Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: Thị Trường Tiền Tệ (Chương 9)

Đoàn Hưng Quốc

 

Kinh tế dễ hiểu

 

Người Mỹ nhìn nền kinh tế theo hai góc cạnh:

1. Main street (khu phố chính) bao gồm công ăn việc làm và giá cả tiêu dùng hàng ngày nên liên quan đến cuộc sống thiết thực trong dân gian.

2. Wall street (khu phố Wall) hay là thị trường tài chính vốn ảnh hưởng đến giới đầu tư tiền và nhà đất. 

 

Nói cách khác, khu phố chính ví như cơ bắp còn khu phố Wall như máu huyết trong cơ thể. Hai bộ phận này tuy liên hệ chặt chẽ nhưng đôi khi…chẳng ăn nhằm gì nhau: lực sĩ cho dù cơ bắp mạnh mẽ nhưng đứt mạch máu vẫn lăn ra chết! 

Trường hợp dễ thấy nhất trong đại dịch Vũ Hán, tuy thất nghiệp ồ ạt nhưng giá nhà và chứng khoán lại bay bổng ở Mỹ (và Việt Nam.) Dân chúng mất job thì tiền đâu mua nhà? Lý do được giải thích là do lãi suất thấp và chính sách tiền tệ cởi mở của NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) giúp nhiều người dễ mượn tiền mua nhà khiến giá địa ốc tăng; phân lời ngân hàng quá thấp nên giới đầu tư (bao gồm các quỹ bảo hiểm, hưu trí, tiền tiết kiệm,…) phải đổ tiền vào nhà đất và cổ phiếu để kiếm lời. Điều này cho thấy đời sống trong khu phố Wall không gần gũi với khu phố dân: thành phần có tài sản sở hữu nhà đất và chứng khoán giàu thêm ngay trong hoàn cảnh giới lao động thợ thuyền mất việc.

Trong chính sách tiền tệ có hai cụm từ thường được nhắc đến gồm:

1. Financial Liberalization: giải phóng (hay cởi trói) tiền tệ; và 

2. Financial Repression: ép buộc tiền tệ.

Hai chính sách này phức tạp nên Kinh Tế Dễ Hiểu chỉ trình bày qua vài thí dụ nhằm giúp người đọc có khái niệm tổng quát. 

 

***

 

1. Cởi trói tiền tệ trong nước

 

Nói đơn giản là nhà nước cắt giảm các quy định ràng buộc giới tài chánh ngân hàng (deregulation) nhằm khuyến khích tạo thêm cơ hội đầu tư mới cho dân chúng và giới kinh doanh. Chủ ý trong thị trường tự do càng có nhiều cơ hội càng dễ nắm lấy làm giàu (đồng thời cũng dễ mất vốn.)

Thí dụ tiền mua nhà để ở là tiền chết. Nhưng nếu nhà nước tháo gỡ các quy định nhằm giúp ngân hàng dễ dãi cho người sở hữu địa ốc vay mượn bằng cách cầm cố nhà đất (refinance) để có vốn kinh doanh hay có tiền tiêu xài thì tiền chết lại trở thành tiền sống. Tiền không còn bị cột vào căn nhà mà được giải phóng (ngược lại nợ tăng mà tiêu xài quá mức hay kinh doanh cẩu thả sẽ…mất nhà!)

Ngân hàng trước đây cho vay mua nhà rồi thu tiền hàng tháng, tức ngân hàng chết vốn do tiền thu vào chậm chạp trong suốt 30 năm. Ngược lại nhà nước cởi trói quy định cho phép ngân hàng bán nợ cũ (mortgage securitization) gây vốn mới. Ngân hàng có thêm vốn mới rồi lại tiếp tục cho vay tức là tăng số người mua nhà khiến thị trường địa ốc và kinh tế phát triển.

Nhờ ngân hàng bán nợ địa ốc cho các nhà đầu tư nên giới kinh doanh giả sử sống vùng xa xôi như Trung Đông hay Texas cũng có thể mua lại nợ và tham dự vào các thị trường địa ốc nóng hổi của Cali, Vancouver, Sydney… Ngành địa ốc được toàn cầu hóa nên bốc hỏa nhờ vốn không còn giới hạn theo từng địa phương (trước đây chỉ có dân Cali mua nhà Cali) mà vốn đến từ khắp mọi vùng trong nước và trên toàn thế giới (bây giờ nhà giàu Ấn Độ cũng đầu tư được vào địa ốc Cali.) Ngược lại chuyền tay bán nợ qua lại nhiều lần không còn biết ai là chủ nợ nên từ ngân hàng đến nhà đầu tư sinh cẩu thả bơm lên bong bóng địa ốc 2008.

Cởi trói tiền tệ đi đôi với đại chúng hóa thị trường tài chánh (democratization of finance), tức là tạo cơ hội rộng mở đến cho mọi người dù vay mượn hay đầu tư. Điều này lại đi đôi với Internet.

Trước đây chỉ các tay sừng sỏ mới tiếp cận được những thông tin “đi trước.” Nay nhờ Internet nên tin tức lan truyền nhanh chóng và tràn ngập trên Twitter, Reddit giúp cho giới đầu tư nhỏ lẻ tranh đua không thiệt thòi so với các đại gia. Sân chơi rộng mở được để thu hút đại chúng (Ngược lại khi mà chị Tư bán hột vịt lộn ở chợ Gò Vấp cũng nóng ruột theo dõi thông tin bitcoin thì bong bóng sắp vỡ tan!) 

Phí giao dịch (trading fee) ở Mỹ 30 năm trước là 25 USD mỗi lần mua bán chứng khoán, nay không tốn một đồng xu nhờ vào các hãng cạnh tranh trên Internet. Thị trường tài chính được đại chúng hóa (democratized) nên người ít tiền nay cũng tham dự giống như người nhiều tiền (ngược lại do không trả phí nên nhiều người đâm ghiền chứng khoán như nghiện bài, thay vì đầu tư đâm ra đen đỏ!)

Một cuộc cách mạng tài chánh (financial revolution) hiện đang diễn ra nhờ vào các công ty tài chánh điện toán (Fintech, hay financial technology.) Dân chúng ở  rừng núi hay thôn quê cho đến nay vẫn không tiếp cận được với các dịch vụ tài chánh vì không có chi nhánh ngân hàng ở những vùng hẻo lánh. Nhưng nay ai cũng cầm tay điện thoại thông minh nên trong tương lai gần các hãng Fintech sẽ cho phép mở trương mục và giao dịch qua điện thoại. Công ty Fintech sẽ theo dõi thương vụ của một bà bán hủ tiếu ở Cà Mau mua bán với khách hàng qua điện thoại thông minh (thay vì dùng tiền mặt) nên biết hủ tiếu bà ngon có nhiều khách hàng, công ty Fintech sẽ đề nghị cho bà vay vốn để thay vì cả đời phải gánh hàng rong nay có cơ hội khuếch trương thành cửa tiệm.

Câu chuyện này không phải giả tưởng vì Alibaba và Wechat là hai công ty hiện đang dẫn đầu thế giới trong các thương vụ nhỏ lẻ trên mạng – một thí dụ được nhắc đến là ăn mày ở Trung Quốc nay nhận tiền qua điện thoại thông minh vì  không ai có tiền mặt (không biết có thật không.) Fintech còn rất nhiều ứng dụng khác, nhưng đi đôi với microfinance (tài chính vi mô) sẽ giải phóng tiền tệ nhằm phát huy một cuộc cách mạng tài chính làm thay đổi bộ mặt nhân loại từ thành thị cho đến thôn quê.

 

***

 

2. Cởi trói tiền tệ ngoài nước

 

Trong Chiến Tranh Lạnh, tư bản Tây Phương không thể đầu tư sang khối cộng sản để bóc lột công nhân. Nay bức màn sắt sụp đổ thì mọi quốc gia đều được khuyến khích mở cửa để vốn đầu tư tự do lưu thông giữa các nước (financial liberation) theo trào lưu toàn cầu hóa. 

Vốn nước ngoài dùng đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà máy và thuê mướn nhân công tức có lợi cho tăng trưởng GDP. Ngược lại vốn nước ngoài cũng bị lạm dụng vào những công trình đầu tư kém hiệu quả. Vốn nước ngoài còn bơm lên bong bóng trong thị trường địa ốc (khu chung cư, khu du lịch…) và chứng khoán. Đến khi lạm phát tăng, ngân hàng và giới đầu tư nước ngoài tháo vốn bỏ chạy sẽ gây ra khủng hoảng tài chính như khủng hoảng Tequila Mễ Tây Cơ 1994, Đông Á 1998, Nga và Đông Âu 2000, Nam Mỹ 2002 và Nam Âu 2010.

Nước tìm chỗ trũng thì tiền cũng biết chạy vòng quanh thế giới kiếm lời. Thị trường nhà đất ở Nhật bị sụp vào đầu thập niên 1990 nên tiền chạy sang Đông Nam Á và Đông Âu tìm các con rồng sắp cất cánh. Khi Đông Á và Đông Âu bị khủng hoảng vào cuối thập niên 1990 tiền lại đổ vào Mỹ và Nam Âu bơm thành hai bong bóng địa ốc rồi vỡ tung năm 2007 (Mỹ) và 2010 (Nam Âu.) (1) 

Một đặc điểm là tiền bạc lưu thông dễ dàng nên các cuộc khủng hoảng tài chính lây lan nhanh như dịch cúm Tàu, chủ yếu do tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư. Năm 1997 giới đầu cơ rút vốn từ Thái Lan, tin xấu đồn đại khiến giới đầu tư hoảng hốt đua nhau tháo chạy khỏi Nam Hàn, Indonesia, Philippines…làm toàn vùng Đông Á bị vạ lây (người Mỹ gọi là drive by shooting, tức là ở gần không can hệ gì mà vô duyên lãnh đạn.) Sang thế kỷ 21 tư bản thua lỗ trong thị trường địa ốc Mỹ (khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007) đâm ra nhát vốn ồ ạt rút khỏi Nam Âu (khủng hoảng Euro 2010-2012.) 

Tiền bạc ở đâu có mà chạy vòng quanh thế giới như vậy? Một lý do được giải thích là thế giới hiện ngập lụt tiền tiết kiệm (savings glut). Các nước Âu-Mỹ-Nhật đông người lớn tuổi lo để dành tiền hồi hưu trong những quỹ hưu trí khổng lồ. Các nước bán dầu như OPEC, Nga, Na Uy tồn trữ những khoản tiền kếch xù vào những năm giá dầu tăng vọt. Cán cân mậu dịch chênh lệch và tình trạng thao túng ngoại tệ giúp các nước Đông Á như Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam…tích lũy những khoảng dự trữ USD khổng lồ. Sau cùng là tình trạng giàu nghèo chênh lệch: nhà nghèo có bao nhiêu tiền xài hết trong khi nhà giàu xài không kịp, nhờ tiền bạc lưu thông dễ dàng nên đại gia Mỹ, Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Trung Đông, Ấn Độ dư tiền của mua nhà đất ở Cali, Vancouver, Sydney, Singapore, Sài Gòn, Thượng Hải, Hồng Kông, Mumbai,…bơm lên bong bóng địa ốc trên toàn thế giới!

Lý do thứ hai là do các Ngân Hàng Trung Ương Mỹ và EU in tiền ào ạt. Tiền bạc dư thừa nên các ngân hàng Âu-Mỹ chỉ nhận gửi tiền với lãi suất âm, cho nên tiền phải chạy đi kiếm lời sang thị trường địa ốc và chứng khoán ở Tây Phương hay cho các nước đang mở mang vay mượn. Một ngày nào đó khi lạm phát và lãi suất ở Tây Phương tăng thì tiền lại rút ngược về Âu-Mỹ tạo thành một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới!

Tóm lại, IMF trước đây khuyến khích tiền lưu thông tự do giữa các nước này đâm ra đắn đo dè dặt.

 

***

 

3. Trói buộc tiền tệ (financial repression)

 

Đã có cởi trói tiền tệ thì phải có cột trói tiền tệ. Một hình thức trói buộc tiền tệ là cột giá hối đoái (currency manipulation.) Thí dụ Trung Quốc xuất cảng nhiều hơn nhập cảng với Hoa Kỳ thì lẽ ra NDT (Nhân Dân Tệ) phải lên giá so với USD (Mỹ cần đổi nhiều USD sang NDT để mua hàng Tàu.) Tuy nhiên Trung Quốc ép giá đồng NDT bằng cách nhận vào rồi tích lũy USD trong quỹ dự trữ mà không cho lưu hành nhằm ngăn không cho giá trị NDT tăng cao so với USD để tạo lợi thế cạnh tranh. Điều này cũng giống như đào hồ chứa nước chống lụt vào mùa mưa.

Thao túng hối đoái tuy đối với nước ngoài nhưng lại liên hệ chặt chẽ đến trói buộc tiền tệ trong nước. Nhà nước và công ty Trung Quốc tăng lợi nhuận nhờ vào xuất cảng lẽ ra tăng lương hay bảo hiểm xã hội cho dân chúng và nhân viên. Nhưng Bắc Kinh bắt các công ty Trung Quốc gửi USD vào ngân hàng, rồi ngân hàng Trung Quốc phải tăng mức USD trong quỹ dự trữ ngoại tệ nên tiền giữ trong quỹ mà không được tiêu xài để cải thiện đời sống dân gian. (2)

Do an sinh xã hội không được cải thiện nên dân chúng Trung Quốc phải tiết kiệm phòng khi bệnh hoạn, già yếu hay dùng trong giáo dục con cái. Giá nhà Trung Quốc cao vời vợi nên giới trẻ phải lo để dành tiền mua nhà. Nhà nước quy định mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng rẻ mạt nhằm giúp ngân hàng có vốn cho các công ty quốc doanh và tư bản thân hữu vay với lãi suất thấp. Do nhà nước quyết định lãi suất ngân hàng (thay vì thị trường tự do quyết định lãi suất) nên đây là chính sách cột lãi suất ngân hàng nhằm dùng tiền tiết kiệm của dân chúng hỗ trợ cho nhà giàu (công ty quốc doanh và tư bản thân hữu) vay miễn phí. (3)

Nhà nước Trung Quốc không cho ngân hàng và công ty tài chính nước ngoài mở chi nhánh nhằm giúp các ngân hàng Trung Quốc không tăng lãi suất để cạnh tranh. Dân chúng Trung Quốc cũng không có nhiều cơ hội đầu tư đành gởi tiết kiệm vào các ngân hàng nhà nước cho dù lãi suất thấp. 

Nhà nước Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng tiền USD thoát ra ngoại quốc, nhờ vậy chặn được các đại gia trong nước tháo vốn bỏ chạy ra nước ngoài vào năm 2016. Đây cũng là một phương cách trói buộc tiền tệ không cho lưu thông tự do giữa các nước.

Không riêng gì Trung Quốc mà các nước Âu-Mỹ cũng có chính sách ép buộc tiền tệ. Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ giữ lãi suất thấp bằng cách in tiền mua nợ công và tư. Do phân lời ngân hàng thấp nên giới đầu tư bắt buộc phải kiếm lời bằng cách đổ tiền vào thị trường địa ốc và chứng khoán khiến giá nhà và cổ phiếu bay bổng cho dù thất nghiệp cao trong mùa dịch Vũ Hán. Chính sách của NHTƯ làm lệch lạc (distort) sự vận hành của thị trường tự do, bơm lên hai bong bóng khổng lồ mà NHTƯ đang kiếm cách xì hơi từ từ (tapering) thay vì đợi bong bóng nổ!

 

[tds_note]

TÓM TẮT

1. Giải phóng tiền tệ tạo thêm nhiều cơ hội cho dân chúng đầu tư, nhưng đồng thời cũng sinh ra nhiều rủi ro.

2. Vốn nước ngoài lưu thông dễ dàng giúp phát triển kinh tế nhưng cũng bị lạm dụng vào đầu tư kém hiệu quả. Đến khi giới đầu cơ rút vốn sẽ gây ra khủng hoảng tài chính lây lan rất nhanh sang các nước lân cận.

3. Ép buộc tiền tệ gồm cột giá hối đoái, nhà nước quy định lãi suất thấp và không chi tiêu đủ vào an sinh xã hội. Dân chúng phải tiết kiệm bằng cách bớt tiêu thụ nên nhà nước dùng tiền tiết kiệm để hỗ trợ cho các công ty quốc doanh và giới tư bản thân hữu.

[/tds_note]

_________________

Ghi chú:

(1)  Trung Quốc tuy bị vạ lây nhưng tránh được các cuộc khủng hoảng nói trên nhờ kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ra vào.

(2)  Lương bổng và an sinh xã hội tuy tăng nhanh ở Trung Quốc nhưng vẫn không bắt kịp mức tăng trưởng GDP.

(3)  Khuyết điểm là mô hình kinh tế Trung Quốc nặng về tiết kiệm (hỗ trợ cho xuất cảng) mà kém tiêu thụ. Để tránh bớt lệ thuộc vào xuất cảng nên Bắc Kinh đang cố chuyển đổi năng mức tiêu thụ nội địa.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: độc tài mềm (Bài 9)*

Phan Thanh Hung

VNTB – Bàn tay hữu hình của nhà nước dưới thời Biden (chương 3)

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: di dân, an sinh xã hội và đếm phiếu*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo