như vậy, theo TCVN 5107:2003 thì nước mắm có độ đạm trên 30 độ được xếp vào loại đặc biệt, trên 25 độ là loại thượng hạng. Vậy, độ đạm của mắm Chinsu có đúng như tiêu chuẩn?
Nếu tính theo TCVN 5107:2003 trên đã nêu, mắm có độ đạm trên 25 độ là thượng hạng. Cụ thể với 7,5g protein/100ml ghi trên chai nước mắm Chinsu hương cá hồi loại 500ml, có thể tính ra độ đạm là 12, hoàn toàn chưa đủ tiêu chuẩn để sử dụng từ “nước mắm hảo hạng”.
Tiền có thể mua tất cả?
Ngày 17-10 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố một kết quả khảo sát cho thấy: có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của quy chuẩn Việt Nam về hàm lượng Arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước mắm.
Thông tin này sau khi lên báo đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía các nhà khoa học, các chuyên gia cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. Đa phần đều khẳng định nước mắm làm từ cá nên có chứa Arsen hữu cơ là hoàn toàn bình thường và ít độc. Trong khi đó, Arsen độc là Arsen vô cơ, và công bố của Vinastas thực chất là chiêu “đánh lận con đen”.
Mặc dù vậy, rõ ràng thông tin này đã khiến dư luận hoang mang. Và thật tình cờ và nhanh chóng, 2 thương hiệu nước mắm của Masan đã kịp tung quảng cáo đúng vào thời điểm này về việc đạt chuẩn an toàn thạch tín.
Trên một số tờ báo giấy số phát hành ngày 20-10, quảng cáo của 2 thương hiệu nước mắm Chin-Su hương cá hồi và nước mắm Nam Ngư khẳng định: “Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn”. Đồng thời, quảng cáo cũng cho biết, từ năm 2011, theo Quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm Chin-Su, Nam ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín (Arsen).
Trong một văn thư gửi lên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và các ban ngành chức năng ở Trung ương nhằm đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý, cách tiếp cận, phương pháp sử dụng, cách đánh giá kết quả khảo sát của Vinastas, và cách thông cáo báo chí mà Vinastas đã thực hiện, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết (tóm lược):
Theo TCVN 5107:2003 không có quy định về Asen trong nước mắm mà chỉ đưa ra dư lượng tối đa của chì (Pb) một kim loại nặng trong nước mắm là 1mg/l. Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm chỉ có quy định Asen vô cơ trong thực phẩm, chứ không quy định về Arsen tổng, trong trường hợp này áp dụng cho nước chấm là 1mg/l.
“Khi không có các quy định trong tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì Vinastas căn cứ vào đâu để đánh giá là có 67% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu Arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế?”, văn thư của Hội nước mắm Phú Quốc đặt câu hỏi.
Ngày 18-10, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết trước 22-10 sẽ có kết quả thanh tra chất lượng nước mắm.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)