Việt Nam Thời Báo

(VNTB) – Lạc nghiệp không thể cứ trông chờ… an cư

Hùng – Sơn

 

(VNTB) – An cư để lạc nghiệp. Thế nhưng với những người bỏ xứ tha hương mưu sinh, thì dù rày đây mai đó phận ở thuê, họ vẫn có thể lạc nghiệp…

 

Lúc địch giã Covid và đến tận hôm nay, chuyện nhiều tập đoàn nước ngoài thu hẹp sản xuất tại Việt Nam dẫn đến sa thải công nhân thì “lạc nghiệp” trở nên là một thứ giấc mơ xa xỉ, vì người lao động tha hương khi buộc phải về lại chốn chôn nhau cắt rốn vì thất nghiệp, thì rõ ràng họ “an cư”, nhưng rất khó để có lại miếng cơm manh áo như thời “lạc nghiệp”.

Từ năm 2022 đến nay, khi Tập đoàn PouYuen Việt Nam cắt giảm lao động, nhiều công nhân ở khu nhà trọ rơi vào cảnh mất việc làm. Không có việc làm nên nhiều lao động không thể trụ nổi ở thành phố, buộc phải trả phòng về quê.

Tương tự, tại quận 8, TP.HCM, trước đây, các khu nhà trọ trên đường An Dương Vương đều trong tình trạng “cháy phòng”. Thế nhưng, kể từ khi các doanh nghiệp đóng trên khu vực này như Công ty Tỷ Hùng, Công ty TNHH 3Q Vina, Công ty Nhựa Chợ Lớn, Công ty Việt Giai Thành… khó khăn về đơn hàng kéo dài và cắt giảm số lượng lớn lao động thì các khu trọ rơi vào cảnh vắng vẻ.

“An cư” mà… thất nghiệp thì đúng là không thể nào gọi là “lạc nghiệp” cho được.

Bà Tùng (56 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) ngán ngẩm cho biết, đã bán tạp hóa tại khu nhà trọ ở đây hơn 10 năm, nhưng chưa từng chứng kiến cảnh khó khăn như hiện nay. “Ở đây tôi có hơn 20 phòng nhưng giờ còn 10 phòng, chủ yếu là công nhân bị giảm giờ làm, cố bám trụ lại thành phố. Chủ trọ treo biển cho thuê từ giữa năm 2022 đến nay, nhưng chưa bao giờ cho thuê được hết phòng. Bây giờ phòng nào bị trả thì coi như trống phòng đó luôn, từ đây đến đầu hẻm bảng cho thuê treo đầy mà có ai đến hỏi đâu”, bà Tùng nói.

Sau khi giảm giá, hiện mức giá của các phòng trọ ở đây dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng. Khu vực này từng được xem là “thủ phủ” nhà trọ ở TP.HCM với tình trạng luôn luôn kín phòng. Nhưng giờ đây chỉ lác đác vài lao động nghèo, đa số công nhân đều đã về quê từ cuối năm ngoái.

Bà Năm, chuyên bán bánh mì dạo ở khu vực phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), nói rằng gần đây, thu nhập của công nhân giảm, người mất việc nhiều khiến những người buôn gánh bán bưng cho công nhân như bà cũng bị ảnh hưởng.

Hơn 25 năm bán bánh mì quanh Khu công nghiệp Tân Tạo, chưa khi nào bà chứng kiến cảnh tượng công nhân, người lao động đắn đo, chắt chiu, tằn tiện từng đồng như gần đây. Có người trước đây thường mua một ổ bánh mì thịt hay trứng gà ốp la vào buổi sáng thì nay hai công nhân mua một ổ hay chỉ mua ổ bánh mì không. Đó là chưa kể nhiều công nhân thất nghiệp, không tìm được việc làm mới nên cũng xoay ra buôn bán hủ tiếu, bánh mì đủ kiểu khiến lượng khách bị chia năm xẻ bảy.

Trong tình cảnh bi đát như trên thì tin tức nhà nước tiếp tục bàn luận để xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đang tạo nghi vấn phe nhóm lợi ích nào đó lại tung chiêu trò trong kích lại thị trường bất động sản chìm lắng trong thời gian quá dài. Việc nhân danh “nhà ở xã hội” cho “an cư – lạc nghiệp” là mỹ từ tuyên truyền đánh bóng cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ Chính phủ và khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mới đây, tại tọa đàm “Hiện thực hóa đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn với tổng diện tích hơn 8 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.

Bộ Xây dựng tiếp tục lạc quan khi đưa ra các con số bất chấp tình trạng thất nghiệp đang ngày càng mở rộng: nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành khoảng 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cứu trợ… nước ngọt cho người dân sông nước miền Tây

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Biển miền Trung sau hơn 7 năm ‘xả thải Formosa’

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo