Phùng Hoài Ngọc
Chưa bao giờ thấy lãnh đạo Đảng lúng túng như bây giờ
Vũ Huy Hoàng người tạo ra tiền lệ xấu cho người sau:
“Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó, biết sau thế nào”
“Tiếc thay nước đã đánh phèn
Làm cho bùn lại vẩn lên mấy lần”
(Truyện Kiều)
Trả lời báo Vietnamnet, ông tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói “Cách chức với người không còn chức vụ nữa nên việc xử lý đúng là rất khó, Ban bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Ban Cán sự Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu quy trình kỷ luật”. Ngụ ý còn xử nốt cả chức vụ “nguyên bộ trưởng” nữa.
Nhà báo Vietnamnet.vn hỏi:
– Vậy việc cách chức khi không còn chức vụ đó nữa thì còn ý nghĩa gì không?
Nguyễn Hạnh Phúc đáp:
– Đây cũng là trường hợp đầu tiên, chưa có tiền lệ, cách chức với người không còn chức vụ nữa nên việc xử lý đúng là rất khó. Nhưng dù sao việc đó cũng có tính chất răn đe để những người khác thấy dù anh đã nghỉ hưu đi nữa nhưng khi phát hiện sai phạm thì việc xử lý vẫn là xử lý.
Vừa qua cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng thì mai này hồ sơ về Đảng sẽ không còn chức vụ đó nữa của giai đoạn đó. Dù anh nghỉ hưu người ta vẫn làm, vẫn kiểm soát chứ có thoát được đâu.
Các vị quan chức cao cấp đương chức và nghỉ hưu đều nhắc lại điệp khúc :
“Phải xử lý làm sao để đảm bảo đúng pháp luật. Phải chặt chẽ về pháp luật, kỷ luật nghiêm minh nhưng phải đúng pháp luật”,…và “khi phát hiện sai phạm bất cứ vào thời điểm nào đều xử lý, bất luận đó là ai, ai vi phạm thì đều bị xử lý, không có vùng cấm”..
Ông cựu phó Ban tổ chức trung ương Nguyễn Đình Hương giải thích
“Cách chức nghĩa là không được ghi vào lí lịch chức vụ đó nữa” (báo Dân trí).
Ông chủ nhiệm UBKTTW Trần Quốc Vượng nói:
“Sau này người ta sẽ không nóiông Vũ Huy Hoàng giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong giai đoạn 2011-2016”. (Zing.vn)
Xin hỏi ông TBT Nguyễn Phú Trọng:
Lí lịch là sự thật, nay lại bắt phải “sửa chữa” sự thật a ?
Xử lý thế này là các ông gợi ý cho người ta khai man lí lịch à ?
Khi con cháu hậu duệ khai lí lịch ông cha để đi học, đi thi, đi mần công chức… thì phải khái báo thế nào cho “đúng qui trình, đúng pháp luật”?
Nhớ chuyện lùm xùm lí lịch năm ngoái: Một nữ thí sinh lớp 12 ở Quảng Bình không biết người cha từng bị tiền án (hồi chưa cưới mẹ em) nên không ghi vào lí lịch mà bị CA tỉnh bác bỏ kết quả thi tuyển.
Các vị nghĩ ra những lối kỷ luật điên đảo thế nhằm động cơ gì?
Thực ra, chỉ là hành vi trả thù “đồng chí” đến tận cùng sát ván mà thôi !
Nhớ chuyện ngày xưa vua Quang Trung và vua Gia Long trả thù lẫn nhau bằng cách đào hài cốt người chết (đương sự và tổ tiên đương sự) vứt đi, cho lính đái vào hộp sọ coi như cái bô, nghiền nát xương cốt đổ đi.v.v…
Dân gian thì có cách trả thù độc đáo: lấy gậy quật lên quan tài kẻ thù, đái ỉa lên ngôi mộ kẻ thù.
Xử lý kỷ luật hiện đại hình như là “hiện đại hóa” kiểu trả thù ngày xưa.
Và hệ quả khó lường
Bây giờ đến lượt Quốc hội xét cách chức “nguyên bộ trưởng” của Vũ Huy Hoàng cho chót cái logic.
Cứ theo logic lí lịch của Đảng, Vũ Huy Hoàng còn phải bị cách chức “bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn” ngày xưa nữa kia không. Nếu không, ông ta vẫn lĩnh phụ cấp chức vụ đó vì chưa bị tước (!)
“Cách” nghĩa đen là “lột da” (chữ Hán). Vũ Huy Hoàng sẽ còn bị “lột da” liên tục đến chừng nào sạch trơn da lông mới thôi.
“Tiếc thay nước đã đánh phèn
làm cho bùn lại vẩn lên mấy lần” (lẩy Kiều)
Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết tiểu luận “CÁCH CHỨC QUÁ KHỨ”
Nghe tin Ban bí thư TƯ Đảng cách chức Bí thư Ban cán sự đảng (trong giai đoạn 2011-2016) của ông Vũ Huy Hoàng, từng là ủy viên BCHTW đảng, Bộ trưởng bộ Công thương, tôi giật mình nghĩ, đảng ta tài thật, cách chức được cả quá khứ.
Vẫn biết đó là một hình thức kỷ luật với người có tội, dù là tội trong quá khứ, nhưng có tội thì phải lấy luật pháp mà trừng trị chứ. Vẫn biết sau việc cách chức đảng xong, sẽ là cách chức ủy viên BCHTW, cách chức Bộ trưởng (?), nhưng vẫn có gì đó áy náy, khó chịu, bởi vì ông ấy đã hạ cánh, còn chức đâu mà cách.
Trong 5 năm ấy, những chữ ký của ông ấy có còn giá trị nữa hay không. Những người được ông ấy ký bổ nhiệm, ký bằng khen, ký đề nghị Anh hùng sẽ có giá trị gì?
Theo tôi, đảng và Nhà nước cho ông ấy là có tội nặng đến như thế thì phải truy tố trước pháp luật. Thế mới gọi là công bằng như đảng và nhà nước vẫn quyết tâm “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều ấy không khó, nếu chúng ta có một xã hội, một thể chế minh bạch.
Vậy, theo đó bây giờ các ban tổ chức của Đảng từ trung ương tới địa phương,còn khối việc phải làm (hoặc được làm). Vậy là, cần phải tăng biên chế cán bộ tổ chức và kiểm tra.
Ví dụ trường hợp ông Trần Văn Truyền cựu bí thư Bến Tre Tổng thanh tra chính phủ, UVTW, bị kỷ luật kiểu mắng yêu là “cảnh cáo”. Bởi vì chỉ sau 6 tháng hay 1 năm, ông Truyền đi họp chi bộ đủ mặt, đóng đảng phí đầy đủ, ngồi họp không cãi cọ, cứ ngồi im thì án “cảnh cáo” xóa sạch bong. Nhưng trong lý lịch sẽ ghi thế nào? Con cháu khi cần khai mục ông cha thì ghi thế nào, để khỏi bị nhà cầm quyền sau này bắt bẻ?
Bây giờ đến vụ Trịnh Xuân Thanh, việc nóng hổi là “khai trừ đảng” đã xong, vẫn phải “cách” tất tần tật chức vụ Trịnh Xuân Thanh đã từng mang trên vai: bí thư, phó bí thư Tổng công ty X, Y, Z…tỉnh ủy viên Hậu Giang, phó chủ tịch tỉnh HG.
Nếu không, con cháu Thanh vẫn có quyền khai các chức vụ đó.
Tổ chức Đảng sẽ lãng phí nhiều thời gian công sức tiền bạc của cán bộ và nhân dân.
Từ chức và bãi nhiệm Lê Thành Nhân trưởng ban tổ chức thành ủy Vị Thanh, Hậu Giang và vấn đề bằng cấp rắc rối ?
Ở tỉnh Sóc Trăng có chuyện mới: một em học sinh lớp Sáu bị đưa xuống lớp 1, vì em ý chỉ biết viết tên mình, ngoài ra không đọc và viết được chữ gì khác.
Ở tỉnh Hậu Giang, thành phố Vị Thanh có chuyện tương tự. Ông Lê Thành Nhân cử nhân Luật nay xin về họp tại chức lại trung học cơ sở đồng thời vẫn làm nhân viên văn phòng thành ủy.
Tỉnh ủy đã công bố quyết định bãi nhiệm chức vụ trưởng Ban Tổ chức, Thành ủy viên đối với ông Lê Thành Nhân. Ông Nhân được bố trí làm nhân viên văn phòng Thành ủy Vị Thanh “nhằm tạo điều kiện cho ông Nhân đi học bổ túc THCS” (từ lớp 6 đến lớp 9).
(Tuổi Trẻ 4/11)
Thế còn giá trị 3 cái bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, cử nhân Luật, Cao cấp lý luận chính trị hành chính sẽ tính thế nào một khi bằng THCS bị bãi bỏ ?
Làm sao cho danh chính ngôn thuận đây ?
Logic đơn giản nhất là phải hủy bỏ luôn ba tấm bằngcòn lại.
Em học sinh lớp Sáu ở Sóc Trăng quay lại lớp 1, và sau đó em sẽ tiếp tục lớp 2, 3… Tất nhiên Sở giáo dục ST không thể cho em đó học lại lớp 1 rồi nhaỷ cóc lên lớp 7 được.
Ban tổ chức Trung ương và thành ủy Vị Thanh, tỉnh ủy HG sẽ tính thế nào với xấp bằng cấp của ông Lê Hoàng Nhân ? Sở giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ có cần phải quyết định thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp cấp 3 của cán bộ này không. Ông Nhân sau đó theo học và hoàn tất đại học Luật (2005-2010), cao cấp chính trị hành chính (2013-2015). Hai tấm bằng này giá trị thế nào ?
Tình trạng kỷ luật lộn xộn và quýnh quáng để lại hệ lụy không nhỏ
Xét lại vấn đề ông Trần Văn Truyền cựu UV trung ương Đảng sẽ bị đảng viên khiếu nại.
Bởi, ông Vũ Huy Hoàng sẽ ganh tỵ với trường hợp ông Trần Văn Truyền vẫn được ghi trong LL tất cả các chức vụ như bí thư Bến Tre, Tổng thanh tra, ủy viên trung ương v.v… và chế độ chính sách nghỉ hưu ông ấy vẫn hưởng đủ, được hưởng phụ cấp y nguyên.
Con cháu họ Vũ Huy phải đục bỏ lí lịch nham nhở, kể cả LL của anh con trai nữa.
Các văn bản có chữ ký bộ trưởng, bí thư Vũ Huy Hoàng trong những văn bản đã ký khi đương chức (2011-2016) thì cũng bị hủy theo chứ ?
Đây nữa mới là mối nguy cho cả ĐẤT NƯỚC: Chữ ký Vũ Huy Hoàng trong hiệp định TPP mang tính quốc tế thì sao đây ? Rồi đây LHQ và lãnh đạo hiệp định TPP phải họp bất thường và cằn nhằn Việt Nam gây rắc rối quá. Mối họa Vũ Huy Hoàng làm khổ cả thế giới nữa !
Ngành tư pháp, công an phải sửa qui chế khai lí lịch công dân, công chức, trình quốc hội biểu quyết nữa.
Nóng giận nhất thời, hóa ra to chuyện và rách việc
Ngành tổ chức cán bộ của nước ta bây giờ khối việc phải làm, cần tuyển thêm nhiều nhân sự làm công tác tổ chức.
Ông Vũ Huy Hoàng đã “hạ cánh không an toàn” hóa ra không chỉ khổ gia đình mình mà còn gây bao phiền nhiễu cho các bộ ban ngành, làm khổ dân chúng .
Dân gian bàn tán rằng sau này Cáo phó, điếu văncũng phải đắn đo viết, lại phải giở hồ sơ lý lịch, nhờ tư vấn của cán bộ tổ chức chỉ bảo… Trung ương lại phải họp bất thường cân nhắc chế độ tang lễ nào cho phù hợp, đúng qui trình.
Nhiều sự “bất thường” khác sẽ phải xảy ra.
Gay go thật, một thể chế không có pháp luật, chỉ nhờ vào mưu mẹo vặt, “tùy cơ ứng biến” thế này thì gay go lắm.
Mong ông Nguyễn Phú Trọng hãy lật giở lý luận biện chứng ra áp dụng vào đây xem sao.