VNTB – Lũng đoạn thị trường bất động sản: trách nhiệm thuộc về ai?

VNTB – Lũng đoạn thị trường bất động sản: trách nhiệm thuộc về ai?

 

Thới Bình

 

(VNTB) – Suy cho cùng vẫn là cán bộ mà ra đấy

 

Nếu như nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý được ủy quyền của nhân dân để thực hiện quyền chủ sở hữu về đất đai, thì khi xảy ra lũng đoạn thị trường, nhất thiết phải xử trí cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Chính trị.

Về nguyên lý, quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân mà nhà nước làm đại diện. Nhưng nhà nước là ai? Là tổ chức hay cá nhân thì hiện nay đang có lạm dụng. Người ta nhân danh tập thể để làm những chiêu trò. Đặc biệt là cá nhân trá hình tập thể.

Ví dụ doanh nghiệp “đi đêm” với người đứng đầu – trong khi đó người đứng đầu chi phối tập thể, để rồi cuối cùng bỏ phiếu thông qua việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, rồi thay đổi quy hoạch.

“Suy cho cùng vẫn là cán bộ mà ra. Đấy là điều quan trọng nhất. Cho dù hoàn thiện cơ chế, chính sách đến mấy nhưng trao công cụ pháp luật vào tay những kẻ bất tài, thất đức thì chỉ có phá hoại hình ảnh Đảng, Nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân mà thôi. Cho nên vấn đề cốt tử và căn bản nhất hiện nay vẫn là cán bộ. Cùng với đó cần phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các sai phạm mới đủ sức răn đe”.

Với ý kiến trên cho thấy nếu thực sự tôn trọng điều 4 của Hiến pháp thì trách nhiệm cuối cùng ở đây là Bộ Chính trị với cụ thể là Tổng bí thư Đảng.

Một số ý kiến khác cho rằng trong bối cảnh các thủ tục pháp lý cho một dự án bất động sản còn khá phức tạp cũng như mặt bằng giá đất đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp khi đã được dự án sẽ có khuynh hướng phát triển các phân khúc trung cao cấp, đem lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn là các dự án nhà ở thương mại có mức giá bình dân.

Một lưu ý khác về các dự án nhà ở giá cả bình dân, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam, nếu giá đất tiếp tục lên cao trong khi những vướng mắc về cơ chế, chính sách khiến một dự án phải làm thủ tục mất 2 – 3 năm, thì nếu để tự nguyện sẽ không có doanh nghiệp nào lựa chọn làm nhà giá rẻ đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân.

Đơn cử như tại TP.HCM, theo số liệu thống kê gần đây của Sở Xây dựng, năm 2020, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường giảm 34% so với năm 2019, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm đến 98,7%.

Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, thị trường bất động sản trên địa bàn cơ cấu sản phẩm đang rất mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bản an sinh xã hội. Bởi lẽ, nếu theo nhu cầu thực tế thì tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1% (giảm 98,7%), chiếm tỷ lệ thấp nhất.

Ngược lại, phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9% (tăng 66,2%), phân khúc căn hộ cao cấp tăng từ 25,2% lên 42,1% (tăng 16%). Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ rõ sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.

Về mặt pháp luật chuyên ngành, đồng ý rằng Luật Đấu giá 2016 có quy định “phải nộp tiền đặt trước” với mức “tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá”, nhưng lại không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm “tiền đặt trước”, hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung “tiền đặt trước”, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư “trả giá” tài sản đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với “giá khởi điểm của tài sản đấu giá”, để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư và đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá.

Do thiếu các quy định pháp luật về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là điều kiện chứng minh nhà đầu tư “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư khác”, và điều kiện chứng minh “có năng lực tài chính” của nhà đầu tư, nên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã ban hành “Quy chế cuộc đấu giá tài sản” yêu cầu nhà đầu tư “phải thực hiện cam kết bằng văn bản” và các cam kết để chứng minh năng lực tài chính, nhưng thực ra thì nó mang tính hình thức và lỏng lẻo của hình thức về thủ tục hành chính.

Trở lại về câu chuyện trách nhiệm cuối cùng ở đây là Bộ Chính trị.

Ngày 10-1-2022, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh có tâm thư gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất ở nơi này.

Trong tâm thư, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng nêu lý do “nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng” nên xin bỏ tiền cọc (588,4 tỷ đồng).

Vì sao tâm thư này là gửi đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải chăng điều đó đến từ Điều 4.2 Hiến pháp, rằng Đảng “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (?!).

Không rõ Tổng bí thư hồi đáp tâm thư đó của ông Đỗ Anh Dũng ra sao?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)