Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luận Về Khoa Bảng ( phần 2)

 Trn Xuân Thi

 

(tiếp theo)

(VNTB) – Người Tây phương nghe nhiều hơn nói và thích nghe để học hỏi. Người Đông phương thích làm thầy, nói nhiều hơn nghe!?

 

Trường đời là Đại học hữu hiệu nhất tôi luyện con người làm nên sự nghiệp. Hiện nay, có trên 300 ngành học khác nhau và xã hội tân tiến như Hoa Kỳ có trên 200 nghề chuyên môn.  Người Mỹ quan niệm “thầy” của ngành này là “học trò” của ngành khác, nên khi gặp vấn đề không thuộc ngành chuyên môn của mình, thường trả lời “I do not know”. Phần khác vì tinh thần trách nhiệm, người Mỹ không “advise” người khác về những vấn nạn không thuộc ngành chuyên môn của mình. Còn người Việt, ít khi nghe nói” I do not know”?

 Nhân viên các cấp, các ngành trong công ty, công sở đều phải học hỏi trong thời gian làm việc để thăng tiến nghề nghiệp, để đủ điều kiện hành nghề theo luật định, nên vấn đề tu nghiệp (continuing education) rất quan trọng để cập nhật hóa kiến thức, nếu không sẽ không đủ điều kiện hành nghề.  Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói học theo lối “từ chương trích cú”, thể hiện phần nào lối học “nhai lại”, đủ để thi đậu, lấy bằng cấp qua giai đoạn thu nhận kiến thức, nhưng không mấy chú tâm đến vấn đề tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo. Hậu quả của nền giáo dục như vậy là có giáo dục nhưng sinh đồ không áp dụng được kiến thức vào cuộc sống.

Nói khác đi có học nhưng không áp dụng được kiến thức vào đời sống thì cũng như không học, tạo nên tình trạng nhiều khoa bảng, nhưng thiếu nhân tài thực sự. Có quốc gia đứng đầu kết quả thi test quốc tế về một số môn học, nhưng thực chất vắng bóng trên danh sách những nhân tài lãnh giải Nobel. Đến nay, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có nhiều nhân tài lãnh giải Nobel, cho nên nhiều quốc gia gởi du sinh đến Hoa kỳ “tầm thầy học đạo”.

 

Phương pháp học hỏi hiệu nghiệm

1. “Nên nghe cho nhiều, điều gì còn nghi ngờ thì để đó, tìm hiểu thêm, để tránh cái hại là nói sai sẽ bị thiên hạ chê cười. Điều gì biết rõ ràng chắc chắn thì nên nói, nhưng cũng nên nói một cách ôn tồn”.

2. “Nên thấy cho nhiều, những gì thấy chưa được rõ thì để đó đừng làm. Còn những gì biết rõ thì cũng nên làm một cách cẩn thận, như vậy sẽ ít phải ăn năn”.

3. Ngoài thính giác và thị giác, các giác quan khác như vị giác, khứu giác, xúc giác cũng là thước đo giúp trí tuệ thu nhận hiện trạng của ngoại giới như thơm nồng, nóng lạnh, cứng mềm, trơn nhám…Ai không điều khiển được cảm giác sẽ không điều khiển được thái độ của mình.

Học hỏi được những điều hay lẽ phải cũng cần được áp dụng vào đời sống hằng ngày hay truyền thụ cho người khác. Nếu không, kiến thức sẽ trở thành mai một. Đúng với câu ngạn ngữ La tinh: “Qui novit neque id quo sentit experimit perinde est ac si nesciret”. Anh ngữ cũng có câu: The knowledge or wisdom he has in his head is of no use to anyone unless he can communicate it to other (Rule of engagement, military law review). Có kiến thức mà không áp dụng được vào đời sống hoặc không truyền thông được cho người khác thì kiến thức đó sẽ trở thành vô dụng, chẳng khác nào ăn vào mà không được tiêu hóa. “Ăn vóc, học hay”.

 

Ở đời có ba hạng thức giả:

1. Không ai dạy mà biết được đạo lý. “Sinh nhi tri giả, thượng giả” là hạng siêu việt.

2. Có đi học mới biết được. “Học nhi tri chí giả, thứ giả” là hạng khoa bảng thường tình.

3. Dốt mà chịu học hỏi. “Khốn nhi học chi, hữu ký giả” là hạng có chí thì nên.

Ngoài ra những người dốt mà không chịu học là hạng “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu”. “Khốn nhi bất học, ân tư vĩ hạ hỉ “.

 

Xã hội Tây phương cũng thường phân loại:

1. Professionals with great mind talk about ideas. “Chuyên viên giỏi thường nêu lên sáng kiến”.

2. Professionals with average mind talk about current events. “Chuyên viên trung bình thường bàn những sự việc đang xảy ra”.

3. Professionals with small mind talk about people. “Chuyên viên thường hay bàn về chuyện thế thái nhân tình”.

 

Dù thuộc hạng nào chăng nữa, mỗi ngày mình nên xét ba điều: “Mình giúp ai việc gì, có giúp hết lòng không; giao du với bạn bè có giữ được sự trung tín không; mình có học hỏi thêm được điều gì mới mẻ trong ngày không”.

Diễn trình giáo dục là diễn trình thu nhận kiến thức, tinh luyện suy luận và phát triển sáng tạo. Cách học của người Tây phương và người Á Đông có điểm sai biệt được lưu ý là Á Đông học để lấy bằng cấp, “từ chương, trích cú” (Test- taking skill/based education on memorization and constant testing), học thuộc lòng để thi test. Giáo dục Tây phương chú tâm giúp sĩ tử biết suy tư, thông đạt, phát minh, áp dụng kiến thức vào đời sống để giải quyết thế sự (how to get their kids to communicate, to think, to solve problems).

Các nhà giáo dục giám định phương pháp giáo dục Đông Tây (International rankings) nhận định nền giáo dục Hoa Kỳ xếp hạng cao trên thế giới nhờ phương pháp giáo dục khích lệ học sinh, sinh viên suy tư, đối thoại với nhau và với thầy, học cách giải quyết vấn đề. Hoa Kỳ đã đầu tư vào nền giáo dục khoảng # 3% GDP hằng năm vào ngân sách giáo dục quốc gia, cao hơn các quốc gia khác. Tổng sản lượng nội địa gộp (Gross Domestic Product) của Hoa Kỳ năm 2018 là 20,50 nghìn tỷ USD.

Môt nhà giáo dục Á Đông nhận xét:

“When I went to college in the United States, I encountered a different world. While the American system is too lax on rigor and memorization, – whether in math or poetry- it is much better in developing the critical faculty of minds, which is what you need to succeed in life. Other educational systems teach you to take tests; the American system teaches you to think… That is why America produces so many entrepreneurs, inventors, and risk takers. It’s America, not Japan, not China that produces dozens of Nobel Prize Winners… America knows how to use people to the fullest”.

Đặc biệt nền giáo dục Hoa kỳ khuyến khích hoc sinh, sinh viên thách thức kiến thức theo tập quán hay quy ước kể cả thách thức giới hữu trách trong các ngành sinh hoạt nhân sinh”. Most of all, America has a culture of learning that challenges conventional wisdom, even if it means challenging authority”. Có lẽ đó cũng là lý do trẻ em Tây phương thường không hẳn nghe lời người lớn. “Children have never been very good at listening to their elders” (James Baldwin).

Học sinh, sinh viên Tây phương nghiên cứu các môn học qua sách giáo khoa thường được cập nhật hằng năm chiếu theo khuyến cáo của cơ quan NAEP (National Assessment of Educational Progress) và theo kết quả của các kỳ thi test ” SAT” Scholastic Aptitude Test) để biết sự tiến bộ hay thoái hóa của nền giáo dục quốc gia. Học sinh hay sinh viên đến lớp dành thì giờ nghe giảng bài, thảo luận và giải quyết vấn đề. Trong lúc đó, trong các trường học Á Đông, không có sách giáo khoa cấp phát hay bán cho học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên đến lớp dùng hết thì giờ chép bài. không có thì giờ tranh luận, học sinh sợ thầy không dám đặt câu hỏi, lớp học thiếu sinh khí… Thầy thì lấy sách giáo khoa Tây phương dịch ra vài chương đọc cho sinh viên chép lại để học. Có khi sách giáo khoa, gồm 18 chương, dày 600 trang cho mỗi môn học, thầy chỉ dịch một vài chương để đọc cho sinh viên chép. Vì thế, kiến thức của sinh viên, thiếu đầu, thụt đuôi. Khi qua các nước Tây phương, mặc dù có bằng cử nhân, cao học, tiến sĩ nội hoá, nếu không đi học lại để cập nhật kiến thức hay tìm học thêm một nghề chuyên môn “cấp tốc” thì sinh kế khó được hanh thông.

Thu nhận kiến thức để lãnh nhận chứng chỉ, văn bằng, chỉ mới là giai đoạn đầu. Nếu mới đạt được giai đoạn đầu mà đã tự thỏa mãn thì chỉ mới đạt đến sự hiểu biết vòng ngoài, cách vật chí tri, nhưng chưa đạt đến trình độ thành tâm, chánh ý, tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Học để hiểu biết và giỏi giang hơn về một ngành chuyên môn là điều tốt. Nhưng nếu chỉ để mong được an nhàn, sống lâu, giàu bền, còn việc quốc gia, cộng đồng, xã hội, ái hữu không thèm nghĩ đến thì chưa đạt đến trình độ trí thức.

Vì thế, triết lý giáo dục nhân bản không dừng lại ở mức độ thu nhận kiến thức để trở thành chuyên viên mà còn tiến đến chủ đích làm cho con người trở nên cao thượng hơn. “Thượng vì đức, hạ vì dân” để làm gương cho hậu thế. Phối hợp đạo lý làm người và kiến thức để giúp đời là dấu chỉ của của kẻ sĩ. Như quan niệm của Nguyễn Công Trứ:

 

“Kinh luân khởi tâm thượng,

Binh giáp tàng hung trung.

Vũ trụ chi giai ngô phận sự.

Nam nhi đáo thử thị hào hùng“.

 

Phải, với tinh thần “Vũ trụ chi giai ngô phận sự” thì “Người chăn cừu xứ Tô Cách Lan và ông bộ trưởng công trạng đối với quốc gia ngang nhau”. Một người khoa bảng có văn bằng và một người mù chữ cũng có công trạng như nhau đối với tổ quốc, miễn là làm xong nhiệm vụ mà tổ quốc giao phó. Năm 1843, tướng quân Nguyễn Công Trứ bị giáng chức làm linh thú ở Quảng Ngãi. Ông quan niệm “Khi làm tướng, tôi không lấy làm vinh, thì lúc làm lính có chi mà nhục”. Quan niệm này đúng với cường thường, đạo nghĩa, quyết tâm phục vụ chính nghĩa quốc gia, dân tộc, thể hiện thái độ “tâm” đã định và “tính” đã an. (Tri kỳ tâm, tận kỳ tính).

“Miễn hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,

Đạo lập thân, phải giữ lấy cương thường“.

Thường các bậc phụ huynh khuyên con cháu lo học hành vì hiểu rõ tầm mức quan trọng của sự học trong đời sống để nắm lấy cơ hội thăng tiến nền giáo dục cho Cộng đồng Việt Nam hải ngoại. “Nhân bất học, bất tri lý. Ấu bất học lão hà vi”. Ngày trước ở Việt Nam đỗ Tú tài như Tú Xương không có cơ hội thăng tiến. Ngày nay tại các quốc gia tân tiến mà chúng ta đang cư ngụ, mọi ngành hoạt động đều cần chuyên viên có kỹ năng tinh luyện, được chứng minh bằng kiến thức và kinh nghiệm. Nếu không có nghề chuyên môn, cạnh tranh với đời thật là vất vả!

Đa số những người có kiến thức và kinh nghiệm ở Việt Nam, sau ngày di tản, tuổi tác đã chồng chất, lại phải lo gánh nặng gia đình, còn đâu thì giờ để theo lũ em học hành như xưa. Vì vậy, các bậc tiền bối chỉ trông nhờ vào lớp hậu sinh, con cháu chuyên tâm nghiên bút, chẳng những để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, vinh thân, phì gia, mà còn làm “Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha. Trên vì nước, dưới vì nhà. Một là đắc hiếu, hai là đắc trung”.

Hiếu thảo với cha, mẹ đem tài năng phục vụ nhân quần xã hội, quốc gia, dân tộc, là niềm mong ước chung của các bậc phụ huynh vậy.

______________

Ghi chú:

(*) Lý Tiến, Trương Tr


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lòng người sao mà bất an quá…

Phan Thanh Hung

VNTB – “Lương Tâm Chính Trị của người Công Giáo” (Kỳ 2)

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Sứ Mệnh Văn Hóa

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo