Việt Nam Thời Báo

VNTB- Lập ‘siêu ủy ban’ vì lo sợ cát cứ quyền lực?

Minh Quân
(VNTB) – Việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” không chỉ “bình mới rượu cũ”, mà còn mang ý nghĩa tập quyền hơn nữa về quản lý và chi dùng tài chính cho chính phủ, và qua đó cho đảng cầm quyền, thay vì để phân tán nguồn lực tài chính ở các bộ chuyên ngành mà dễ phát sinh “cát cứ quyền lực”.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính vừa nêu đề án có hai mô hình cơ quan chuyên trách như sau: Thứ nhất, mô hình cơ quan chuyên trách là ủy ban thuộc Chính phủ, với hai phương án.
Phương án 1, thành lập mới cơ quan chuyên trách trên cơ sở điều chuyển cán bộ tại các bộ, ngành liên quan, bổ sung một số nhân sự đủ điều kiện từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), bảo đảm không làm tăng biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39. Cơ quan chuyên trách quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước quy mô lớn, trong đó bao gồm SCIC là đầu mối độc lập để quản lý và thoái vốn tại các công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ. Đây là phương án chính.
Phương án 2, nâng cấp SCIC thành ủy ban quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để quản lý doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Thứ hai, mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, nhằm tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC là doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu (tăng địa vị pháp lý, nhân lực); trong đó làm rõ đầu mối quản lý danh mục công ty cổ phần do SCIC hiện đang quản lý và các công ty cổ phần mà các bộ, ngành, địa phương sẽ bàn giao trong thời gian tới.
Theo đó, “siêu ủy ban SCIC” sẽ giúp tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, thay vì phân tán ở các Bộ như hiện nay.
Ý chí là như thế. Nhưng liệu thực tế có “đáp ứng như mong đợi”?
“Bình mới rượu cũ”
SCIC được thành lập vào năm 2005, tức cách đây đến 11 năm. Vào lúc thành lập, SCIC đã được giới chức quản lý và báo chí nhà nước tung hô như một cơ quan sẽ giúp cho bộ máy quản lý tinh gọn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại hàng chục năm qua của SCIC cũng trùng với thời gian diễn ra phong trào tham nhũng ghê gớm nhất ở Việt Nam, tồn tại dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”. Cho đến những năm gần đây, rất nhiều dư luận xã hội đã cho rằng SCIC đã không làm gì khác ngoài việc lấy vốn nhà nước đi gửi ngân hàng để lấy lãi hặc chỉ bỏ tiền vào những vụ việc mang màu sắc “trục lợi chính sách”. Trong khi đó, vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn đều đặn thất thoát (Vinashin, Vinalines…).
Có thể nói, việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” là một sự thừa nhận gián tiếp về thất bại của mô hình SCIC.
Trước đây, Chính phủ cũng đã từng thành lập Tổng cục quản lý vốn nhà nước, nhưng cuối cùng đã thất bại và phải giải thể.
Theo một số dư luận, việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” không chỉ “bình mới rượu cũ”, mà còn mang ý nghĩa tập quyền hơn nữa về quản lý và chi dùng tài chính cho chính phủ, và qua đó cho đảng cầm quyền, thay vì để phân tán nguồn lực tài chính ở các bộ chuyên ngành mà dễ phát sinh “cát cứ quyền lực”.
——————-
Dự kiến có 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.
Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.

Tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp dự kiến chuyển giao cho Ủy ban trên vào khoảng 2.2 triệu tỷ đồng – tức xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương gần ½ GDP của Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB- SCIC có bán được vốn nhà nước tại 137 doanh nghiệp để cứu ngân sách?

Phan Thanh Hung

VNTB- Từ cuối đời Thủ tướng Dũng đến đời Thủ tướng Phúc: Bán và bán!

Phan Thanh Hung

VNTB- Vì sao chính phủ phải ‘huy động vàng và USD trong dân’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo