Hồng Dân
(VNTB) – Theo Luật báo chí thì bà nếu không chọn việc quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo VOV, thì bà có thể khởi kiện báo VOV tại Tòa án.
Trước đó trong thông báo gửi các bên liên quan ngày 26-10, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một cho biết, trong đơn khởi kiện, bà Hằng yêu cầu tòa án buộc ông Nguyễn Đức Hiển xin lỗi và đăng lời xin lỗi bà Nguyễn Phương Hằng trên Báo Pháp luật TP.HCM theo quy định của Luật báo chí.
Đồng thời, yêu cầu tòa giải quyết buộc ông Nguyễn Đức Hiển yêu cầu Đài tiếng nói Việt Nam rút bài viết “Không thể để bà Nguyễn Phương Hằng cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng”.
Việc bà Hằng khởi kiện xuất phát từ việc nhà báo Nguyễn Đức Hiển trả lời phỏng vấn trên bài báo của Đài tiếng nói Việt Nam VOV về tình trạng xúc phạm, đả kích của một số cá nhân trên mạng xã hội.
Trong bài báo này, ông Hiển đã đề cập đến việc bà Hằng livestream với nội dung thiếu tôn trọng cơ quan chức năng, thiếu tôn trọng dư luận xã hội… bà này cũng không có quyền nhân danh ai để lên án, ví von người này, người kia với những ngôn từ mang tính miệt thị, nhục mạ trên mạng xã hội.
Ngay sau đó, bà Nguyễn Phương Hằng đã phản ứng gay gắt với những phát ngôn của ông Hiển, đồng thời viết đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một.
Luật báo chí có quy định về việc “cải chính trên báo chí”. Theo đó, khi báo chí thông tin (đăng bài hoặc phát sóng) có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân.
Trong trường hợp báo chí không cải chính hoặc cải chính không thỏa đáng; không đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân mà không có lý do chính đáng thì công dân có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí hoặc yêu cầu Toà án xét xử.
Có 3 trường hợp cơ quan báo chí phải thực hiện việc cải chính. Cụ thể như sau:
Một, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản kết luận nội dung thông tin trên báo chí là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp này, cơ quan báo chí phải đăng, phát nguyên văn văn bản kết luận đó cùng với lời xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả.
Hai, cơ quan báo chí, tác giả tự phát hiện nội dung thông tin trên báo chí, tác phẩm của mình có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp này, cơ quan báo chí, tác giả phải cải chính, xin lỗi trên báo chí của mình đồng thời phải gửi văn bản cải chính, xin lỗi đến tổ chức, cá nhân đó.
Ba, thay vì khởi kiện ra tòa, báo nhận được văn bản khiếu nại của tổ chức, cá nhân cho rằng những nội dung đề cập trên báo là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến họ.
Trong trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, theo Luật báo chí thì bà nếu không chọn việc quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo VOV, thì bà có thể khởi kiện báo VOV tại Tòa án. Nếu khởi kiện, đây xem như là một vụ kiện dân sự. Nguyên đơn là người khiếu nại, bị đơn là báo.
Lưu ý : Báo có quyền không đăng ý kiến khiếu nại của công dân nếu những ý kiến này có nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí.
Khá khó hiểu khi cả 3 trường hợp trên đều không xảy ra, và Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một vẫn thụ lý đơn khởi kiện dân sự của bà Nguyễn Phương Hằng, với bị đơn là ông Nguyễn Đức Hiển.
Sự thật cho bị đơn hoặc bị hại đều góp phần bảo vệ công lý. Mong rằng cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương không phụ thuộc bị cáo hay bị hại là ai. Bởi thành kiến sẽ không có công lý.