Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm sao để đưa nhiệt điện than về mức phát thải ròng bằng “0”?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Cần loại bỏ dần điện than nhằm giảm lượng phát thải các-bon và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

 

Khuyến cáo trên được bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, lưu ý tại cuộc họp trao đổi kỹ thuật đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than ở Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 được tổ chức ở Hà Nội vào cuối tháng 3-2024.

 

Tiền đâu để thực hiện?

Vấn đề mang tính cốt lõi đặt ra: huy động tiền từ đâu để chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than? Bởi theo tính toán, để thực hiện chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi nhiệt điện than sang các nguyên liệu sạch nhằm đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, thì trong 26 năm tới, toàn ngành điện cần khoảng 499,1 – 631,0 tỷ USD…

Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Năng lượng Việt Nam, cho biết ngành sản xuất điện hiện dẫn đầu về phát thải khí nhà kính, chiếm 29,08% tổng phát thải khí nhà kính cả nước. Trong chiến lược biến đổi khí hậu, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, lĩnh vực năng lượng sẽ phải cắt giảm khoảng 32,6% lượng khí nhà kính. Trong đó, lĩnh vực nhiệt điện phải cắt giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính.

Trong Quy hoạch Điện 8 đã đề ra định hướng chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Cùng với đó, sẽ thực hiện chuyển đổi từ nhiên liệu than sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Tuy nhiên theo ông Trung thì đến nay vẫn chưa có lộ trình chuyển đổi cho các nhiệt điện than.

Vẫn theo ông Trung, ước tính tổng chi phí đầu tư để tiến tới Net-Zero vào năm 2050 tại Việt Nam cần 533,9 – 657,8 tỷ USD trong 26 năm tới. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện và chuyển đổi điện cần khoảng 499,1 – 631 tỷ USD.

“Chúng tôi đang chịu sức ép đến năm 2026 phải chuyển đổi Nhà máy Phả Lại 1, nhưng hiện chưa tìm ra được nguồn vốn. Rất mong Chính phủ, Bộ Công thương và các Tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi sớm tiếp cận được nguồn vốn vay để chuyển đổi nhà máy”, ông Mai Quốc Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, nhấn mạnh.

Theo yêu cầu trong Quyết định 500/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì nhà máy Phả Lại 1 thuộc đối tượng phải đóng cửa sớm nhất trong số các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam. Nhà máy này muốn được tồn tại thì cần phải chuyển đổi ngay, với yêu cầu năm 2026 phải giảm phát thải 30%; năm 2030 giảm phát thải 50% so với hiện nay. Đến năm 2050 phải giảm phát thải 100%. Tương tự, Nhà máy Phả Lại 2 cũng thuộc đối tượng phải chuyển đổi để giảm phát thải, nếu không chuyển đổi sẽ phải đóng cửa sau khoảng 10 năm nữa.

 

Ít nhất sẽ có 7,75 tỷ USD để cung cấp các khoản vay?

Với nội dung của Quyết định 1009/QĐ-TTg ngày 31-8-2023 về phê duyệt “Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (Đề án JETP), thì để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi carbon thấp trong ngành năng lượng thuộc Đề án JETP, ông Koos Neefjes – Chuyên gia của UNDP cho biết các định chế tài chính phát triển quốc tế đã đồng ý huy động ít nhất 7,75 tỷ USD để cung cấp các khoản vay cho các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Trong đó, tài chính công trong RMP (Kế hoạch huy động nguồn lực thuộc cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam), với tổng giá trị tài trợ được đề xuất là 321,6 triệu USD.

Nguồn tài chính cho các khoản vay ưu đãi (các khoản vay được thực hiện với các điều khoản hấp dẫn hơn so với thị trường vốn) là 2,75 tỷ USD, sẽ được giải ngân thông qua ADB, EIB, AFD, KfW. Trong số này, 2,18 tỷ USD là các khoản vay nợ chính phủ hoặc có bảo lãnh chính phủ. Các công cụ tài chính thương mại sẽ cho vay trên 5 tỷ USD thực hiện theo các điều khoản thương mại nhưng sẽ bao gồm các mục tiêu phát triển.

Các loại dự án đầu tư được hỗ trợ gồm: (1) Chuyển đổi sản xuất điện than; (2) Phát triển ngành năng lượng tái tạo; (3) Truyền tải điện và lưu trữ năng lượng; (4) Sử dụng hiệu quả năng lượng; (5) Chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải; (6) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ.

“Chủ sở hữu các nhà máy điện than cần phải làm việc với các tổ chức tài chính cụ thể, trên cơ sở đánh giá ban đầu về các lựa chọn của Viện Năng lượng IoE và thông qua hỗ trợ kỹ thuật để xác định cơ hội phát triển các dự án có thể vay vốn”, ông Koos Neefjes khuyến nghị.

 

Việt Nam yêu cầu nguồn hỗ trợ phải thực sự ưu đãi

Trong một diễn biến liên quan, ở buổi làm việc với ông Chris Taylor – Đặc phái viên của Chương trình Mối quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) của Vương quốc Anh (UK); ông Tibor Stelbaczky – Đặc phái viên JETP của EU, phía Việt Nam, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng do Việt Nam hiện còn ở trình độ phát triển thấp, vừa từ một quốc gia thu nhập thấp mới tham gia vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong khi phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương, hoặc cao hơn mục tiêu của nhiều nước phát triển, vì vậy rất cần có nguồn hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đối tác phát triển khẳng định nguyên tắc: Nguồn hỗ trợ tài chính cho Việt Nam phải là nguồn có điều kiện thực sự ưu đãi, thời gian dài nhất, thủ tục nhanh gọn và có giá trị lớn.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – EVN liên tục báo lỗ

Do Van Tien

VNTB – Ngân hàng vẫn đầy tiền

Do Van Tien

VNTB – Lãi suất ngân hàng lại tăng

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo