Triệu Tử Long
(VNTB) – Kit test đã được nhập về quá nhiều nên đành phải cho xét nghiệm trên diện rộng nếu không sẽ bị hết đát.
Thuyết âm mưu nói rằng có nhóm lợi ích ‘bề trên’ đã khuynh đảo thị trường sinh phẩm khi đã nhập về ‘quá hớp’ các kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, nên giờ đành ráng chọt, chứ nếu không sẽ hết đát mất.
Phải test vì hàng tồn còn nhiều?
Bộ Y tế trong tháng 7-2021 có 3 lần công bố, cập nhật danh sách các sinh phẩm/ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký, giấy phép nhập khẩu kèm thông tin hiệu năng và khả năng cung ứng, giá bán do đơn vị cung ứng công bố. Trong 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trong tháng 7, có 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sản xuất trong nước, 15 loại nhập khẩu.
Ghi nhận của một bác sĩ từng làm việc trong Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, ông hiện sinh sống ở Sài Gòn, cho biết hôm 18-8-2021, ông đặt vấn đề là Sài Gòn có nên xét nghiệm diện rộng như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hay là tập trung nâng cao năng lực điều trị F0. Khi ấy hằng ngày Sài Gòn cũng trên 4.000 ca nhiễm và trên 300 ca tử vong.
Đến hôm 9-9, con số ca nhiễm hằng ngày của Sài Gòn cũng quanh quẩn trên 5.000 ca và số tử vong vẫn trên 200.
Theo mệnh lệnh cũ, TP.HCM vẫn đang tiến hành việc xét nghiệm trên diện rộng với các nhóm nguy cơ để truy vết F0 suốt 2 – 3 tuần nay với chi phí hoàn toàn không hề nhỏ.
2 mũi vẫn nhiễm, vậy tách F0 làm gì?
“Đồng ý, cho dù là rất rất tốn kém nhưng đây là kế hoạch chung của chính phủ, để phục vụ cho công tác thống kê, nghiên cứu dịch tể học hay đánh giá diễn tiến xu hướng dịch mang tầm chiến lược. Nên từ đó đến nay tôi không hề có bất kỳ bình luận gì liên quan đến việc xét nghiệm này, thế nhưng giờ là câu chuyện của bắt đầu mở cửa trở lại…” – vị bác sĩ từng làm việc trong Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, ý kiến.
Theo ông, đã hơn 100 ngày giãn cách, bám đuổi theo dịch thì đến nay chính quyền đang có kế hoạch tạm gọi là Thẻ xanh cho người Sài Gòn.
“Chưa nói đến việc cấp thẻ xanh thế nào cho đúng người, đúng đối tượng, thì việc người có thẻ xanh cho dù tiêm đủ 2 mũi vẫn có nguy cơ nhiễm Covid, và lây lan cho người khác như khi đi làm về nhà hay cộng đồng…
Theo các nghiên cứu cập nhật của WHO, CDC… thì người tiêm 2 mũi khi bị nhiễm sẽ giảm nguy cơ bệnh chuyển biến nặng và nguy cơ tử vong đáng kể thậm chí có những vùng lên đến trên 99%. Như vậy, thẻ xanh sẽ giúp không nặng, không chết, không quá tải bệnh viện… chứ lây nhiễm thì vẫn sẽ phải lây và có xu hướng ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn phải có là tất yếu.
Nếu vậy thì việc xét nghiệm diện rộng cộng đồng tính ra lại chẳng để giải quyết việc gì cả. Vì ca nhiễm vẫn chạy lung tung cho dù là vùng xanh cơ mà. Test… Test… Test… Liệu có còn hợp thời? Lùng bùng và khó hiểu quá nhỉ!” – vị bác sĩ biện giải kèm theo là câu hỏi… tu từ.
Loay hoay truy vết lúc này để làm gì?
Câu chuyện tiếp theo đây là ghi nhận từ thực tế cuộc sống.
“Thật sự, tôi cũng không biết mình bị F0 do dính virus từ đâu? Có phải từ công việc thường xuyên hiện diện ở các khu phong tỏa, cách ly hay từ người đồng nghiệp bị nhiễm?” – ông Lê Phú Chiến, trưởng khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM, tâm sự về chuyện một ngày mình thành F0.
Tuy nhiên, ông cũng nói không băn khoăn việc ‘truy vết’ ai đó làm gì. Bây giờ F0 ở khắp nơi, việc cần quan tâm nhất là phòng lây nhiễm, còn nếu lỡ lây nhiễm rồi thì tập trung vượt qua bệnh và phòng tránh lây lan cho người khác…
Mọi chính sách, chỉ thị, quy định phòng chống dịch dù ở cấp cao nào thì cuối cùng đều phải xuống với dân để thực hiện ở cơ sở khu phố và các tổ trưởng.
Từ đầu mùa dịch, ông Chiến và các bạn đã lòng vòng… chở loa đi phát thanh những chương trình tuyên truyền phòng chống dịch khắp khu phố mình, rồi chuẩn bị cho tình huống có ca nhiễm ở địa bàn. Không lâu sau, điều lo lắng nhất đã xảy ra. Quận Bình Tân có ca nhiễm, ổ nhiễm, rồi cả những chuỗi nhiễm mà nghiêm trọng nhất là từ một công ty may mặc rất gần nơi ông Chiến làm việc…
Bị ‘trảm’ vì trái ý ‘bề trên’?
Nhắc lại một chuyện ở hồi hạ tuần tháng 6-2021.
Chiều 25-6, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), cho rằng TP.HCM phải tính đến phương án “sống chung với lũ” trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Trí Dũng đánh giá tình hình dịch ở TP.HCM theo số liệu ca bệnh có triệu chứng và không triệu chứng đang điều trị tại các bệnh viện Covid-19, cho thấy số bệnh nhân có triệu chứng rất thấp so với giai đoạn đầu. Cụ thể, trong những ngày đầu phát hiện ca bệnh tại chuỗi điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, số người mắc có triệu chứng lên đến 68%, nhưng đến bây giờ số người không có triệu chứng là 68%. Trong đó, có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp, chiếm 1,3%.
Ông Dũng lý giải những chuỗi lây truyền của virus qua nhiều thế hệ sẽ có hai trạng thái: biến chủng sẽ tăng độc lực và không biến chủng, độc lực sẽ giảm. Liệu điều này đang xảy ra ở TP.HCM, tức là còn lây lan nhanh nhưng không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ?
“Khi phát hiện ca chỉ điểm và tiến hành truy vết ngược, đã phát hiện chùm ca bệnh, hầu như họ không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, nếu những trường hợp chỉ điểm đó mà bệnh nhẹ hoặc không có bệnh thì rõ ràng sẽ bị bỏ qua. Vì vậy, chúng ta chậm hơn là đều thấy rõ”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thời điểm này, biện pháp truy vết vẫn phải tiếp tục nhưng trong giai đoạn sắp đến, phải tính tới phương án “sống chung với lũ”, truy vết tìm con rắn độc thay vì tìm con rắn nước. Tức là, phải bảo vệ những đối tượng nguy cơ, ví dụ trong những trung tâm chăm sóc những đối tượng nguy cơ, bệnh nền thì cần được bảo vệ.
Khi ấy, ông Nguyễn Trí Dũng nói rằng để “sống chung với lũ”, thì thực hiện tốt 5K và chích đủ liều vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin, đơn giản vậy thôi.
Tiếc là sau ý kiến “cầm đèn chạy trước ô tô” ở trên, sức ép từ “bề trên” khiến ông Nguyễn Trí Dũng phải… rời ghế Giám đốc HCDC.