Mai Lan
(VNTB) – Kiểm định đại học sau gần 20 năm thực hiện cho kết quả chung nhất là sự hoài nghi của phụ huynh.
Cơ hội việc làm luôn là một trong những mối băn khoăn của phụ huynh, học sinh tại các chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp. Và câu trả lời thường gặp nhất là tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp ở trường X, trường Y luôn ở mức cao ngất ngưỡng, thậm chí xấp xỉ 100% vì khi sinh viên tốt nghiệp đi phụ bán cà phê, bưng phở cũng xếp vào có việc làm.
Trong những năm qua, hàng trăm chương trình đào tạo đã được đánh giá và được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chương trình bởi các trung tâm kiểm định trong nước và nước ngoài. Có thể nói công việc này đã tốn rất nhiều tiền bạc và các nguồn lực khác, nhưng đổi lại liệu nó có góp phần cải thiện chất lượng ngành học thì chưa có kiểm chứng qua các nghiên cứu đánh giá.
Một ý kiến ghi nhận từ TS Nguyễn Thị Kim Phụng, giám đốc Công ty luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, thì “theo kinh nghiệm của tôi, nếu muốn kiểm định chất lượng thực sự chất lượng, tạo chuyển biến đáng kể cho các trường thì ngoài các vấn đề về cơ chế, chính sách, định hướng hình thành tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia thống nhất, độc lập với cơ quan quản lý nhà nước và cách thu phí… công tác kiểm định còn cần phải được đầu tư về kỹ thuật và con người.
Về kỹ thuật, cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ số liệu, thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng mà các cơ sở giáo dục phải đăng ký, cập nhật và chịu trách nhiệm… để hỗ trợ cho công tác quản lý và kiểm định.
Về con người, các trung tâm kiểm định cần được quy định các điều kiện tuyển chọn, điều kiện thành lập khắt khe; có cơ chế xử phạt, đào thải chặt chẽ nếu vi phạm liêm chính nghề nghiệp hoặc yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ”.
Theo bà Kim Phụng, nếu như cứ kéo dài cơ chế này thì hoạt động kiểm định chủ yếu vẫn là hoạt động giống như quản lý nhà nước, chủ yếu để cho trường được hưởng những quyền lợi khác mà kết quả kiểm định mang lại, như tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy định mức học phí, mở ngành đào tạo… Và điều này ít nhiều làm cho hoạt động kiểm định hướng đến mục tiêu kiểm định đạt nhiều hơn, mà chưa đi vào bản chất bên trong là giúp các trường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, nhìn đúng thực trạng tốt, xấu của mình một cách khách quan nhất để có định hướng phát triển tốt hơn.
Việc làm trên dẫn đến nguy cơ hình thành tư duy tính toán cho việc trả phí kiểm định để được công nhận đạt kết quả kiểm định của tất cả các bên liên quan.
Hiện nay Việt Nam có tổng cộng 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).
Bên cạnh đó, còn có 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN.
Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm kiểm định cơ sở giáo dục (kiểm định trường) và kiểm định chương trình đào tạo. Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào, tính đến ngày 31-12-2023, cả nước có 187 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, 9 cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Như vậy, trong tổng số 244 cơ sở giáo dục đại học (chưa tính các cơ sở giáo dục thuộc khối quân đội, công an), hiện cả nước đã có 187/244 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước.
Còn về chương trình đào tạo, thống kê đến ngày 31-12-2023, toàn quốc có 1.611 chương trình đào tạo (trong tổng số khoảng 6.500 chương trình đào tạo) các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận.
Hiện tại hiện tượng nhận xét theo kiểu “thầy bói xem voi” có thể xảy ra với kiểm định giáo dục, khi mà người không có kiến thức chuyên môn về ngành y, luật, sư phạm mà đi đánh giá chương trình mang tính chuyên sâu thì rõ ràng là một cách làm hình thức, làm cho có.
Giá trị mà nhà trường được tổ chức kiểm định mang lại có lẽ chỉ còn lại quy trình đảm bảo chất lượng mang tính thủ tục, còn lại những vấn đề về chương trình giảng dạy, trang thiết bị phù hợp hoặc chất lượng giảng viên thực hiện chương trình giảng dạy sẽ khó có khuyến cáo giá trị để cải thiện chất lượng về thực chất.