Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Người Mỹ quan tâm đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dân chúng Việt Nam có cũng sẽ hào hứng chờ đợi lễ tuyên thệ của tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Cho đến nay, dường như vẫn chưa có tiền lệ trong đời sống chính trị tại Việt Nam về kiểu bầu cử đầy kịch tính như nước Mỹ.
Ở Việt Nam, cứ mỗi lần Đảng tổ chức hội nghị trung ương như một dạng của ‘hiệp thương’, người ta lại nhận diện thêm rõ hơn với danh sách cụ thể hơn về các gương mặt được cơ cấu vào nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền. Vì là đơn nguyên, nên chuyện cạnh tranh ở đây chỉ trong phạm vi nội bộ của hơn 4.5 triệu đảng viên trên toàn quốc.
Cũng chính vì đơn nguyên nên ở Việt Nam mới có chuyện mà nói theo kiểu dân dã, là “ông Thiệu đã dặn rồi mà…”.
Một bài viết đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM hiện đã bị ‘tháo’, chỉ còn mỗi đường dẫn URL: https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/nhan-su-lanh-dao-chu-chot-khoa-xiii-va-dieu-le-dang-962193.html, có đoạn trích trao đổi của PGS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, như sau”
“Điều lệ quy định Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Theo tôi, quy định này không chỉ điều chỉnh với chức danh Tổng bí thư mà còn có giá trị định hướng, dẫn tới các quy định ràng buộc với chức danh người đứng đầu trong cả hệ thống chính trị. Không chỉ là bí thư ở cấp ủy các cấp mà còn người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước nữa.
Điều lệ là quy định mang tính lâu dài, nguyên tắc. Nhưng không vì vậy mà thành rào cản cho tình huống đặc biệt phát sinh, nhất là khi giải pháp đưa ra đạt được đồng thuận, nhất trí cao ở Bộ Chính trị, Trung ương khi giới thiệu, đề cử và ở Đại hội toàn quốc khi thông qua danh sách giới thiệu, và kết quả bầu cử.
Trường hợp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba nếu có thì là rất đặc biệt. Vì rất đặc biệt nên không thể lấy đó làm lý do để sửa, bỏ quy định không quá hai nhiệm kỳ của Điều lệ”.
Bản tin trên được ‘tháo’ rất nhanh, phía Google vẫn chưa kịp tạo bản lưu trữ.
Có ít nhất hai lý do cho chuyện không những phải ‘tháo’, mà rất có thể cả ban bệ biên tập của tờ báo này phải chịu đòn roi sau kỳ Đại hội XIII. Thứ nhất, Điều lệ Đảng sau lần sửa đổi ở Đại hội IX, năm 2001 đã bổ sung quy định: “Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.
Thứ hai, cách đưa tin kiểu ‘cầm đèn chạy trước ô tô’ của báo Pháp Luật TP.HCM, sẽ củng cố thêm các đồn đoán là ông Nguyễn Phú Trọng đã không dân chủ ngay trong chính nội bộ Đảng, khi ông bất chấp quy định về sức khỏe của ‘tái cử’.
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 15, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số người lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số Uỷ viên Trung ương khoá XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XIII, và một số người lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Uỷ viên Trung ương chính thức.
Chữ “đặc biệt” ở đây ám chỉ về độ tuổi các ứng viên, song lại vướng chuyện quy định về sức khỏe.
Ở Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, thì ở yêu cầu I.5, ghi: “Về sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm: Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định; có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý”.
Đến ngày 2/1/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại ký ban hành “quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” tại Quy định số 214-QĐ/TW. Phần đánh số 1.5 của văn bản này, ghi: “Sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm: Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng. Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn”.
Theo quy định của Đảng Cộng sản về công tác nhân sự, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Ủy viên Ban chấp hành Trung ương tái cử không quá 60 tuổi.
Trong trường hợp đặc biệt, Ban chấp hành Trung ương có thể xem xét giới thiệu tái cử đối với ủy viên Ban chấp hành đã quá 60 tuổi, và Ủy viên Bộ Chính trị có độ tuổi trên 65 để Đại hội quyết định bầu vào Ban chấp hành, Bộ Chính trị.
Ghi nhận trên báo chí, chuyến công tác phải rời Hà Nội gần đây nhất của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là ngày 13 và 14/4/2019, tại tỉnh Kiên Giang. Từ đó đến nay, với đồn đoán ông Tổng Bí thư bị đột quỵ, dân chúng không còn bắt gặp hình ảnh của ông thị sát dân tình các nơi như trước nữa.
Chính điều này nên nếu ông Nguyễn Phú Trọng ‘tái nhiệm’, dân chúng chắc cũng sẽ đặc biệt lưu tâm về thần thái ở hôm ông tuyên thệ nhậm chức Tổng Bí thư khóa XIII của Đảng.
Và nếu như ở tuổi 78, ông Joe Biden là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức, thì ông Nguyễn Phú Trọng ở tuổi 76 sẽ soán ngôi ông Đỗ Mười (1917 – 2018, làm Tổng Bí thư lúc ông 74 tuổi), để là tổng bí thư già nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, khi tuyên thệ nhậm chức.