VNTB – Lịch sử không được phép lãng quên họ

VNTB – Lịch sử không được phép lãng quên họ

Chí Quang

 

(VNTB) – Không thành công cũng thành nhân…

 

Khỏang 2000 năm trước, ở một quốc gia phương Bắc xa xôi, bên bờ sông lạnh lẽo, một tráng sĩ đã ngâm hai câu thơ từ biệt những người đưa tiễn:


Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn

Dịch:

Gió lạnh nổi bên bờ sông Dịch

Lên đường, tráng sĩ ngạo tử sinh

 

Đó là tráng sĩ Kinh Kha, người ra đi với một sứ mệnh cảm tử: hành thích bạo chúa Tần Thủy Hoàng để cứu nguy cho dân tộc. Với một sứ mệnh kinh thiên động địa như thế, anh ấy biết mình đang đi vào chỗ chết và cuộc chia ly là không hẹn ngày về, nhưng người chiến sĩ không chùn bước.

Cuộc hành thích không thành. Kinh Kha ngã xuống…nhưng anh ấy đã mãi mãi khắc ghi tên mình vào lịch sử. Không thành công cũng thành nhân…

2000 năm đã trôi qua, nhân loại đã trải nghiệm biết bao biến đổi thăng trầm, nhưng cuộc đấu tranh giữa tầng lớp bị áp bức với bạo quyền cai trị chưa bao giờ ngơi nghỉ. Suốt chiều dài lịch sử ấy, biết bao con người như tráng sĩ Kinh Kha đã sinh ra trong các dân tộc khác nhau. Họ khác nhau về chủng tộc, thời đại, hành vi…nhưng tất cả đều có một điểm chung: xem thường sinh tử của bản thân, dám đương đầu với bạo quyền để đấu tranh cho lẽ phải.

Các tù nhân lương tâm ở Việt Nam hôm nay cũng vậy, trước bạo quyền độc tài khát máu, họ dũng cảm cất lên tiếng nói của mình đòi hỏi nhân quyền cho mọi người, nhân quyền mà họ đòi hỏi không phải chỉ là “cơm ăn áo mặc” mà là những quyền cơ bản của con người trong bất cứ xã hội văn minh nào như: tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do ứng cử, bầu cử…và cũng như tráng sĩ Kinh Kha biết mình sẽ đi vào tử địa, các nhà hoạt động dân chủ biết rằng cái chính phủ độc tài toàn trị xấu xa bị phần lớn nhân loại khinh ghét này sẽ dành cho họ hình phạt khủng khiếp thế nào vì sự đòi hỏi chính đáng đó, nhưng họ vẫn hiên ngang đón nhận trong tư thế ngẩng cao đầu. 

Bạo quyền có thể chà đạp, nghiền nát thân thể họ, nhưng mãi mãi không khuất phục được ý chí họ, như đã thể hiện qua lời nói sau cùng trong phiên tòa của tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang: 

 “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

Tất nhiên, nắm trong tay một hệ thống truyền thông “nô lệ” khổng lồ, cái thể chế độc tài vô đạo đức này sẽ dễ dàng bóp méo sự thật lịch sử, bôi nhọ danh dự và hành động của các nhà hoạt động vì dân chủ, biến hình ảnh của họ thành những kẻ “phản động” xấu xa gớm ghiếc chống phá đất nước, những kẻ thù nguy hiểm của dân tộc, trong con mắt của thế hệ trẻ thông qua báo chí cũng như chính sách giáo dục nhồi sọ, ngu dân.

Điều đó khiến chúng ta, những người có lương tri, biết đâu là đúng sai phải trái, thấy hết sức cần thiết phải gìn giữ cho hình ảnh của họ thật trong sạch và chân phương trong lịch sử như nó vốn có, để các thế hệ mai sau có thể nhận thức và đánh giá chính xác về những gì họ đã làm. Lịch sử chân chính không được phép lãng quên những con người này như nó đã không lãng quên tráng sĩ Kinh Kha.

Trên tinh thần đó, tôi nghĩ VNTB nên cho ra thêm một chuyên mục về Tù Nhân Lương Tâm, trong đó tổng hợp thông tin và lịch sử hoạt động của tất cả các tù nhân lương tâm có thể sưu tập được, qua chuyên mục này, độc giả sẽ nắm bắt sự thật về cuộc đời họ, tránh bị dẫn dắt bởi thông tin tuyên truyền sai lệch một chiều của nhà cầm quyền. 

Trong chuyên mục này, ban biên tập có thể thêm vào các hồi ký của các cựu tù nhân chính trị sau 1975, kể về cuộc sống của họ trong các trại tù cải tạo của chế độ cộng sản, giúp độc giả hiểu rõ hơn về sự tàn bạo của chế độ này, ví dụ như hồi ký của linh mục Nguyễn Hữu Lễ:

https://www.youtube.com/watch?v=lhcmDg5Fdv8&list=PLh8lT0lKkVB2dGnOKCCVjd1Rc4B7iPXBA


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)