VNTB – Lạm phát

VNTB – Lạm phát

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Một trong những giải pháp có thể giảm đà tăng nóng của giá cả chính là kềm giá xăng dầu.

 

Ba yếu tố đẩy lạm phát

Áp lực tăng giá, tăng lạm phát 2022 rất lớn với ba yếu tố đẩy lạm phát năm 2022 tăng mạnh, gồm lý do tổng cầu của nền kinh tế tăng đột biến, một nguồn lực lớn được Chính phủ bơm vào đầu tư công để lấy lại đà phục hồi kinh tế; giá xăng dầu, năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; và sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy lạm phát nền kinh tế tăng thêm 0,36%.

Tại Việt Nam, người dân đang phải mua xăng với giá ngoài 30.000 đồng/lít, nó đang ngấm vào giá hàng hóa, dịch vụ, sẽ phản ánh vào CPI trong những tháng tới. Như vậy nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu, sẽ có những đợt tăng giá nhiều mặt hàng và vòng xoáy đó sẽ dẫn đến tăng lãi suất. Khi đó, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà nhà nước cũng khó khăn.

Giới chuyên gia nhìn nhận các dự án đầu tư công, dự toán một đằng, nay giá tăng, phải dừng lại để điều chỉnh, phải dở dang, kéo dài, vốn đầu tư tăng như đã từng xảy ra ở các năm 2009 – 2013 mà đến nay chưa giải quyết xong. Nhìn chung, sau những đợt phải tăng lãi suất để chống lạm phát, kinh tế suy giảm hoặc tăng trưởng dưới tiềm năng. Lạm phát cao đáng sợ là vì thế.

“Biến động giá đang góp phần làm chậm giải ngân đầu tư công. Nếu chậm nữa thì càng thêm khó khăn do phải điều chỉnh dự toán. Cần gióng lên hồi chuông về nguy cơ lạm phát cao để Chính phủ, Quốc hội có biện pháp xử lý hiệu quả. Sớm có giải pháp, lạm phát trong tầm kiểm soát, đời sống người dân và doanh nghiệp sẽ bớt vất vả…” – ông Trần Hoàng Ngân, cựu hiệu phó trường Đại học Tài chính – Kế toán TP.HCM, lên tiếng cảnh báo.

Lạm phát đối mặt 3 con số?

Một nhà báo chuyên trách tài chính nhớ lại, “Giai đoạn 1986 – 1988, nền kinh tế mới chuyển đổi sang thị trường phải hạch toán kinh doanh và tỉ giá sát với thị trường nên giá cả tăng rất cao, lạm phát 3 con số dẫn đến suy giảm kinh tế.

Đến giai đoạn 2008 – 2010 do tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát năm 2008 là 22,97%, năm 2011 là 18,58%, lãi suất có lúc ngoài 20% khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế rơi vào khó khăn.

Không nên để giá xăng dầu tạo nên những cú sốc cho nền kinh tế, hạn chế và cố gắng hỗ trợ cho nền kinh tế và các lĩnh vực sản xuất trong nước đỡ bị tác động, giá hàng hóa sản xuất trong nước không tăng đột biến theo giá xăng dầu”.

Dừng thuế bảo vệ môi trường và tiêu thụ đặc biệt để kềm đà tăng của giá xăng dầu, là một đề xuất mà cho đến nay không rõ vì sao Quốc hội Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến.

Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu có 4 loại thuế sau đây: Thuế giá trị gia tăng 10%; Thuế nhập khẩu 10%; Thuế tiêu thụ đặc biệt từ 7-10%; Thuế bảo vệ môi trường, cụ thể với xăng E5RON 92 là 3.800 đồng, xăng RON 95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng.

Như vậy, xăng dầu đang phải gánh cùng lúc nhiều loại thuế và với tình hình giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay thì số tiền thuế phải đóng cũng sẽ tăng theo.

Một ý kiến phản biện đáng quan tâm trong chuyện điều hành giá cả nhiên liệu, đó là thực tiễn hiện nay, trước giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày, chi phí của doanh nghiệp, người dân cũng vì thế mà tăng lên, lạm phát hiển hiện… thì yêu cầu giảm hay bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong một thời gian như đối với thuế bảo vệ môi trường cũng là điều cần cân nhắc thực hiện.

Thay lời kết

Lưu ý rằng giai đoạn 2021-2023 là giai đoạn của “phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” như Nghị quyết 30/2021 của Quốc hội đã xác định. Nghị quyết ấy, như đã biết, trao cho Chính phủ những thẩm quyền đặc biệt.

Vậy Chính phủ hoàn toàn có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “điều chỉnh” thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để thêm một nguồn lực phục hồi kinh tế. Có thể khi điều chỉnh theo hướng giảm, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu đi một phần. Nhưng Chính phủ cũng có thể trình Quốc hội những cách thức để bù đắp hoặc không tạo gánh nặng cho ngân sách, chẳng hạn như giảm chi một số nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách.

Điều này thực ra cũng phù hợp với tinh thần “xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”… mà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh gần đây.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)