VNTB – Làm thế nào để người dân được an toàn và có công lý khi đến trụ sở công an…?

Hàn Giang (VNTB) Báo đài và truyền thông mạng ở Việt Nam thời gian gần đây đưa tin rất nhiều cái chết liên quan đến ngành công an. Nạn nhân đa phần là những người dân bình thường khỏe mạnh vì lý do nào đó nên bị phía công an mời lên trụ sở làm việc, sau đó gia đình nhận thông báo là đã chết. Những cái chết như thế này, đa phần phía công an thông tin là do nạn nhân tự tử, về phía gia đình nạn thì cho rằng đã có đánh đập, bức cung, nhục hình xảy ra. Làm sao để biết được nạn nhân có bị phía công an đánh đập, bức cung và nhục hình hay không đây rõ là bài toán khó, để giải đáp được ở Việt Nam rõ không phải là chuyện dễ…
Bức cung, nhục hình thường được dùng trong hệ thống đồn công an tại Việt Nam
Đầy rẫy khó khăn cho hành trình đòi công lý cho nạn nhân
Một trong những nạn nhân mới nhất chết trong trụ sở công an là anh Ngô Chí Tâm (40 tuổi, cư ngụ TP.Hồ Chí Minh). Vợ nạn nhân là bà Từ Thị Nhường đã cho báo đài biết là vào tối ngày 13/06/2017, có một viên công an ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức đến nhà yêu cầu anh Tâm đến trụ sở công an có việc. Sáng ngày 14/06/2017, gia đình anh Tâm nhận được thông báo từ phía Công an là anh Tâm đã chết do dùng dây thun quần để tự tử. Gia đình anh Tâm cũng như dư luận hiện hoang mang và khó tin được nguyên do dẫn đến cái chết cuả anh Tâm như thông báo từ phía công an.
Việt Nam Thời Báo (VNTB) có liên lạc với gia đình anh Tâm để hỏi thêm thông tin liên quan thì được phía gia đình thông báo là anh Tâm hiện đã được an táng và gia đình hiện đang phải đối diện thêm khó khăn mới là người em của anh Tâm hiện nằm đang ở phòng cấp cứu nên xin được tạm hoãn trao đổi thông tin với VNTB.
Từ trước đến giờ VNTB phản ánh nhiều trường hợp người dân chết liên quan đến ngành công an, cũng như cái chết của anh Tâm, hầu hết những trường hợp chết phía công an thông báo là do nạn nhân tự tử, phía gia đình và dư luận cho rằng người thân của mình bị phía công an đánh đập, dùng đến bức cung, nhục hình tại trụ sở công an mới dẫn đến chết chứ không tin là do tự tử. Gia đình những nạn nhân sau đó có làm đơn khiếu nại gửi lên các cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, hầu hết kết quả mà người nhà những nạn nhân nhận được là y nguyên thông báo từ phía công an, rất ít trường hợp nạn nhân được xác định chết là do bị phía công an đánh đập, dùng bức cung và nhục hình để gia đình nạn nhân có cơ sở đi khiếu kiện, đòi công lý và công bằng.
Một trong số ít trường hợp ấy có trường hợp của anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên mà VNTB từng đưa tin vào thời gian trước đây. Theo đó, vào ngày 13/05/2012, anh Kiều bị phía công an Phú Yên nghi ngờ trộm cắp nên mời lên trụ sở công an làm việc. Tại đây, anh Kiều đã bị 05 viên công an dùng nhục hình dẫn đến việc anh Kiều chết.
Vụ việc của anh Kiều sau đó được gia đình sao chụp lại những hình ảnh trong quá trình giám định pháp y và phối hợp cùng luật sư Võ An Đôn để làm thủ tục khiếu kiện. Kết quả là 05 viên công an phải thừa nhận hành vi dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Kiều.
Nhân nói về những cái chết của người dân liên quan đến ngành công an, VNTB có cuộc trao đổi với chị Ngô Thị Tuyết, chị của anh Ngô Thanh Kiều và được chị Tuyết cho biết, hành trình đi làm rõ cái chết của nạn nhân có bị công an đánh đập, bức cung và nhục hình hay không là đầy rẫy những khó khăn chứ đâu phải là chuyện dễ. Chị Tuyết chia sẻ:
“Khó khăn thì đầy rẫy biết bao nhiêu mà kể. Nói tóm lại những cái chết trong đồn công an không dễ dàng để người ta thừa nhận là chết đâu. Hồi em tôi cũng vậy, lúc đầu người ta không nói là nó bị bức cung nhục hình dẫn đến chết đâu mà ngưới ta mời tôi lên trụ sở báo với tôi là em của tôi bị công an mời tới để làm việc nhưng khi mua cơm cho ăn, em của tôi không ăn nên tụt huyết áp, họ đưa ra phòng cấp cứu bệnh viện rồi chết chứ người ta không có nói bức cung nhục hình đâu…”
“Khi mà mình nắm hết chứng cứ rồi, mình gửi đơn lên đến Trung ương và gửi luôn cả những tấm hình có dấu hiệu rõ ràng bức cung nhục hình chứ bình thường không có những chứng cứ ấy chắc người ta cũng nói em của tôi tự tử chết chứ chẳng bao giờ thừa nhận là bị đánh chết trong trụ sở công an đâu.”
Và khi vụ án 05 công an ở Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Kiều được đưa ra Tòa, các viên công an nhận những bản án khác nhau nhưng với chị Tuyết bản án không thỏa đáng. Ở Việt Nam hiện nay, ngành công an được Đảng và Nhà nước ưu ái, trao quá nhiều quyền lực nên có phạm tội nặng cỡ nào rồi cũng nhận cái án nhẹ nhất trong khung hình phạt của pháp luật, không thể bình đẳng với người dân.
Làm sao người dân có chứng cứ tại trụ sở công an?
Đó là câu hỏi đau đáu của rất nhiều thành phần người trong xã hội chứ không riêng gì người dân bình thường. Luật sư Võ An Đôn là Luật sư bào chữa pháp lý trong vụ án anh Ngô Thanh Kiều đã cho VNTB biết, hiện ở Việt Nam một trong những bất lợi thường thấy mà người dân đến trụ sở công an là dễ bị công an lạm quyền đặc biệt là những người dính vào vụ án nào đó mà không khai, không nhận tội theo ý công an là họ thường bị đánh đập, bị bức cung và nhục hình.
Làm sao bảo vệ người dân khi đến trụ sở công an? Đây là một câu hỏi khó, luật sư Võ An Đôn chia sẻ:
“Ở nước mình ngành công an được ưu ái, được trao quyền lực nhiều quá nên người ta dễ phát sinh lạm quyền, không có cơ quan nào giám sát được việc ấy. Theo luật thì quá trình khởi tố bị can, lấy cung thì phải có sự giám sát của Viện kiểm sát, nhưng đôi khi việc giám sát cũng chỉ cho có bởi vì nhiều khi phát hiện sai phạm cũng không dám nói…”
Và với luật sư Võ An Đôn, chỉ có tam quyền phân lập, Việt Nam phải có những cơ quan Tư pháp độc lập giám sát nhau thì may chăng mới giảm được phần nào rửi ro dành cho người dân khi đến trụ sở công an.
“Chỉ có tam quyền phân lập, chỉ có những cơ quan Tư pháp độc lập giám sát nhau thì mới loại trừ hoặc giảm bớt phần nào những sai phạm của ngành Công an chứ giờ Nhà nước trao cho ngành Công an quyền lực quá lớn, không có ai dám đụng vào thì theo tôi nghĩ tình trạng những cái chết trong đồn công an sẽ ngày càng gia tăng chứ rất khó giảm.”
Điều mà luật sư Võ An Đôn nói xem ra quá khó xảy ra ở Việt Nam. Nói như vậy, không có nghĩa là không cách nào để người dân chứng minh được việc có bị những công an lạm quyền đánh đập, bức cung và nhục hình tại các trụ sở công an. Luật sư Võ An Đôn nói:
“Chỉ cần anh đến cơ quan giám định pháp y độc lập để giám định. Thông thường người dân ở trụ sở công an họ đâu có điều kiện để thu thập chứng cứ nên việc chứng minh người dân bị đánh chết rất là khó ngoại trừ việc giám định thôi. Tuy nhiên, Cơ quan giám định pháp y bên phiá Công an cũng có nếu có Cơ quan giám định pháp y độc lập thì tôi bảo đảm 100% vụ việc tự tử hay do đánh chết sẽ phát hiện ngay.”
Ở Việt Nam hiện nay, cơ quan giám định pháp y có ở các Bộ như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ y tế chứ chưa có cơ quan giám định pháp y độc lập. Đặt trường hợp, người dân chết ở trong trụ sở công an thì thông thường phía Công an họ sẽ can thiệp giành nhiệm vụ giám định hoặc nếu người nhà nạn nhân đưa đến cơ quan giám định thuộc Bộ y tế và Bộ quốc phòng thì phía công an với quyền hạn cho phép họ cũng có thể can thiệp thì lúc ấy cũng thật khó đem lại kết quả khả quan nào dành cho người dân./.
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nặc danh 7 years

    Nhiệm vụ cao nhất của công an là bảo vệ con người.
    ĐCS xuyên tạc cưỡng buộc thành "bảo vệ đảng" thô bỉ mọi rợ đầu độc ngu tín tới mức "còn đảng còn mình".
    Bắt công an thành công cụ phải bảo vê đảng, thành vệ sĩ của đảng. Đảng biến lực lượng bảo vệ nhà nước chính quyền và người dân thành công cụ riêng của mình làm sai lạc toàn bộ chức năng trách nhiệm của công an an ninh.
    Tất nhiên đã làm sai thì phải mua chuộc. Công an được lộng quyền, được đánh, được giết dân, cưỡng bức tước đoạt quyền con người.
    Người dân bị tẻa tấn chết tại đồn công an như một công việc tuỳ hứng.

    Đồn công an bây giờ thành hang động của thần chết.
    ĐCS đang như sống trong hang động của công an.