Trường Sơn
(VNTB) – Tây nguyên lại không thể bình yên khi ở Kon Tum xảy ra động đất liên tiếp khiến dân tình bất an.
Sáng ngày 7-7-2023, liên tiếp 4 trận động đất có độ lớn từ 3.5 đến 4.2 độ richter, tương ứng cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1, đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Theo đó, trận động đất thứ nhất có độ lớn 3.9 xảy ra vào 9 giờ 31 phút 31 giây, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, tại tọa độ 14.783 độ Vĩ Bắc – 108.331 độ Kinh Đông. Trận động đất thứ hai xảy ra chỉ sau đó 1 phút, vào 9 giờ 32 phút 10 giây, có độ lớn 4.0, tại tọa độ 14.769 độ Vĩ Bắc – 108.314 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Vào 9 giờ 37 phút 18 giây, khu vực này xảy ra trận động đất thứ ba có độ lớn 3.5, tại tọa độ 14.890 độ Vĩ Bắc – 108.285 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Tiếp đó, đến 9 giờ 48 phút 2 giây, trận động đất thứ tư tại khu vực này xuất hiện với độ lớn 4.2, tại tọa độ 14.790 độ Vĩ Bắc – 108.323 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Các trận động đất tuy chưa gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân sống trên địa bàn huyện Kon Plông.
Đáng chú ý, ở Kon Plông từ ngày 15 đến 28-4-2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận với cường độ 2,5 – 4,5 độ richter; trong đó, ngày 18-4 ghi nhận trận động đất có cường độ 4,5 richter.
Từ ngày 23 đến 24-8-2022, tại huyện Kon Plông tiếp tục xảy ra 12 trận động đất, đặc biệt, chỉ trong ngày 23-8, có tới 11 trận động đất với cường độ từ 2,5 – 4,7 độ richter, độ sâu tiêu chấn từ 8,1 – 8,2 km. Trong đó, đáng chú ý là trận động đất với cường độ 4,7 độ richter xảy ra vào khoảng 14 giờ 8 phút, lớn nhất từ trước đến nay đã gây rung chấn mạnh không chỉ tại địa bàn này mà còn lan ra các địa phương khác trong tỉnh; thậm chí người dân cả một số tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng cũng cảm nhận rõ sự rung lắc, chao đảo.
Động đất xảy ra liên tục và có chiều hướng tăng dần về tần suất cũng như cường độ. Theo nhận định bước đầu của các cơ quan chuyên môn, động đất ở khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn này.
Phía cơ quan chức năng cũng đưa ra dự báo, thời gian tới, tại khu vực này các trận động đất sẽ tiếp tục xảy ra và khả năng còn có cường độ lớn hơn.
Thủy điện Thượng Kon Tum là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn huyện Kon Plông được cho là nguyên cớ gây nên các trận động đất. Thủy điện này có công suất thiết kế 220 MW, dung tích hồ chứa là 145,52 triệu m3. Khi xây dựng, theo tuyên bố thì phía chủ đầu tư đã tính toán, đảm bảo chịu được tác của động đất đến 6,8 độ richter.
Mà đâu chỉ thủy điện Thượng Kon Tum, theo thống kê, trên địa bàn huyện có 6 công trình thủy điện, trong đó, có 3 công trình thủy điện có hồ chứa lớn là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re. Cụ thể, thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125 MW, dung tích hồ chứa 248,51 triệu m3; thủy điện Đăk Re có công suất 60MW, dung tích hồ chứa là 10,35 triệu m3.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có tổng cộng 125 công trình thủy lợi do tỉnh và địa phương quản lý. Công trình giao thông chủ yếu là đường nông thôn loại B với kết cấu mặt đường là bê tông xi măng.
Các công trình công cộng khác như trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học được thiết kế cấp III, cấp VI. Điều đáng nói, là theo xác nhận của cơ quan chức năng thì khi thiết kế xây dựng chưa tính đến tác động của động đất – gọi là kháng chấn, đến công trình trong bối cảnh hồ thủy điện bao vây tứ phía ở Kon Tum.
Theo trấn an của Viện Vật lý địa cầu, động đất xảy ra ở Kon Plông là động đất kích thích, giống như từng xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam. Động đất kích thích thường là một chu kỳ, có thể kéo dài vài năm đến cả chục năm.