Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lạm phát gia tăng

Phương Nguyên

 

(VNTB) – USD vẫn trong xu thế mạnh lên chứ khó giảm nhanh như kỳ vọng cuối 2023, là một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực tỷ giá trong nước; nguy cơ giá dầu mỏ và hàng hóa nguyên liệu cơ bản tăng giá; căng thẳng địa chính trị và gián đoạn các tuyến vận chuyển…

 

Số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02-2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12-2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.

Như vậy, lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến giảm lãi suất và đẩy nhanh việc tăng tín dụng. Ngoài ra, tỷ giá đô la đang cao; người dân không gửi tiền tiết kiệm, thay vào đó, mua đô và vàng để tích trữ. Điều đó cho thấy nỗ lực giảm lãi suất huy động và cho vay có thể gặp thách thức, thậm chí lại phải tăng lên.

Chưa hết, ở Việt Nam hiện nay, tín dụng bơm ra mạnh với dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cả năm, và room tín dụng này đã mở hết, trong đó có khuyến khích tăng tín dụng cho vay tiêu dùng trong khi lãi suất tiết kiệm đã xuống rất thấp, thì đó là một yếu tố vô hình trung có thể gây ra lạm phát kỳ vọng, dù thực tế đến nay tín dụng vẫn tăng trưởng chậm khi sức hấp thụ vốn còn yếu, do thị trường đầu ra trong và ngoài nước còn khó khăn với tín dụng tăng âm 1 % so với cuối năm 2023. Điều đó cho thấy nhu cầu về vốn của nền kinh tế còn rất yếu; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục 2 tháng đầu năm tăng 8,47% so với cùng kỳ năm trước, do trong năm học 2023 – 2024, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng 6,52%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17-11-2023.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,66% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng và chỉ số giá nhóm thực phẩm, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng, góp phần khiến CPI tăng.

Theo dự kiến, từ ngày 1-7-2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, đồng thời lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% sẽ tác động làm tăng giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Lạm phát cầu kéo có thể sẽ phát sinh do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với giá nguyên vật liệu, giá thép xây dựng tăng cao.

Trong một ghi nhận liên quan, ở báo cáo về tình hoạt động tháng 2-2024 của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thì có tới “41% doanh nghiệp được khảo sát không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn”. HUBA nhìn nhận với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng, hoặc doanh nghiệp vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn. Vì vậy, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, nghĩa là doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên hai lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian qua.

Như vậy, nhìn một cách tổng thể thì khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi, đặc biệt là năm nay còn là năm cuối cùng của khóa XIII, nhiệm kỳ có thể là kết thúc sự nghiệp chính trị sau 3 khóa liên tục làm Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng. 

 


Tin bài liên quan:

VNTB – Báo chí giờ bắt đầu được ‘đa chiều’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tăng lương sẽ khiến lạm phát tăng theo?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Giá vàng được dự báo tăng tiếp

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo