Ngọc Lan
(VNTB) – Tất cả các tôn giáo đều chịu sự kiểm tra này về tài chính của “thùng công đức”.
Liệu có lấy lý do ‘thùng công đức’ rồi nhân tiện… ‘kiểm tra toàn diện’ cơ sở tôn giáo có gắn bảng ‘di tích’ luôn không?
Ngày 30-10-2023, Bộ Tài chính có công văn Công văn 11752/BTC-HCSN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ tỉnh Quảng Ninh) hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa. Thời kỳ kiểm tra trong năm 2023.
Công văn chỉ rõ đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử – văn hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tại công văn này, Bộ Tài chính khẳng định Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.
Tuy nhiên, nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch. Mục đích kiểm tra là nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa; thông qua công tác kiểm tra giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng.
Như vậy, lần kiểm tra này được giới hạn trong phạm vi các cơ sở của tổ chức tôn giáo được “cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa”; điều đó có nghĩa là tất cả tôn giáo đều chịu sự kiểm tra này về tài chính của “thùng công đức”.
Số liệu công bố tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (11-2022) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết hiện cả nước có 18.544 tự viện. Với đặc thù lịch sử gắn bó lâu đời cùng dân tộc, hiện có hơn 2.000 ngôi chùa được các cơ quan chức năng Trung ương và cấp tỉnh xếp hạng là di tích văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc, danh lam thắng cảnh. Hầu hết tập trung ở các tỉnh miền Bắc.
Riêng tại TP.HCM, hiện có 1.469 tự viện. Thống kê tính đến tháng 12-2022, toàn thành phố có 185 di tích, trong đó có 34 tự viện Phật giáo, Công giáo có 2 cơ sở chỉ trên địa bàn thành phố Thủ Đức, đã quyết định xếp hạng.
34 cơ sở tự viện Phật giáo đã được các cơ quan chức năng xếp hạng di tích Quốc gia và Thành phố trải rộng trên các địa phương như quận 1, quận 11, Gò Vấp, Tân Bình (các di tích cấp Quốc gia); Củ Chi, TP.Thủ Đức, quận 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, quận 3, quận 6, quận 10, quận 12. Bình Tân… (các di tích cấp Thành phố).
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có khuyến cáo như sau: “Tôi cũng xin nhắc lại khẳng định của Bộ Tài chính, rằng “không có nội dung nào quy định về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo”, do đó, nếu có các vấn đề phát sinh, khó khăn, chúng tôi đề nghị chư Tăng Ni, các vị đứng đầu các cấp Giáo hội phản ánh về Hội đồng Trị sự để Giáo hội có sự can thiệp, hướng dẫn kịp thời, tránh những điều đáng tiếc không đáng có xảy ra”.
Tính đến hiện tại thì chưa thấy phía Hội đồng Giám mục Việt Nam lên tiếng về việc kiểm tra này theo yêu cầu của Bộ Tài chính.