VNTB –  Luật sư để làm gì?

VNTB –  Luật sư để làm gì?

Nguyễn Đình Ấm

 

(VNTB) – Nhận tội bừa trong những vụ án kiểu Đồng Tâm chỉ có lợi cho phía xử bừa.

 

Tôi giật mình khi tình cờ thấy báo Giao thông Vận tải(GTVT) đăng : “Vụ Đồng Tâm: Luật sư  khuyên bị cáo thay đổi kháng cáo, xin giảm nhẹ mức án”.

Tôi hiểu báo GTVT đăng thông tin này là có ẩn ý hay, tế nhị. Vậy Luật sư để làm gì? 

Tất nhiên là để bảo vệ chân lý, pháp luật rồi. 

Trước một vụ việc, vụ án chưa rõ ràng, có ý kiến khác nhau thì người ta cần có luật sư tham gia tố tụng để đấu tranh với bên kết luận, kết tội sai đi đến đúng người, đúng tội, bảo vệ bị hại, bảo vệ pháp luật.

Thế nhưng trong quá trình tố tụng vụ Đồng Tâm có việc luật sư Hà Huy Sơn khuyên thân chủ bà Bùi Thị Nối không kêu oan mà xin “giảm án” vì theo LS thì “…Đối với vụ án chính trị ở cấp sơ thẩm tôi ưu tiên tính khách quan, tính pháp lý. Cấp phúc thẩm tôi ưu tiên sự thực dụng và quan tâm đến thực tế xét xử không mong muốn thân chủ mình là người “ vác thánh giá” vì chính trị hay công lý. Sự hy sinh của con người là có hạn” (FB Hà Huy Sơn ngày 8/3/2021).

Tức là, theo LS Sơn thì để thân chủ bớt đi sự “hy sinh” tức được tòa giảm hình phạt (dù đúng hay sai) thì bị cáo nên “nhận tội” dù có tội hay không. Vì thế LS đã khuyên bà Bùi Thị Nối không kháng cáo kêu oan mà xin giảm nhẹ hình phạt, tức “thực dụng” nhận tội để “bớt sự hy sinh”.

Tôi không đồng tình ý kiến này của LS Sơn, bởi:

Mục đích cao cả nhất của bị cáo và LS là bảo đảm sự thật.

Nếu LS thấy bị cáo thực sự có tội nhưng chối tội thì LS khuyên bị cáo thành khẩn nhận tội để hưởng lượng khoan hồng là đúng. Thế nhưng nếu bị cáo không, hoặc chưa biết có tội hay không mà khuyên nhận tội để “bớt hy sinh” là sai lầm, đánh giá sự khổ ải, tính mạng con người cao hơn phẩm giá của họ, lợi ích xã hội. Đây là điều mà nhà cầm quyền luôn luôn muốn trong các vụ án chính trị.

Trong những vụ án  chính trị chỉ cần bị cáo nhận tội hoặc “xin giảm hình phạt” thì rất có thể được giảm thời gian ngồi tù đến tối thiểu. Bởi vì nhà cầm quyền chỉ cần dư luận trong và ngoài nước hiểu là những người kia  phạm tội, xử như thế là đúng, từ nay không ai dám làm như thế nữa, quốc tế cũng không thể phàn nàn…

Thế nhưng trong các vụ án chính trị không ai “nhận tội” vì họ đặt danh dự phẩm giá của mình, lợi ích xã hội lên trên sự khổ ải, thậm chí cả tính mạng. Đó là sự cao cả, lý trí của cái gọi là con người, đặt phẩm giá của mình, lợi ích xã hội lên trên hết.

Ngoài không thể nhận cái mà mình không có để đổi lấy sự an toàn bản thân “hy sinh có giới hạn” những vụ án như kiểu Đồng Tâm theo tôi là khó có sự “khoan hồng” nào dù anh có nhận tội bừa. Thậm chí nhiều vụ án bình thường nhưng của dân thường dù nhận tội mười mươi, bị cáo còn nhiệt tình tham gia thực nghiệm như vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…mà vẫn bị tù chung thân, tử hình kia mà. ( Nguyễn Thanh Chấn được giảm án do là con liệt sỹ chứ không phải là việc “nhận tội”).

Giả thử không có những sự tình cờ minh oan thì Huỳnh Văn Nén đã bị tử hình, Nguyễn Thanh Chấn nay vẫn trong tù dù có “nhận tội” bừa. Vụ Đồng Tâm xử sơ thẩm, các bị cáo cũng đều “nhận tội” nhưng sao vẫn hai án tử hình, một án chung thân…

Hãy thử tưởng tượng xem, một người có nhân cách, lương tri sẽ sống như thế nào nếu cứ đeo đẳng nỗi oan khuất nhục nhã suốt cả đời do chính mình vơ lấy?

Theo tôi, thà chết oan còn hơn sống nhục kiểu đó.

Nhận tội bừa trong những vụ án kiểu Đồng Tâm chỉ có lợi cho phía xử bừa.

 Vì vậy với những lý do này, tôi không đồng tình với quan điểm của LS Hà Huy Sơn. 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)