Việt Nam Thời Báo

VNTB- Mất TPP: Triển vọng phát triển còn tốt lắm?

Vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” diễn ra tại Bắc Ninh vào tháng 11/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra một nhận định và dự báo gây tranh cãi: “Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển đi lên nữa“.

Phát ngôn trên toát lộ sau sự kiện bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và ngay sau đó tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ gạt TPP ngay ngày làm việc đầu tiên của ông, còn Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào cho TPP trong năm 2016 này.

Nhiều quốc gia thất vọng, mà đặc biệt là Việt Nam – nước đã bỏ công sức chạy theo đàm phán TPP từ năm 2010 cho đến nay. Thậm chí vào năm trước, Tổng bí thư Trọng còn muốn TPP đến mức ông chấp nhận cam kết với Hoa Kỳ rằng, Việt Nam sẽ từng bước công nhận định chế công đoàn độc lập – điều mà giới lãnh đạo và công an CSVN vẫn luôn nêu cao cảnh giác từ trước đến nay.

Một khi hy vọng TPP đột ngột lụi tàn, bắt đầu xuất hiện những lý lẽ tự an ủi theo cách muôn thuở của giới lãnh đạo CSVN, và được hệ thống tuyên truyền một chiều loan tải: TPP mà không có Việt Nam sẽ không có ý nghĩa gì, Việt Nam sẽ tự phát triển bằng nội lực của mình, Việt Nam vẫn còn đến 17 hiệp định thương mại song phương (FTA) với các nước…

Và gần đây nhất là “Triển vọng phát triển còn tốt lắm” của Tổng bí thư Trọng.

Có thể cảm nhận một nỗi thất vọng siêu hình và sâu xa của ông Trọng cùng giới quan chức dưới trướng ông trước sự việc TPP gần như tan vỡ.

Theo tính toán của một số bộ ngành kinh tế Việt Nam như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nếu vào dược TPP thì GDP của Việt Nam sẽ tăng đến 25% cho đến năm 2030. Như vậy nếu quả thực không có TPP thì nền kinh tế Việt Nam sẽ mất đúng con số 25% GDP ấy, tương đương khoảng 50 tỷ USD tính theo giá trị GDP năm 2015.

Và người ta cũng không hiểu niềm lạc quan của ông Trọng dựa trên cơ sở nào về điều mà ông gọi là “hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới”, khi hầu hết các hiệp định thương mại này còn khá lâu mới phát huy tác dụng. Còn ngay trước mắt, “thế hệ mới” sau đại hội 12 đang phải đối mặt với ít nhất 25 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, ít nhất 98% GDP của nợ công. Cùng một nền ngân sách đã eo hẹp đến mức mà trong năm 2016 này, ngay cả công an cũng trở nên lười biếng để “canh theo” giới bất đồng chính kiến như vẫn thường phô diễn vào những năm trước.

Trong khi đó, “thời điểm Minsky” – hạn thanh toán các món nợ đáo hạn – đối với Việt Nam đã bùng nổ từ năm 2014. Chỉ riêng năm 2015, Việt Nam phải trả nợ nước ngoài 20 tỷ USD, còn năm 2016 là ít nhất 12 tỷ USD. Năm 2017 cũng vào khoảng 16-17 tỷ USD, và những năm sau đều thế…

Hoàn toàn không có nguồn lực mới, không hiểu Việt Nam sẽ lấy đâu ra “triển vọng phát triển còn tốt lắm”?

Lê Dung

(SBTN)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo