VNTB – Kỷ niệm tháng tư

VNTB – Kỷ niệm tháng tư

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Vào tháng tư là tháng có quá nhiều chuyện để nói, biết nói chuyện nào đây? 

 

Xin chỉ nhắc lại vài ý mà nhiều bạn đọc chưa biết.  

Đầu tiên là ngày mồng một tháng tư, ngày nói dối – tiếng Đức là Aprilscherz – nói đùa nếu như lời nói dối đó chỉ để mua vui mà không nhằm mục đích vụ lợi gì, để mặc sức tung tin vịt mà chẳng sợ phạm vào luật lệ nào vì đó là truyền thống mà, không có ai hỏi tội mình dù là những tin hết sức giật gân. Mà tôi cũng tạm được xếp vào những người giàu trí tưởng tượng, nếu không đã chẳng  dám học vật lý và để cuối đời nhảy vào ngạch viết báo, dịch thuật,… cũng rất gần với nghề viết văn-wrighter. Mà trải nghiệm thì chẳng thiếu, U80, đã đi nhiều nước, ngay 7 tuổi đã sang Nam Ninh Trung Quốc, xa cha mẹ, ở tập thể, để 12 tuổi đi Đức rồi sau đó thì đủ cả, nào Paris, Pháp, và nhiều thành phố châu Phi…

Nhưng trước khi tiên, tôi muốn nói tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà nhắc tới ông, tôi muốn nói tới những năm tháng đi dạy học ở xứ Algeria xa xôi, văn hóa rất khác với Việt Nam và Đức là hai nền văn hóa mà tôi hết sức gần gũi. Nhạc Trịnh buồn, và lời thì càng buồn da diết làm sao, mà ngày hôm nay nếu nhắc lại, đó là đổ vỡ hay thậm chí mất mát lớn nhất ở đời với sự chia đôi gia đình để biệt ly người vợ cũ và chia tay lâu dài, thậm chí mãi mãi với một đứa, với các con, để ngay sau đó là những mất mát cũng chẳng kém quan trọng. 

Hồi đó đi dạy Algeria với nhiều trí thức là „phần thưởng“, là điều kiện để cải thiện cuộc sống gia đình vì nước ta đang sau mấy cuộc chiến – giải phóng và nội chiến rồi chiến tranh biên giới với Trung Quốc – khốc liệt, nhưng với tôi không phải thế mà hoàn toàn chỉ là vì mâu thuẫn gia đình. Bây giờ có nhớ lại và nghe nhạc Trịnh vẫn đầy cảm giác buồn, nhưng lẽ ra cũng không đáng buồn đến thế, nhưng vui thì chắc chắn không thể vui được, nhất là khi dịch covid đang hoành hành trên khắp thế giới như thế này, nhưng dẫu sao nhạc Trịnh vẫn nhắc ta đời không chỉ có tiếng cười!

Nhiều người đánh giá âm nhạc Việt Nam ta thời nay chỉ nên kể tên 3 người: Trịnh Công Sơn. Văn Cao và Phạm Duy. Tất nhiên đánh giá là quyền ở mỗi người, nhưng tôi cũng đồng ý với ý kiến đó. Nói thời nay là với bọn U 80 chúng tôi chứ với các bạn trẻ thì họ đã ra đi hàng chục năm nay rồi.

Nói chuyện âm nhạc, cũng có thể lan man nói sang chuyện văn học, vì cũng cùng là chuyện văn học nghệ thuật cả, thì mọi người thường nhắc tới tên ba người mà một người vừa ra đi ít hôm vừa qua: Nguyễn Huy Thiệp. Hai người sau là Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh) và Hoàng Minh Tường (Thế lực thù địch), có vẻ như ít nổi tiếng hơn. Họ đều là những người mà tác phẩm của họ đều ít nhiều đều đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Nói thế để thấy Việt Nam ta ít có tự do (ngôn luận) đến thế nào, cộng sản ghê thật! Trừ  Nguyễn Huy Thiệp (mà đảng và nhà nước cũng chẳng mặn mà gì), chứ tác phẩm của Bảo Ninh và Hoàng Minh Tường hầu như đều bị cấm xuất bản cả.  

Xin được phép quay trở lại chủ đề „kỷ niệm tháng tư“, trước khi kết thúc với „tháng tư đen“, cho tôi nói tới những ngày lễ Thiên Chúa giáo sau đó ít hôm mà tiếng Việt gọi là lễ Phục sinh và tiếng Đức gọi là Ostern, một trong những  ngày lễ lớn nhất của Thiên Chúa giáo, duy nhất chỉ thua lễ Noel mà thôi.  Hồi nhỏ khi còn là thiếu sinh quân ở Dresden, CHDC Đức, chúng tôi làm sao quên được với những quả trứng đầy màu sắc, đáng yêu để thể hiện cho sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy khi Chúa đã bị đóng đinh vào dàn giáo, lại sống trở lại. Hồi đó chúng tôi, vì được giáo dục theo lề thói cộng sản, đâu biết về tôn giáo (Lenin từng dạy: „Tôn giáo là thuốc phiện để lừa phỉnh nhân dân“ kia mà!), chỉ biết và nhớ láng máng thế!  

Cho phép tôi, nhân nhắc lại các kỷ niệm tháng tư với các bộ ba âm nhạc và văn học nước nhà, được phép nhân đây nhắc tới ba người anh hay đúng hơn là các người THẦY của tôi, một người từng đi đầu trong ngành vật lý, hai người kia trong ngành hóa học mà ngày nay có hỏi các bạn trẻ trong hai ngành này, có đến 99,9% đều lắc đầu chẳng hề biết là ai, mà theo tôi, họ đều là những nhà khoa học thật sự và hết sức tài năng, chỉ có điều, trong một thể chế độc tài toàn trị như Việt Nam, làm sao có hy vọng cho họ phát triển được? 

Ba anh đó là các Anh Đặng Mộng Lân, Nguyễn Hữu Khôi và Trần Khiêm Thẩm, đều trên tôi từ 10 đến 17 tuổi và đều đã từng làm cán bộ Ủy ban khoa học nhà nước như tôi những năm 1960 rồi cuối đời đều về cùng chúng tôi sinh hoạt hàng tuần, trong vài năm, ở cái hội nhỏ trực thuộc VKHVN mà tôi cũng đã có dịp nhắc tới: Ban chiến lược VKHVN, nơi mà chúng tôi có điều kiện thoải mái bàn về các mô hình phát triển không chỉ cho khoa học mà cho mọi ngành ở Việt Nam, vì phải  công bằng và hãnh diện mà nói, đó cũng là những bộ óc sáng giá chẳng thua gì nhóm think thank, Viện IDS, bên cạnh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà chỉ ít lâu sau bị giải thể, bởi lẽ khi đã lên đến đỉnh cao thì những bộ óc đó, dù chỉ là từ các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, lại rất khác biệt nhưng đôi khi lại hết sức gần gũi nhau và khi những ý kiến đó trùng khớp nhau thì đó là hạnh phúc lớn cho bất cứ dân tộc nào. 

Các anh đều đã ra đi cả trên chục năm rồi, mà nay nhân lễ Phục sinh, cho phép tôi nhân đây được thắp một nén hương cho cả ba anh. Nhắc đến Anh Đặng Mộng Lân, thầy tôi về vật lý, Anh Nguyễn Hữu Khôi,  thầy tôi về hóa học và về tiếng Đức và tiếng Việt và về những kiến thức tổng quan (và cùng từng đi dạy Algerie, anh đến cả 5 năm ở thành phố Oran, tôi ở thành phố Tiaret chỉ cách nhau trên trăm cây số), những người có kiến thức hết sức uyên bác, nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà lại cũng hết sức khiêm nhường, bởi lẽ càng biết nhiều thì lại chỉ càng biết cái kho kiến thức mới rộng lớn biết bao và khối  kiến thức của mình chỉ là muối bỏ biển mà thôi! Anh Lân ra rất nhiều cuốn sách hết sức hay và dễ hiểu về vật lý, từng giúp tôi ra cuốn sách tiểu sử Einstein. Anh Khôi giúp và cùng tôi ra rất nhiều sách, nhưng ở tất cả các cuốn đó anh đều từ chối không đề tên, và ngay ở các cuốn có đề tên anh đi nữa thì ở lễ ra mắt sách, anh cũng tìm đủ cớ để không đến dự!  Nói thế để bạn đọc trẻ biết, các anh và thầy tôi đáng quý đến thế nào!

Còn Anh Trần Khiêm Thẩm, chuyên gia về phân tích siêu chính xác mà thành công lớn nhất, theo tôi, có lẽ là bộ lọc cho thận mà sau đó phu nhân anh được nhận Giải thưởng Kovalevskaja, thì rất hóm hỉnh nhưng cũng rất sâu sắc với những nhận xét của mình. Vốn là dân tập kết không chính thức vì không do cơ quan cử ra Bắc, lại với chủ nghĩa lý lịch vốn ăn sâu vào tư duy thời đó, anh đã bị nghi kỵ và giới tổ chức cho vào tầm ngắm một thời gian dài nhưng càng ngày càng lộ rõ những phẩm chất của mình. Tôi công tác cùng anh một thời gian rất dài ở Phòng Quang học Viện Vật lý nên hết sức hiểu và đặc biệt yêu mến anh. Trong khi sau 1975 bọn trẻ chúng tôi đang còn say men chiến thắng và đề cao các „lãnh tụ“ lên mây, thì khi một anh ruột anh làm bí thư tỉnh ủy theo tôi nhớ là tỉnh Cửu Long thì phải, ra hỏi anh phải nuôi con gì và trồng cây gì thì anh trả lời ngay: „trồng cây thuốc phiện và nuôi con cave

Và khi chúng tôi đang còn đam mê lý lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và các „lãnh tụ“ của nó, thì anh đã đốp chát – mà lúc đó dĩ nhiên chúng tôi chưa hiểu hết thâm ý – đấy là bọn duy ý chí. Đấy là nói thời đó, khi các lãnh tụ còn thể hiện chút ít tài năng và đức độ nào đó, chứ thời nay thì….  

Trở lại chủ đề „kỷ niệm tháng tư“, xin được kết thúc với ngày cuối cùng của „tháng tư đen“, với „ngày ba mươi tháng tư“, và xin chỉ xin nhắc lại câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: „Ngày này có bao nhiêu người vui thì cũng có bấy nhiêu kẻ tủi“. Xin nhắc với những người cộng sản rằng, họ vẫn đang nợ dân tộc này và lịch sử nói chung một lời xin lỗi, mà với thói kiêu căng của họ, sẽ chẳng bao giờ có lời xin lỗi đó. Và hãy thể hiện lời xin lỗi đó bằng những hành động cụ thể, chẳng hạn ở quyết định dành một nửa số ghế Quốc hội cho người ngoài đảng (số đảng viên chỉ có 5% dân số mà sao đòi lắm ghế thế, có tham nhũng quyền lực ở đây chăng), hay – điều này cũng là tiến bộ rất lớn cho hòa giải dân tộc – dành số ghế thích đáng cho Việt kiều đang sống ở nước ngoài, vì dẫu sao họ cũng chiếm đến gần 5% dân số Việt Nam, và hàng năm đều có về nước thăm viếng hay thậm chí làm việc.

Và, câu cuối cùng và cũng là vấn đề trọng tâm của mọi vấn đề: „thoát Trung“, bởi lẽ từ khi đưa chủ nghĩa cộng sản về đây thì ông Hồ cũng đã du nhập tư tưởng Mao Trạch Đông vào, và cùng với nó là sự lệ thuộc vào kẻ thù truyền kiếp. 

Xin bạch hóa Hiệp ước Thành Đô 1990 càng sớm càng tốt để cùng với nó là sự phủ định các cam kết đó, và … dĩ nhiên cùng với nó là sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, càng sớm càng tốt.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)