VNTB – Linh đạo hiệp hành – người gốc Việt “có đạo” cần xác định vị thế của mình như thế nào?

VNTB – Linh đạo hiệp hành – người gốc Việt “có đạo” cần xác định vị thế của mình như thế nào?

 

An Phong 

 

(VNTB) – Tổng giáo phận Hà Nội diễn giải, ngày 17 tháng 10 năm 2021, Hiệp Hành là một chiều kích sống đạo hay hoạt động tông đồ mang tính thời sự của Giáo Hội Công Giáo hôm nay. 

 

Đặt mình ra ngoài những cuộc tranh cãi về hai chữ Hiệp Hành đã được Vatican Tiếng Việt dùng để dịch từ Synodality, chúng ta thử cùng tìm hiểu -với tư cách một giáo dân thuần tuý- về linh đạo, vừa là một đối tượng thần học, vừa là một tiến trình thực tiễn, một lối sống hay một ‘tâm thế’ qua đó chúng ta diễn tả đức tin của mình và tác động đến thế giới mà mình đang sống (trích Tài liệu Thượng Hội Đồng, 23/3/2023). 

 

Từ Lữ Hành… tới Hiệp Hành

 

Theo sự dẫn ý của một linh mục trẻ người Gia-Nã-Đại vừa dự xong một khoá huấn luyện về linh đạo Hiệp Hành (Synodality) tại Roma, một giáo dân thông thường có thể hiểu về Hiệp Hành qua hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa hai tông đồ đang xuống tinh thần, với chính Đức Kitô, trên Đường Emmau. Cuộc gặp gỡ này đã biến đổi hai tông đồ trong tình trạng hoang mang, mệt mỏi như thế nào? Tờ Fiches dominicales (bản dịch được đăng trên trang mạng của giáo phận Bà Rịa, ngày 30-04-2014) diễn giải tâm trạng của các tông đồ qua 4 trạng thái: 1) từ mối tương giao khép kín đến thái độ cởi mở với người khác 2) từ ngõ cụt đến đường đi 3) từ mê lầm đến tỉnh ngộ 4) Từ sự tan nát… đến chỗ tuyên xưng niềm tin của Hội Thánh. Nói một cách khác, cuộc gặp gỡ giữa các tông đồ còn bàng hoàng trong tâm cảm về cái chết khủng khiếp của Đức Giêsu, trên đường đi từ Jerusalem về quê, với chính người họ yêu mến, đã thay đổi từ tâm cảm đến tâm thức và tâm thái của họ. Một thay đổi sâu xa từ bên trong, đưa đến những hành động cụ thể, nối kết từng người với nhau, thành một tập thể đầy sức sống… cho đến nay, 2023 năm sau.

Như vậy, Hiệp Hành có thể được hiểu trước tiên, ở chiều kích cá nhân. Nói đến Hiệp Hành là nói đến từng cá nhân, có thế có cùng một lối sống với tập thể, nhưng trước hết là mỗi cá nhân, trong một “tâm thế” được hình thành từ một quá trình giáo dục trong xã hội và gia đình. Tài liệu Thượng Hội Đồng được đăng tải ngày 23-03-2023 khẳng định: Làm một Kitô hữu, đó là có một ‘ơn gọi hiệp hành’ và ơn gọi này lớn lên trong đời sống thiêng liêng (trích Ủy ban Thần học Quốc tế §43). Từ khi nhận được bí tích Rửa Tội và trở thành một Kitô Hữu, ai ai cũng phải biết mình là ai và phải sống thế nào cho xứng đáng với danh xưng này. Tổng giáo phận Hà Nội diễn giải, ngày 17 tháng 10 năm 2021, Hiệp Hành là một chiều kích sống đạo hay hoạt động tông đồ mang tính thời sự của Giáo Hội Công Giáo hôm nay. 

Giáo Hội Hiệp Hành là tập hợp của mỗi một giáo dân và tu sĩ cùng đồng hành trong một tâm thế cá nhân luôn liên kết với Đức Kitô để có sức mạnh giữ thái độ cởi mở với người khác, cùng với nhau nhận ra con đường mở rộng mỗi khi gặp một ngõ cụt, giúp đỡ nhau tỉnh ngộ mỗi khi mê lầm và cùng nhau vượt mọi khó khăn để luôn tuyên xưng niềm tin của Hội Thánh. Đây là điều căn bản mà mỗi một Kitô Hữu cần phải hiểu qua ba đặc điểm: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Mạng. 

Nói đến đây, hai chữ Hiệp Hành rõ ràng cũng mang một chiều kích tập thể. Có một điều luật tự nhiên mà ai cũng biết, đó là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã… Ai giống nhau thì sẽ nhận ra nhau và đi với nhau. Tính Hiệp Hành có ở mức độ rất bình thường này không? Thưa không.

Cộng đoàn các Kitô Hữu không phải là tập hợp những người chỉ có mục đích nhắm tới một đời sống vật chất xa hoa, dễ dàng. Trước những vấn nạn quá lớn trong Giáo Hội về lạm dụng quyền lực, tình dục, tài chánh v.v.. Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô là người đang tiếp nối truyền thống Hiệp Thông của Công Đồng Vatican II bằng cách kêu gọi và đề ra một chương trình cải tổ Giáo Hội sâu xa, bắt đầu bằng chính tâm thức trong mỗi một người Kitô Hữu ở nhiều bậc sống khác nhau.

 

Người “có đạo” gốc Việt

 

Theo bài Chúng Tôi Đi Với Anh: Tìm hiểu khái quát về ý nghĩa Hiệp Hành trên trang mạng của Tổng Giáo Phận Hà Nội, đăng ngày 17 tháng 10 năm 2021: “Synod” là một từ cổ xưa và đáng kính trong Truyền thống của Giáo hội, mà ý nghĩa của nó được căn cứ trên các chủ đề sâu sắc nhất của Mặc Khải. Bao gồm một giới từ συν (sun – với) và danh từ όδός (odos – đường), từ nầy diễn tả con đường mà Dân Chúa cùng đi. Cũng vậy, từ đó cũng ám chỉ Chúa Giêsu, Đấng đã tự tỏ mình là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), và liên quan đến các Kitô hữu, những kẻ theo Ngài, mà ngay từ thuở ban đầu, vẫn được gọi là “người theo Đạo (Đường)” (xem Công vụ 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).

Vậy, những Kitô Hữu là những người có đạo, có đường, cùng một đường… Con đường mà chính Chúa Giêsu đã vạch ra và đã đi cho đến cùng, ngang qua cái chết!

Chúng ta thuộc cộng đoàn Kitô Hữu gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới, được tự do tìm hiểu và hành động theo niềm tin của mình, đâu là vị thế của chúng ta trong hướng Hiệp Hành với toàn dân Chúa tại quốc gia định cư và tại Việt Nam, nơi trái tim của mỗi chúng ta vẫn còn thao thức với vấn nạn về những bất công và ngang trái đến từ một ý thức hệ phản nhân?

Chúng ta đã hiểu gì và biết gì về tự do cá nhân? về cách thức sống đạo trong thế giới “tự do” với bao nhiêu vấn nạn của riêng nó?

 

Người “có đạo” gốc Việt và Hiệp Hành

 

Dường như chúng ta đã được nghe nhiều về Hiệp Hành tại Việt Nam hơn là tại nơi đang định cư? Chúng ta lo sợ có phải là Vatican đang trở nên thiên tả? quá ngây thơ trong đường lối đang tiến hành với các xứ cộng sản như Trung Cộng và Việt Nam

Với kinh nghiệm sống đau thương của hàng triệu người trong và ngoài nước Việt Nam, nỗi lo sợ này không phải là không có lý. Các chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản vẫn giữ vị thế không đội trời chung với cộng đoàn các Kitô Hữu và họ chắc chắn từng bước đang bầy binh bố trận để dẹp bỏ cái gọi là Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu chỉ ngưng ở điểm này thì chúng ta chưa có tâm thức và tâm thế của một Kitô Hữu đúng nghĩa. Câu hỏi được đặt ra là chúng ta cần phải làm gì để có thể giúp những Kitô Hữu phải sống với những bất ổn tinh thần (và tâm thần) chỉ vì họ là Kitô Hữu?

 

___________________

Tài liệu tham khảo:

https://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2021/09/07/0541/01166.html

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-thuong-hoi-dong-huong-toi-mot-linh-dao-hiep-hanh-50500

https://www.giaophanbaria.org/chia-se-loi-chua/chua-nhat-va-le-trong/suy-niem-chua-nhat/2014/04/30/tren-duong-emmau-chu-giai-cua-fiches-dominicales.html

https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2021-09/text-read-in-english.html

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-11/lang-nghe-va-ban-tron-phong-van-dhy-czerny.html

https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-06/phan-ung-ve-tai-lieu-lam-viec-thuong-hoi-dong-giam-muc.html

https://www.tonggiaophanhanoi.org/chung-toi-cung-di-voi-anh-tim-hieu-khai-quat-ve-y-nghia-hiep-hanh-synodality/


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)