Triệu Tử Long
(VNTB) – Trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chuyện lòng tốt và sự hoài nghi ở thời điểm mà toàn xã hội mới dần nới lỏng các quy định về giãn cách đề ngừa lây lan dịch Covid-19.
Bác sĩ phụ sản Lê Nhàn lập luận: Cái người cho đó, trước hết phải là người rất rất tốt bụng, những hạt gạo đó là những giọt mồ hôi, nước mắt của người ta. Người ta cho là muốn chia sẻ với người thiếu thốn hơn mình, người cho chỉ với mục đích duy nhất là món quà đó sẽ đến đúng đích, đến với người khó khăn thực sự. Đó là trách nhiệm của họ. Còn cho không cần biết nó đến đâu là chưa hết trách nhiệm.
Bác sĩ Lê Nhàn kể và đặt hàng loạt câu hỏi: “Một lần cô kia bị thai lưu, vào bệnh viện khóc lóc, tôi đã mủi lòng và làm miễn phí. Khi đang làm thủ thuật thì người đó nói “em tự mua thuốc uống cho nó sẩy mà nó không sẩy, tháng sau em đi du lịch Hongkong? Bác sĩ đã khi nào đi Hongkong chưa?”
Và chắc các anh chị cũng thấy hình ảnh trên mạng hôm rồi có một người bước vào vơ hết chục túi gạo trên bàn khi gia chủ đóng cửa đi vắng? Chắc các anh chị cũng biết việc người ta thay áo khác để nhận quà đến 3 lần? Chắc các anh chị cũng đã từng nghe những người làm từ thiện tại bệnh viện tôi, họ mang cơm phát vô tội vạ cho nhân viên bệnh viện, những người không có nhu cầu nhận cơm, trong khi nhiều người nghèo nơi khác không có.
Khi trong xã hội còn quá nhiều người tham lam và không có lòng tự trọng thì đành phải vậy thôi, nếu không thì bạn cho 10 tấn cũng không đủ vì sức của bạn có hạn. Nếu bạn quản lý không chặt thì vô tình bạn đã tạo điều kiện cho kẻ tham lam lợi dụng. Tôi cũng thấy. Làm vậy là sự sỉ nhục đối với những người nghèo thật sự, tổn thương đến lòng tự trọng của họ. Vì vậy thay vì phê phán thì hãy nên nghĩ cách làm sao để món quà ấy tới đúng người cần giúp sẽ hay hơn rất nhiều.
Việc phê phán người khác bao giờ cũng dễ. Việc bỏ tiền ra để mua mấy tấn gạo phát cho người nghèo lại khó hơn rất nhiều. Nên nhìn nhận 2 mặt của vấn đề. Chỉ có như vậy mới không làm nản lòng những trái tim rộng mở biết sẻ chia. Việc lên án sẽ làm đau lòng người cho. Mang cho rồi còn bị ăn chửi thì cho làm gì?”
Nhà báo Trương Quang Vĩnh thì chia sẻ góc nhìn khác.
“Ở nhiều cây ATM gạo, xe Honda, xe ba gác, xe du lịch, xe tải của các nhà hảo tâm ào ào chở gạo đến tiếp tế. Có người chỉ lấy cái biên lai để về báo cáo, và rất nhiều người không cho biết họ tên. Hằng hà nhà hảo tâm ấy có ai nghi ngờ hoặc đặt dấu hỏi rằng: Không biết gạo của mình có đến tay người nghèo không? Họ tặng cả 100kg, 200-300kg, cả tấn nhưng không cần biết mặt các bạn là ai, vì đơn giản họ cảm thấy đó là việc đáng làm!
Ngược lại, các bạn tặng 1,5kg – 2kg – 3kg tại sao đi cân đong đo đếm giàu hay nghèo? Tại sao phải truy vấn, tại sao phải “nhận diện gương mặt”?… Những việc ấy chỉ làm tổn thương thêm cho họ. Nhận được 1,5kg – 2kg mà về ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ làm cho họ thêm nghèo khó vì cảm giác nỗi cô đơn và không được yêu thương của con người.
Nếu có người nhận 2 lần, 3 lần trong ngày, chỉ nên đến nhắc họ là đủ thay vì cầm mãi micro xướng lớn: anh thứ 2, chị thứ 3 đã nhận 2 lần rồi gạo sẽ không xuống. Ngay khi các bạn nghi ngờ họ nhận rồi bán lại thì cũng nên hành xử tử tế với những người không tử tế – họ là những người cần nó nhất.
Lòng tốt không chỉ bằng hành động. Nó còn là thái độ, biểu cảm, cái nhìn, sự tiếp xúc. Nó là mọi thứ làm người khác ấm lòng!”.
Làm từ thiện không phải là bố thí.
Có lẽ cả bác sĩ Lê Nhàn và nhà báo Trương Quang Vĩnh đều không sai. Lỗi lớn nhất ở đây dường như thuộc về lòng tin giữa người và người đã bị bào mòn, mà những lần đầu tiên bị ‘xí gạt’ có thể kể về những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa sau tháng tư, 1975, họ đã nhận được lệnh đi học tập cải tạo với hứa hẹn chỉ cần chuẩn bị đồ đạc để ‘học vài hôm rồi về’. Kết quả thì…