VNTB – Hạn mức tín dụng: ‘vòng kim cô’ đã ‘hoàn thành sứ mệnh’

VNTB – Hạn mức tín dụng: ‘vòng kim cô’ đã ‘hoàn thành sứ mệnh’

Hàn Lam

 

(VNTB) – 11 năm liền Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ hạn mức tín dụng như ‘chiếc vòng kim cô’ đối với các ngân hàng.

 

Giá cả của dịch vụ ngân hàng là lãi suất, còn sản lượng chính là ‘room’ tín dụng – tức hạn mức tín dụng. Sự can thiệp này của Ngân hàng Nhà nước giúp các ngân hàng không phải chịu áp lực cạnh tranh quá mạnh mẽ với nhau, không phải chạy đua quá căng thẳng để nâng lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay. Mỗi ngân hàng sẽ được bảo đảm một biên lợi nhuận ổn định khiến chúng khó phá sản hơn.

Kiểu quản lý ở trên được đánh giá rất dễ làm, nhưng tác động tiêu cực của nó là khiến cho các nguồn lực không được phân bổ một cách tối ưu. Một ngân hàng có năng lực cạnh tranh kém rất khó bị loại khỏi thị trường, và dĩ nhiên một ngân hàng tốt cũng khó có thể bứt phá để chiếm lĩnh thị phần. Vì thế mà không tối đa hoá được tăng trưởng kinh tế.

Ở đây có liên quan đến một thuật ngữ trong ngành tài chính là “Hiệp ước vốn Basel II”.

Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS – https://www.bis.org/bcbs/index.htm) là một ủy ban giám sát ngân hàng được thành lập bởi thống đốc ngân hàng trung ương của G-10 vào năm 1974. Hiệp ước Basel II được ban hành vào tháng 6 năm 2004 nhằm xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính.

Basel II được đưa vào thực hiện từ những năm trước 2008, và chỉ được đưa vào áp dụng tại các nền kinh tế lớn cho tới đầu năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Trong khi Basel III đang được phát triển, thì Basel II đang là chuẩn mực cao nhất và đã nhanh chóng được áp dụng tại nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Anh Quốc và Việt Nam.

Hiện tại theo đánh giá thì có gần 20 ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã đạt chuẩn Basel II. Ở đó, đã kiểm soát tỉ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động của thị trường I, có nghĩa là ngân hàng thương mại chỉ được phép cho vay 80% nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và của các cá nhân trong nền kinh tế. Đây là một xà chặn về tăng trưởng tín dụng quá mức nếu như ngân hàng thương mại không huy động được vốn từ nền kinh tế.

Ở đầu còn lại, Ngân hàng Nhà nước không bơm thêm tiền cho kênh tín dụng, đương nhiên cung tiền không quá lớn để phải lo ngại lạm phát.

Trong hoàn cảnh hiện tại thì khi Ngân hàng Nhà nước vẫn cương quyết sử dụng công cụ “room tín dụng”, thì với việc vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh đang lớn, nhiều khách hàng đang bị ngừng trệ, giảm khả năng phục hồi quy mô sản xuất kinh doanh do ngân hàng hết room tín dụng. Hàng loạt người mua nhà đang bị chủ đầu tư phạt vì chậm nộp tiền cũng vì ngân hàng hết room.

Một khi thanh khoản doanh nghiệp trong nền kinh tế suy giảm kiệt quệ, nợ lòng vòng thì trở thành nợ xấu chung cả nền kinh tế cũng như ngân hàng.

Những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh không thể vay được, các ngân hàng thương mại không thể cho vay đối với các khách hàng có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt. Đây rõ ràng là thực tế bế tắc khi áp dụng hạn mức tín dụng.

Và trên hết, room tín dụng là công cụ hành chính, tạo cơ chế xin – cho, tạo môi trường bất bình đẳng cho các ngân hàng thương mại.

Hôm 7-9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo báo chí cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu room tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.

Thị trường từng đồn đoán Vietcombank và MB sẽ là hai ngân hàng nhận được mức room tín dụng cao nhất do đang phải “ôm” hai ngân hàng yếu kém để hỗ trợ xử lý. Thế nhưng thực tế lần nới room này Vietcombank chỉ được nhận được mức 2,7%. Một lãnh đạo MB cho biết tỷ lệ nới room lần này là 3,2%.

Sacombank bất ngờ trở thành ngân hàng được nới room tín dụng cao nhất là thêm 4% so với hạn mức cũ là 7%. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II, như vậy ngân hàng này còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỉ đồng đến hết năm.

Nngân hàng Agribank được điều chỉnh 3,5%. Ngân hàng VPBank được nới room ở mức 0,7%. Đại diện VIB xác nhận tỷ lệ điều chiều chỉnh room là 3%. SHB cho biết room được điều chỉnh của ngân hàng lần này là 3,2%. LienVietPostBank được điều chỉnh dưới 1%. Ngân hàng TPBank được nới ở mức là 1,2%.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)