VNTB – Luồng Quan Chánh Bố kém hiệu quả là điều đã được cảnh báo trước

VNTB – Luồng Quan Chánh Bố kém hiệu quả là điều đã được cảnh báo trước

Định Tường

(VNTB) – Kênh Quan Chánh Bố nhằm giúp tàu lớn vào được các cảng ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng hiện đa số hàng hóa từ khu vực này phải vận chuyển bằng sà lan

 

Dự án nạo vét hơn 30 km luồng Định An cho tàu 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng trên sông Hậu có vốn đầu tư 500 tỷ đồng được thành phố Cần Thơ kêu gọi đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù được nạo vét nhiều lần nhưng luồng Định An bị tắc là do nạo vét chưa triệt để, làm cầm chừng. Trong thời gian từ năm 1975 đến 2008, các cơ quan chức năng đã nạo vét 13 lần nhưng với kinh phí quá thấp, cao nhất 14 tỷ đồng (năm 2004) và thấp nhất 2 tỷ đồng, nên luồng Định An vẫn chưa “vượt cạn”. Từ năm 2009 – 2012, Chính phủ đã đầu tư 87 tỷ đồng để nạo vét luồng Định An nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn và tốn kém kinh phí…

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ, cho hay luồng Định An dài 234 km nhưng có khoảng 34 km là điểm tắc nghẽn. Mớn nước không đủ sâu để tàu 10.000 tấn vận tải và 20.000 tấn đi vào.

Luồng Quan Chánh Bố đưa vào khai thác từ năm 2017 nhưng không lâu sau cũng bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu không vào được. Hiện Bộ Giao thông vận tải cũng đã đầu tư vào giai đoạn 2. Tuy nhiên, luồng Quan Chánh Bố rất hẹp, chỉ đi được một chiều, thời gian chờ để qua rất lâu, lượng container chờ giải phóng sẽ rất lớn. Do vậy, khi chính sách nạo vét luồng Định An thực hiện thì sẽ có hai luồng song song nhau, giải phóng container nhanh, thu hút nhiều tàu hàng.

Ông Dũng cho biết thời gian qua, các đơn vị cảng không đầu tư thiết bị là do không có tàu vào được. Lúc luồng Quan Chánh Bố khai thác thì Tân Cảng cũng tổ chức tàu đi nước ngoài nhưng không bao lâu luồng lại bị tắc. “Việc thực hiện song song hai luồng trên cũng là một cơ hội vàng để phát triển các cụm cảng” – ông Dũng đánh giá.

Dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu do Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư trên 9.700 tỷ đồng, xây dựng trên địa bàn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Trong giai đoạn 1, dự án đã được cấp khoảng 6.100 tỷ đồng để cải tạo, nạo vét 46,5 km luồng, bao gồm hơn 12 km sông Hậu, hơn 19 km kênh Quan Chánh Bố, đào mới thông ra biển hơn 8 km kênh Tắt và đoạn kênh biển dài 7 km.

Công trình được thông luồng năm 2016, cho phép tàu biển tải trọng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào 13 cảng trên sông Hậu. Tuy nhiên thực tế, tàu lớn rất khó chạy vào luồng tàu mới này. Đa phần hàng hóa ở miền Tây xuất nhập khẩu vẫn qua các cảng ở Đông Nam Bộ.

Chủ một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lớn ở Cần Thơ cho biết, mỗi tháng đơn vị xuất gần 300 container 40 feet nhưng đều qua cảng Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa Vũng Tàu. “Đây là điều không mong muốn vì chi phí tăng 7-10 USD mỗi tấn hàng”, ông nói.

Theo Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu gạo hàng đầu ở miền Tây, các cảng ở Cần Thơ hiện chủ yếu đóng vai trò trung chuyển, phù hợp cho tàu vài nghìn tấn.

Kênh Quan Chánh Bố nằm trong dự án luồng hàng hải được Chính phủ thời Nguyễn Tấn Dũng quan tâm đầu tư hơn 10 năm trước (khởi công năm 2009) nhằm giúp tàu lớn vào được các cảng ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng hiện đa số hàng hóa từ khu vực này phải vận chuyển bằng sà lan.

“Thi công kênh Quan Chánh Bố để giải quyết luồng Định An bị bồi lấp nhưng thực tế qua khảo sát, kênh mới này đang bồi lấp rất nhiều, và điều này cũng từng được rất nhiều nhà khoa học phản biện lúc Chính phủ có quyết định nạo vét 46,5 km luồng, bao gồm hơn 12 km sông Hậu, hơn 19 km kênh Quan Chánh Bố, đào mới thông ra biển hơn 8 km kênh Tắt và đoạn kênh biển dài 7 km.

Từng có những ý kiến quyết liệt hơn, như tuyến luồng Quan Chánh Bố có khả năng bồi lắng nhanh hơn tuyến cửa Định An, vì tuyến này dài hơn tuyến cửa Định An, điểm đầu tuyến cùng xuất phát từ ven biển, điểm cuối tuyến gặp nhau tại sông Hậu.

Vậy tại sao lại làm tuyến Quan Chánh Bố?” – một nhà báo theo dõi mảng kinh tế biển, kể như vậy, và cho biết thêm, trong quá trình khai thác sử dụng có xảy ra hiện tượng sạt lở bờ kênh Quan Chánh Bố. Thế nhưng phía cơ quan quản lý nói do chưa được bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống kè bảo vệ.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)