Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật về phỉ báng?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Quốc hội Việt Nam nên xây dựng luật về phỉ báng, trong đó có các nội dung cấm phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Cá nhân người viết cho rằng nếu có Luật về phỉ báng, sẽ giúp cách hiểu về tự do báo chí, tự do ngôn luận không còn phải chịu sự điều chỉnh đầy ám ảnh của ác mộng ở điều luật 117, 331 Bộ Luật hình sự, mà mới đây nội dung “Đệ trình đáp ứng Nghị quyết 74/157 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về “Sự an toàn của các nhà báo Việt Nam và vấn đề trừng phạt” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 30-4-2021, đã đề cập đến.

Trong tham luận có tên “Chống phát ngôn thù ghét, phỉ báng trên Internet ở Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và những giá trị tham khảo cho Việt Nam” của nhóm tác giả Vũ Công Giao – Nguyễn Đình Đức, thì “Ranh giới nào cho tự do ngôn luận? Chỉ khi giải quyết được câu hỏi này thì mới có thể có những biện pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn sử dụng phát ngôn thù ghét, phỉ báng có tính chất kích động tràn lan trên Internet”.

Tham luận viết rằng theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tự do ngôn luận là một quyền con người cơ bản, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống các quyền con người, song không phải là một quyền tuyệt đối.

Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (UDHR) 1948 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới”.

Quy định trên không nêu ra những hạn chế của quyền tự do biểu đạt.

Mặc dù vậy, cũng giống như các quyền khác, tự do biểu đạt cần được xem xét dưới góc độ của Điều 29 UDHR, trong đó nêu rằng: “1. Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ;

2. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ;

3. Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hiệp quốc”.

Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR) tái khẳng định quyền tự do biểu đạt tại Điều 19, nhưng đồng thời nêu rõ, việc thực hiện quyền này đòi hỏi phải kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và đề cập đến những hạn chế và giới hạn của quyền này ngay trong nội dung của điều luật, cụ thể như sau: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp;

2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ;

3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Những hạn chế nêu ở Khoản 3 Điều 19 ICCPR trên thực tế là những hạn chế mang tính tổng quát cho nhiều quyền, tự do khác.

Do tính chất đặc biệt của quyền tự do ngôn luận, ngoài những hạn chế nêu ở Khoản 3 Điều 19, Điều 20 ICCPR bổ sung những hạn chế khác gắn với quyền này khi nêu rõ: “1. Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm; 2. Mọi chủ trương gây thù ghét dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm”.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, phát ngôn thù ghét, phỉ báng đều là những hành động vượt quá khuôn khổ hợp pháp, chính đáng của tự do ngôn luận theo pháp luật quốc tế. Những phát ngôn như vậy có thể bị cấm và việc cấm những phát ngôn đó sẽ không bị xem là vi phạm quyền tự do biểu đạt theo luật nhân quyền quốc tế.

Cho đến nay, việc hình sự hóa tội “phỉ báng” tại các quốc gia trên thế giới dường như tập trung vào các nhà báo, nhà hoạt động xã hội tham gia phản biện và chỉ trích chính quyền.

Ngoài ra, việc áp dụng luật hình sự dường như không phù hợp với nguyên tắc tỷ lệ (proportionality) về việc hạn chế hợp lý các quyền con người. Đối với người dân, các vụ kiện dân sự về phỉ báng phát huy hiệu quả tốt hơn.

Như vậy, cần thiết Việt Nam nếu không xây dựng một luật riêng về hành vi phỉ báng, thì cần có tiêu chuẩn rộng hơn về phỉ báng, bôi nhọ đối với “người của công chúng” hay “quan chức Đảng” so với giữa người dân thường, để tạo điều kiện cho công chúng tranh luận về các vấn đề lợi ích công, đạo đức, trật tự công liên quan mà không phải e ngại về việc bị kết tội.

Đồng thời cũng cần có khái niệm cụ thể để phân biệt hành vi được xem là phỉ báng, bôi nhọ đối với “người của công chúng” hay “quan chức Đảng”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Luật dân sự ở Việt Nam nhìn từ vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm “nhà báo cách mạng” có dễ không?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 4)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo