VNTB – Mặt mũi cái gói cứu trợ nó ra làm sao, ai biết?

VNTB – Mặt mũi cái gói cứu trợ nó ra làm sao, ai biết?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’.

 

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam luôn lạc quan với niềm tin được chính ông nhiều lần tự sướng trong các diễn văn: Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam. Đó là chứng cứ thứ nhất mà năm nay hơn năm ngoái về kinh tế – xã hội, cho thấy ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên…

Nhà báo Vũ Kim Hạnh cho rằng giờ đây vì mặt trời cứ mãi tỏa sáng nên xem ra giờ doanh nghiệp đã mòn hơi, bỏ xác dọc đường không ít... Bà kể: Đầu tháng 3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp gấp về cứu trợ doanh nghiệp. Đọc các bài tường thuật, xem báo chí buông từng chữ lên mặt giấy, uể oải, rời rạc, mà phát rầu. Đây:

Bộ đang “tiến hành nghiên cứu” trình Chính phủ “ban hành gói hỗ trợ lần hai” để giúp doanh nghiệp trụ vững, hồi sức. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã “đề xuất” Chính phủ “cho phép” “nghiên cứu” để “xây dựng” gói hỗ trợ lần thứ hai.

Từ “đề xuất để chính phủ cho phép nghiên cứu” là một chặng chờ, được phép rồi thì tổ chức nghiên cứu (bao lâu, công trình nghiên cứu này, có phải xin ngân sách để nghiên cứu (vì đột xuất), xin trong bao lâu, có ngân sách rồi nghiên với cứu, chừng nào xong) thì bắt đầu tổng hợp lại thành gói hỗ trợ.

Xong lại trình xin chính phủ duyệt. Thêm bớt trong quá trình duyệt (sẽ tham khảo ý kiến các Bộ?) sẽ kéo dài bao lâu, rồi tới ban hành thực thi. Các Bộ đẩy qua đẩy lại về trách nhiệm triển khai, xây dựng kế hoạch bố trí tiền để cứu trợ, rồi các Ủy ban tỉnh, thành phố họp triển khai, các sở ngành và quận – huyện quán triệt và thông tin cho doanh nghiệp. Rồi doanh nghiệp nộp kiến nghị xin cứu trợ và chờ duyệt tiếp…

Cuộc chạy marathon cho đến kết quả là doanh nghiệp được nộp kiến nghị thì xem ra đã mòn hơi, bỏ xác dọc đường không ít…

Tại cuộc họp, doanh nghiệp than với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là không có, hay là có quá ít đơn hàng. Đây là vấn đề lớn nhất, khó tháo gỡ nhất.

Và kế đó là những đề nghị nghe rất “xa xưa, quen thuộc”: doanh nghiệp cần ngân hàng giãn và kéo dài thời gian cho các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp cầm hơi. Cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các cơ quan khác tha cho, hoặc cho chậm nộp các khoản thu khác, bảo hiểm, phí công đoàn…

Tại TP.HCM, năm 2020, thành phố có 4 chỉ tiêu không đạt trong đó, cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng 1,39% trong khi chỉ tiêu là 8,3-8,5%; thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 86,74% dự toán; tỷ lệ thất nghiệp đô thị lên tới 4% dân số, trong khi chỉ tiêu là dưới 3,7%.

Dưới tác động của dịch bệnh, đã có 32.374 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giải thể, ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm 152.831 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 28.458 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2020, theo điều tra diện rộng của Tổng cục Thống kê, chỉ có chưa tới 18% doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ. Và dù có gói nọ gói kia rồi thì quan trọng nhất là cấp cứu cho nhanh, đúng đối tượng và minh bạch.

Một trong những nhận xét của cơ quan thống kê là: Sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức “kém lạc quan nhất”.

“Vậy đó, giờ này vẫn còn cái trò “đánh đu” với chữ nghĩa, mệt quá: Mức kém lạc quan? Thê thảm thì định nghĩa là “kém lạc quan”? Con số sau đây có “kém lạc quan” không: Ông chủ một công ty to đùng nói với tôi, cách đây mấy hôm, “90% bạn bè tôi trong giới chủ doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng để ra đi, đi đi về về hay đi hẳn, tùy tình hình, nhưng vợ con thì đã yên vị với nhà cửa, xe cộ, cơ ngơi, thẻ xanh, thẻ đỏ ở ngoài rồi”.

Không chờ tôi phản ứng, ông nhấn mạnh thêm, “đi Mỹ còn khó một chút, chứ Canada với Úc là “êm hơn” đó chị. Mấy ổng cứ rề rà tính chuyện gì đâu, quay lại, doanh nghiệp phá sản hết, hay bán hết thì ai đóng thuế và nộp ngân sách?” – bà Vũ Kim Hạnh, kể.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu mách nước: “Kinh tế chúng ta đang phát triển trên ti vi. Còn thực tế hãy nhìn thực trạng bữa ăn của chính bạn!


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)