VNTB – Mắc-ca: tỉ đô cho doanh nghiệp, tổ chức triển khai dự án trồng?

(VNTB) – Mắc-ca, cây gây sốt trên báo giới trong nước thời gian qua bởi giá trị kinh tế (tỷ đô) mà nó mang lại cho người trồng, thậm chí còn mang yếu tố chiến lược trong thoát nghèo như sự kỳ vọng của nhiều chuyên gia, quan chức các ban ngành nông nghiệp.

Mắc-ca là cây đầu cơ lợi nhuận của doanh nghiệp?

Vào tháng 12/2014, tại một hội thảo ở huyện Tuy Đức (Đắc Nông), cây mắcca một lần nữa được các chuyên gia đầu ngành và nhiều nông hộ khẳng định là cây siêu lợi nhuận. Bản thân cây mắc-ca cũng mang lại những thành công bước đầu về việc trồng và thu hoạch cây Mắc-ca của người dân Phú Lộc (Krong Năng, DakLak), Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông…

Tuy nhiên, nó thực sự có phải là cây tỷ đô hay không là một vấn đề cần phải bàn lại. Khi mà bài toán về “cung-cầu” đã không loại trừ cây tỷ đô.

Chu kỳ của Mắc-ca. Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Úc​

Việc các vùng tại Tây Nguyên đang trồng và thu hoạch được cây mắc-ca nhưng cùng thời điểm đó, nhiều nơi trên thế giới cũng đẩy mạnh phát triển diện tích loại cây này. Yếu tố “hiếm, quý” của cây mắc-ca do kén về đất, khí hậu và sự thích hợp của vùng đất Tây Nguyên sẽ nhanh chóng bị bão hòa.

Lợi nhuận nảy sinh của mắc-ca tính tới thời điểm này của các hộ dân trên Tây Nguyên cũng cần đặt nó vào trong hiện trạng, mắc-ca chỉ có 2.000 ha, trên tổng diện tích khoảng 750.000 ha đất trồng cây công nghiệp của khu vực này.

Vậy việc xúc tiến đẩy mạnh trồng Mắc-ca nhằm biến Việt Nam thành thủ phủ của loại cây này trên thế dưới có thực tế về mặt kinh tế? Ở một mức độ khác, nhiều lo ngại cho thấy, việc hô hào trồng cây mắc-ca và gieo ý niệm về loại cây tỷ đô khiến cho Việt Nam rơi vào bẫy chu kỳ nông sản thông qua bong bóng mắc-ca.

Điều này là nguy cơ, khi mà người nông dân Việt Nam không ít lần đón nhận cơn sốt  và trả giá bởi café, hồ tiêu, mía đường, ca cao, ba sa… Nó thu hút nhiều nguồn lực về tài nguyên, công lực, tiền bạc xã hội (nguồn tín dụng) trong thời điểm cao trào (tạo bong bóng về giá cả, về cung cầu), và đến khi nó qua đi để lại không ít những hệ quả…

Trong một bài viết về Mắc-ca trên diễn đàn vfpress, cho biết: “Mắc ca đã trải qua tới 3 chu kỳ và mỗi lần tăng giảm cũng khốc liệt không kém bất kỳ loại nông sản nào. Giá có thể nhanh chóng giảm 50-60% sau khi đạt đỉnh. Lần này, nếu có sự tham gia quyết liệt của Việt Nam với tham vọng tăng gấp 2-3 lần diện tích và sản lượng Mắc ca toàn thế giới, chu kỳ giá giảm tới đây của loại hạt này hứa hẹn sẽ kéo rất dài và khốc liệt chưa từng có.”

Ông Lê Tùng Anh – Giám đốc dự án Mắc ca của Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT International JSC, gọi tắt là IDT)

GS Lê Đình Khả – Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam trong trích dẫn của báo Đất Việt cho biết: “Trong quan hệ cung cầu cũng chỉ đến mức nào đó. Thị trường chỉ có như vậy nên phải tính, tránh hiện tượng như cây cao su và một số cây công nghiệp khác.”

Nhưng tại sao Mắc-ca lại sốt vào thời gian gần đây và được một số tổ chức đứng ra cổ vũ, tuyên truyền về giá trị tỷ đô của nó?

Một số ý kiến cho biết, hai tổ chức đang tìm mọi cách thúc đẩy việc triển khai đại trà trồng mắc-ca là IDT và Vinamaca đều không thực sự muốn tạo ra một một mắc-ca tỷ đô cho người nông dân Việt, mà họ muốn vẽ lên lợi nhuận để tìm kiếm tiền của nhà đầu tư (IDT – Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế) hay bán cây giống và chuyên giao kỹ thuật canh tác (Công ty cổ phần Vinamaca), còn các ban ngành khác thì hướng đến tiền hỗ trợ 15.000.000/ha của nhà nước. Cụ thể, nếu mở rộng diện tích lên 200.000 ha thì bên Liên Việt (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là đơn vị cùng Tập đoàn Him Lam triển khai trồng 200.000 ha mắc ca tại Tây Nguyên) sẽ nghiễm nhiên hưởng 3.000 tỷ đồng.

LienVietPostBank cũng tham gia phát triển mắc ca tại Việt Nam

Chính yếu tố lợi nhuận thu hồi được từ việc bán giống và hỗ trợ nhà nước mà gần đây, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Him Lam,

Phó Ban Chỉ đạo dự án mắc-ca Lâm Đồng Dương Công Minh đã tìm cách khuyến khích người dân trồng cây mắc-ca, thậm chí, dự án của tập đoàn sẽ bảo hiểm 100% để trồng, riêng đối với Lâm Đồng, ông đưa ra đề xuất 200.000 ha.

Ngày 6/4, Bộ NN&PTNT trong báo cáo gửi lênThủ tướng Chính phủ, đã khẳng định chưa đủ căn cứ để phê duyệt quy hoạch phát triển.

Một số địa phương như Lâm Đồng cũng tỏ ra thận trọng, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo dự án phát triển cây mắc ca tại Lâm Đồng theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên về việc phát triển cây mắc ca (8/4), diện tích mắc ca ở Lâm Đồng trong chỉ được duyệt ở mức khoảng 22.000 ha, thay vì 200.000 ha như đề xuất của Tập đoàn Him Lam.

Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, người tham gia trực tiếp nghiên cứu về cây mắc ca, cho biết: “Nhiều người dân tiếp cận thông tin chủ yếu là đọc trên báo đài, còn thông tin về khoa học kỹ thuật cho cây này còn rất ít. Đó là về góc độ khuyến nông.

Như vậy, vấn đề còn lại chính là việc truyền thông làm sao cho người dân không còn bị thu hút bởi những con số siêu lợi nhuận, mà phải trở về với thực tế khắc nghiệt mà bản thân cây Mắc-ca mang lại thông rủi ro về mặt cung cầu thị trường.

Theo kế hoạch tổng diện tích mắc ca cả nước đến năm 2020 là khoảng 10 nghìn ha, bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen.


Bài liên quan: Chưa đủ căn cứ khoa học, thị trường chưa rõ ràng- đó là những gì, mà nhà quản lý và giới chuyên gia chia sẻ với DĐDN xung quanh vấn đề trồng cây mắc ca tại VN thời gian gần đây.

Ngày 6/4, Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng về vấn đề phát triển cây mắc ca ở VN. Theo đó, tổng diện tích trồng cây mắc ca cả nước đến năm 2020 chỉ khoảng 10.000 ha (cả trồng tập trung và trồng xen). Bộ NN&PTNT cho rằng, mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm còn cho kết quả khác nhau. Mặt khác, cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường.

Chưa đủ căn cứ khoa học

Theo Thứ trưởng Bộ NN- PTNT, ông Hà Công Tuấn, Bộ chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca. Hiện quỹ đất trồng cây nông nghiệp ở Tây Nguyên đã kín với các loại cây khẳng định sự phù hợp và lợi thế như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su… Để thực hiện mục tiêu này, bắt buộc phải thay thế diện tích các cây trồng hiện có như cao su hoặc cà phê. Đó là điều đáng lo ngại bởi mắc ca là một cây trồng còn rất mới ở nước ta, cần phải trải qua quá trình khảo nghiệm giống để đánh giá tính phù hợp của các giống cây trồng này cũng như điều kiện về dinh dưỡng và chăm sóc tiếp theo chứ không phải muốn trồng là trồng ngay.

Trong khi đó, trồng cây mắc ca đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp, phải hiểu rõ giống nào được trồng chung với giống nào, giống nào trồng dày, giống nào trồng thưa chứ không có chuyện mua đại, trồng đại theo cảm tính như cây khác được. Bởi mắc ca là loại cây thụ phấn chéo, phải nhờ giống khác mới thụ phấn được nên phải trồng 3-4 giống trong một vườn. Cũng không thể cứ mua đại 3-4 giống khác nhau về trồng là được vì giống A chỉ thụ phấn với giống C chứ không thụ phấn với giống B. Không chỉ khó trồng, đây cũng không phải là giống “cây tỉ phú”, giúp nông dân làm giàu như nhiều người đồn đại. Giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới hiện chỉ 3,5 USD/kg (tương đương 70.000 đồng/kg).

Trong khi đó, giá hạt mắc ca tại VN lên tới 300.000 đồng/kg, gấp bốn lần so với giá thực.

Đây là giá ảo, khiến nông dân lầm tưởng trồng mắc ca sẽ thu siêu lợi nhuận. Diện tích cây mắc ca của VN còn rất ít, chưa xuất khẩu và cũng không thể xuất khẩu được với giá như thế – Thứ trưởng Tuấn chia sẻ.

Còn theo quan điểm của TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngay cả những cây trồng đã được quy hoạch trên đất Tây Nguyên chúng ta còn phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp, trong khi đó cây mắc ca chưa được quy hoạch. Điều chỉnh này dựa trên rất nhiều cân bằng động, đầu tiên là yếu tố về thị trường và nhiều yếu tố khác như nước và rừng. “Thực tế Tây Nguyên trồng được rất nhiều cây, không chỉ riêng mắc ca. Vấn đề không còn là cây gì ở mảnh đất quá tốt này, mà công nghệ ra sao để nâng cao giá trị trên một diện tích đất. Theo tôi, cây mắc ca còn quá mới, nên thận trọng về thị trường và công nghệ để có hiệu quả phù hợp với lợi thế của Tây nguyên” – ông Sơn nhấn mạnh.

Chưa chứng minh được đầu ra rõ ràng

Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết: mắc ca trồng nhiều ở Úc, Mỹ, Nam Phi, Kenya và một số nước khác, với tổng diện tích khoảng 80.000 ha, sản lượng 140 nghìn tấn quả/năm. Tại Úc – nơi khởi nguồn mắc ca, giá quả khô từ năm 1987 đến 2014 dao động trồng khoảng 1,5-4 đô la Úc/kg (tương đương 25.000-70.000 đồng/kg). Gần đây, giá mắc ca có xu hướng tăng lên do nhu cầu thế giới tăng (chủ yếu ở Châu Á).

Tại VN, hiện mới một vài Cty, cơ sở chế biến hạt mắc ca, nhưng quy mô nhỏ, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca tại nước ta chưa phát triển, bình quân 130.000-150.000 đồng/kg hạt tươi. Hạt mắc ca tươi được thu mua chủ yếu để tạo cây con, làm gốc ghép nhân giống.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 1994, cây mắc ca được trồng thử nghiệm đầu tiên tại Trại thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), 5 năm sau, một số cây đã bắt đầu cho quả. Sau đó, Bộ tiếp tục cho khảo nghiệm ở nhiều địa phương (16 tỉnh), xây dựng được 20 mô hình khảo nghiệm giống với diện tích 35 ha, trong đó 30 ha đã ra hoa kết quả. Đến nay, Bộ đã công nhận 10 giống mắc ca và tổng diện tích cây mắc ca cả nước khoảng 2.440 ha.

Trước đó, tại buổi họp tham vấn các nhà quản lý, khoa học ở VN về trồng cây mắc ca, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, dù có số liệu nói diện tích mắc ca thế giới tăng, nhưng thông tin dự báo tin cậy về nhu cầu chưa rõ ràng. Do vậy, việc cây mắc ca ở VN, cần làm rõ có cạnh tranh được với các nước hay không… Mắc ca là cây bản địa của Úc, cũng đã có câu hỏi tại sao Úc không mở rộng ồ ạt? Mắc ca là cây á nhiệt đới; vùng khí hậu á nhiệt đới trên thế giới là rất nhiều chứ không chỉ riêng VN. Bộ trưởng Phát khẳng định, để đưa giống mới ra thị trường phải có cơ sở khoa học và thực tiễn. Việc khảo nghiệm sản phẩm, cây trồng mới là trách nhiệm của Nhà nước, với sự hỗ trợ từ DN, không đẩy rủi ro cho người dân.

Theo Mai Thanh/ Diễn đàn doanh nghiệp

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)