Ngọc Lan
(VNTB) – Những ngày đạn bom này chợt nhớ về các ca khúc thân phận con người trong cuộc chiến của Trịnh Công Sơn.
Tố giác chiến tranh thường phải được coi là một hành vi chính trị, như phong trào “phản chiến” trong giới trẻ Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Phong trào phản chiến Tây phương có một lập trường chính trị rõ rệt, là chống sự can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam. Các ca khúc về chiến tranh của Trịnh Công Sơn đã bị một số người đồng hóa một cách dễ dàng với phong trào ấy, và cũng được gọi là bài hát phản chiến.
Thật ra về cuộc chiến Việt Nam, Trịnh Công Sơn sáng tác với tâm trạng của một người trong cuộc. Nội dung các bài hát của ông là tình cảm của ông đối với đất nước và dân tộc ông bị tàn phá chứ không nhân danh một lập trường hay phe phái chính trị nào hết.
Trong lời mở đầu của tập nhạc nhan đề Kinh Việt Nam, Trịnh Công Sơn viết:
“Ðã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương. Như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định.
Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo.
Ðến lúc chúng ta phải dừng tay và nhìn lại.
Xác thân anh em thừa đủ biến thành con đập lớn ngăn chặn những mưu toan phi nhân.
Ðã mười năm nay, anh em ta săn đuổi nhau bằng hận thù giả tạo. Không thể có một thứ hạnh phúc nào chờ đợi ta sau cuộc săn đuổi dài hạn đó.
Hố thẳm đã mở ra dưới chân dân tộc này. Lương tâm con người đang trên đà bị phát mãi. Ở cuối chân trời Việt Nam, những tia nắng nghèo nàn và bệnh hoạn từ một mặt trời hết sinh khí sắp đi vào hôn mê.
Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình”.
Trước khi tập nhạc Kinh Việt Nam ra đời, Tết Mậu Thân 1968, Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế. Chiến tranh bây giờ không còn là những bản tin chiến sự hay là tiếng súng tiếng bom vọng về từ xa.
Thực tế chiến trường từ đâu bỗng mang về ngay thành phố mình đang ở, Sơn nghe được tiếng bom đạn thật đập vào màng nhĩ mình, cảm được nỗi sợ hãi chết chóc có thể đến với mình bất cứ lúc nào, và nhất là chứng kiến được mức độ tàn bạo của giết chóc. Một kinh nghiệm đặc biệt cho Sơn. Bài ca dành cho những xác người có thể thay thế hàng trăm thước phim, hàng loạt bài phóng sự chiến trường, nhất là loại phóng sự viết ở nơi an lành qua một ít tin tức thu nhặt và rất nhiều tưởng tượng thêm thắt vào.
Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ
Dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
Trên thềm nhà hoang vu
…
Xác người nằm quanh đây
Trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu
Có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy
Bên những vồng ngô khoai
Toàn là xác người. Gần giống như những thước phim tài liệu của Ðức quốc xã ghi hình ảnh các đống xác người Do Thái, bài hát của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi “anh em ta về” thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân.
Chắc chắn đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần túy do động lực chiến tranh.
Sơn đã bị ám ảnh bởi xác người, ông đã viết hai bài cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố. Bài thứ nhì là “Hát trên những xác người”, có một chi tiết từ bài trước được lặp lại, đó là những hố hầm chôn xác tập thể, chi tiết ấy giúp chúng ta định vị được không gian và thời gian của hai bài hát, và những lời lặp đi lặp lại tôi đã thấy, tôi đã thấy như một lời khẳng định sự có mặt của tác giả cùng tính cách xác thực của sự kiện.
Chiều đi lên đồi cao
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Trên con đường
Người ta bồng bế nhau chạy trốn
Chiều đi trên đồi cao
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Bên khu vườn
Một người mẹ ôm xác đứa con
…
Chiều đi qua bãi dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Những hố hầm
Ðã chôn vùi thân xác anh em…
Một nhà báo thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, kể: “Năm 1968, khắp miền Nam đã trở thành bãi chiến trường. Sau đó nhiều năm, người dân Sài Gòn và cả miền Nam vẫn tiếp tục chịu đựng những cuộc nổ mìn, những trận pháo kích gây thương vong không ít vào các khu xóm dân cư, những trại gia binh.
Ngày ngày không dứt tiếng súng, tiếng bom; hằng đêm trong ánh hỏa châu vàng vọt ghê rợn, chúng tôi nín thở, nơm nớp đợi chờ những điều không may có thể xảy ra với mình và người thân. Mỗi ngày, từ chiến tuyến, những chiếc quan tài phủ cờ được đưa về thành phố, trên đầu những trẻ mồ côi, khăn tang cứ bay như phướn. Có sống trong những ngày tháng đó mới thấm thía hơn sự ám ảnh về chiến tranh…”.
Chính nỗi niềm đó, dù đã sắp 47 năm đi qua kể từ tháng 4-1975, một lần nữa người Sài Gòn lại thấy hình ảnh tang thương hồi nào qua thực tại mà người dân Ukraine đang gánh chịu ở bộ ảnh có tên ‘I don’t want to die’: Ukrainians fear as invasion closes in – ‘Tôi không muốn chết’: Người Ukraine lo sợ khi cuộc xâm lược khép lại.
2 comments
Pu tin khat mau that?
Cầu nguyện cho hòa bình không đủ, ta cần phải lên án bạo lực từ Ukraine. Bạo lực không (bao giờ) là 1 lời giải cho cường quyền, chỉ có tình yêu, lòng bao dung & quả cảm mới có thể hóa giải tất cả mọi kiểu mẫu của cường quyền . Chỉ có đấu tranh bất bạo lực, đấu tranh ôn hòa & có học mới có thể thắng được những Putin’s của thế giới .