Và lần này là nằm ở lý do, “dự thảo luật đã xong và được gửi xin ý kiến các bộ, ngành nhưng vẫn còn một số nơi chưa hồi âm” – dẫn đến tiến độ trình dự thảo gặp khó khăn, và vì thế, Bộ Công an “đề xuất” là trình Luật Cảnh vệ thay vì Luật biểu tình trong kỳ họp tới.
Đây không phải là lần đầu tiên, dự án luật biểu tình bị lùi lại vì những lý do rất… chướng.
Trước đó, vào tháng 3, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường nêu ra lý do lùi dự án Luật vì… cần có thời gian để nghiên cứu hơn và làm rõ hơn khái niệm biểu tình là gì, thế nào là tụ tập đông người, tự do biểu tình. Còn trước đó nữa, vào cuối năm 2014, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đề nghị xin rút luật Biểu tình, chưa trình Quốc hội (QH) vào kỳ họp thứ 9 khai mạc tháng 5/2015…
VNTB – Luật Biểu tình trì hoãn và Trung Quốc tiến hành bắn đạn thật |
Việc đề xuất thay trình Luật biểu tình bằng Luật Cảnh vệ cũng không khác mấy so với việc Chính phủ bàn lùi Luật biểu tình bằng việc tập trung thời gian sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; luật Công an nhân dân vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (11/2014) vào tháng 3/2015.
Quan điểm của Chủ nhiệm ủy ban quốc phòng – an ninh Nguyễn Kim Khoa về “luật cần làm ngay thì không làm” trong khi “tập trung vào luật ít quan trọng” lại một lần nữa lại đúng trong tình trạng hiện nay.
HD-981 tạm thời khuất bóng, nhưng trong tuần qua, lại có 2 sự kiện nổi bật gắn liền với an ninh – quốc phòng của đất nước.
Một là câu chuyện vào sáng 12/12, hàng trăm người ở hai thôn Đông Yên và Minh Huệ (vùng tái định cư của xã Kỳ Lợi cũ, nay là xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) đã dựng rào, đốt lửa chắn ngang quốc lộ 1A (đoạn qua đỉnh Đèo Con, giáp ranh giữa 2 xã Kỳ Nam và Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) khiến các phương tiện giao thông bị kẹt cứng nhiều giờ. Và chính quyền buộc phải nhờ người “cao tuổi, có uy tín” thì đường phố mới lưu thong được.
Hai là, theo hãng tin Reuters cho biết vào sáng ngày 13/12, Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông mà nước này cho rằng, đó là hoạt động “thường kỳ”.
Sự phức tạp về tình hình tôn giáo, sắc tộc, đất đai và tính biến động của tình hình Biển Đông càng cho thấy sự khẩn thiết của Luật Biểu tình – vốn tập hợp tiếng nói rộng rãi, thống nhất và hợp pháp của người dân và Chính phủ Việt Nam.
Thế nhưng, sự “quyết tâm” mà Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề cập về việc trình Quốc Hội bàn lần thứ nhất vào kỳ họp tháng 3 năm sau và cả sự kỳ vọng về mặt “vinh dự trả nợ nhân dân của Quốc Hội khóa XIII” của ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) qua việc trình dự luật này đã trở nên ngày càng thu hẹp.
Nhu cầu cần có Luật biểu tình là có thật, yêu cầu của cuộc sống đối với luật này là có thật, những nguy cơ khi thiếu Luật biểu tình đối với an ninh quốc gia, an toàn xã hội là có. Cơ chế để người dân cất lên tiếng nói, đồng hành với Chính phủ trong vấn đề bang giao là hiện hữu.Thế nhưng, hết lần này đến lần khác Bộ tư pháp, Bộ Công An… lại tìm lý do “lùi, trì hoãn”.
Liệu rằng, “một số thành viên Chính phủ” đang lo ngại về viễn cảnh bị luật đổ, vì dân biểu tình góp ý sửa luật, hay e ngại bàn tay quản lý không bao quát được Luật biểu tình dễ diễn ra tình trạng “biểu tình” trong mùa ĐH Đảng – làm “phức tạp tình hình”, hay thậm chí là chờ động thái ra luật biểu tình từ bên nước bạn để bên ta học tập theo – khiến hiện trạng xã hội và đối ngoại dù dầu sôi lửa bỏng đối với Việt Nam, nhưng ta vẫn quyết tâm một điệp khúc… trì và hoãn?