Minh Quân
(VNTB) – Một bài viết trên báo Dân trí đã vạch trần thủ đoạn của nhóm lợi ích xăng dầu khi “nuốt” đến 3.000 tỷ đồng của người tiêu dùng nhưng đã bị Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) một lần nữa – trong nhiều lần – ém nhẹm.
Vào thời điểm năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, nhiều doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng nhờ cách tính giá xăng dầu cơ sở.
Cụ thể, khi nhập xăng dầu, doanh nghiệp phải nộp thuế và về nguyên tắc, khoản này sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu thực tế từ các thị trường có sự khác nhau trong những năm gần đây, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Với sản phẩm nhập từ ASEAN, thuế áp dụng trong năm 2015 với dầu diesel và mazut là 5% và từ 1/1/2016 là 0% (thuế với xăng vẫn là 20%, tương tự các thị trường khác). Từ đầu năm 2016, thêm thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10% (thấp hơn thị trường khác 10%).
Trong khi đó, theo Thông tư 78 được Bộ Tài chính ban hành tháng 5/2015, giá cơ sở (căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu) được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và mazút là 10%.
Việc này tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Đây là khoản tiền mà các nhà buôn xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 với xăng nhập từ Hàn Quốc.
Theo bản tập hợp trả lời cử tri kỳ họp 5, Quốc hội khoá XIV đang diễn ra, cử tri đặt câu hỏi tới Chính phủ về việc kiểm tra việc Bộ Tài chính tính sai về thuế xăng gây thiệt hại 3.000 tỷ đồng cho người tiêu dùng, cách xử lý như thế nào đối với người có trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi này, Bộ Công Thương không đề cập tới nội dung “cách xử lý như thế nào đối với người có trách nhiệm” mà chỉ nói chung chung “trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ, hiệu quả theo phân công của Chính phủ tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP”…
Cần nhắc lại, bất chấp việc Petrolimex thua lỗ đến 10.700 tỷ đồng trong năm 2008 từ những khoản đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm, chiến dịch tăng giá xăng dầu đã luôn được những người đứng đầu Petrolimex âm thầm chuẩn bị và được lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính “bảo kê” theo chiến thuật: mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán…, hoặc được trích lập quỹ bình ổn. Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Mới đây, với sự tham mưu đắc lực của Bộ Công thương và Bộ Tài chính, nhóm lợi ích xăng dầu đã “quan vận” được cả Chính phủ lẫn Quốc hội, tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Dự luật trên được “Quốc hội gật” xếp vào chương trình làm luật ngay trong năm 2017, bất chấp phản ứng dữ dội của dân chúng và công luận. Hàng loạt lý do ma mị được giới quan chức quốc hội và chính phủ nêu ra: tăng giá xăng là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, tăng giá xăng là được lòng dân hơn, tăng giá xăng để tái cơ cấu ngân sách…
Trong khi đó, những luật liên quan mật thiết đến quyền dân mà đã bị treo đến một phần tư thế kỷ qua như Luật Biểu tình, Luậ về Hội… đã bị Quốc hội xếp xó trong ít nhất hai năm 2017 và 2018.
Vụ nhóm lợi ích xăng dầu hưởng lợi 3.000 tỷ đồng nhờ cách tính giá xăng dầu cơ sở đã thêm một bằng chứng sống động cho thấy mối liên hệ “đi đêm” giữa nhóm này với các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, nhưng không hề bị “tân chính phủ” của người vẫn còn là “tân thủ tướng” Nguyễn Xuân Phúc sờ gáy.
undefined