Hàn Lam
(VNTB) – Lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 – 13%/năm vào tháng 10-2022 trở đi
Bóng ma lạm phát
Lạm phát ở Việt Nam năm 2022 được kiểm soát trong mức 3,15%, định hướng năm 2023 là dưới 4,5%. Trong khi đó thì từ giữa tháng 10-2022 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại đã từ 9,5 – 13%/năm. Điều này cho thấy lãi suất huy động vốn của các nhà băng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Do vậy nên tất yếu sẽ đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 – 15%/năm, thậm chí cao hơn.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch) ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17%/năm so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết, và cao hơn khoảng 1,7%/năm so với cuối năm 2022.
Trong khi lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng lên 13%/năm từ mức 9,61% ghi nhận trước đó. Tuy nhiên doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỷ đồng, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên này.
Đáng chú ý lãi suất liên ngân hàng bật tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng.
Cụ thể, sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại hoạt động phát hành tín phiếu và hút 15.000 tỷ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm.
Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, trung bình quanh mức 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.
Giá của đồng vốn làm ăn ở Việt Nam rất đắt
Giới chuyên gia tài chính độc lập nhìn nhận Việt Nam là một trong những nước duy trì lãi suất thực dương ở mức cao trên thế giới, trong khi một số nước thậm chí để lãi suất thực âm để hỗ trợ sự phát triển, tăng trưởng kinh tế.
Quan sát thị trường tiền tệ những tháng gần đây, theo nhận xét của ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thì mục tiêu giảm lãi suất mà chính phủ kêu gọi là không hiệu quả.
“Cứ thấy kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất nhưng mấy tháng qua không giảm được bao nhiêu để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đừng đổ cho lãi suất quốc tế tăng lên mà lý giải cho lãi suất trong nước ở mức quá cao như hiện nay. Cần phải nhìn vào vấn đề nội tại vì sao lãi suất lại ở mức cao như vậy thì mới có có thể bốc trúng thuốc giải”, ông Lê Đạt Chí nhấn mạnh.
Nhìn ra thế giới, vẫn theo diễn giải của ông Lê Đạt Chí, Mỹ chính thức tăng lãi suất từ tháng 3-2022 đến nay và gần đây nhất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD lần thứ 8, lên 4,5 – 4,75%/năm. Thế nhưng lãi suất trái phiếu kho bạc của nước này kỳ hạn 10 năm có xu hướng giảm từ mức 3,8 – 3,9%/năm xuống còn 3,3%/năm. Trong khi đó thì ở Việt Nam, lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 – 13%/năm vào tháng 10-2022 trở đi.
Niềm tin của người dân?
Lãi suất thực dương ở Việt Nam sở dĩ được theo đuổi vì chính phủ vốn từng bị ám ảnh của cuộc khủng hoảng đổ vỡ các quỹ tín dụng vào cuối thập niên 80 ở thế kỷ trước.
Sau khủng hoảng quỹ tín dụng nhân dân 1989, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng bị sụt giảm nghiêm trọng, hệ quả là đa số người dân đều cất giữ tài sản tại nhà dưới dạng vàng, ngoại tệ…
Để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách lãi suất huy động thực dương, làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản…, qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các ngân hàng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hoà và cân bằng hơn.
Đồng thời, chính sách lãi suất thực dương cũng khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn và do đó làm tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Những thành công của chính sách lãi suất thực dương chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách này từ đó cho đến nay.
Tuy nhiên chính sách lãi suất thực dương chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Điều này có nghĩa là mọi rủi ro bị đẩy về phía người vay nên sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
Và đó chính là điều mà Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết rốt ráo hơn trong hài hòa giữa “thực dương – thực âm”, giúp hài hoà lợi ích của cả người gửi tiền, ngân hàng và cả người đi vay tạo điều kiện hình thành mức lãi suất hợp lý trong nền kinh tế.