VNTB – Một đồng bằng sông đang chết khát

VNTB – Một đồng bằng sông đang chết khát

Diễm My

 

(VNTB) – Nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở Việt Nam hiện đang bị hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua.

Theo các chuyên gia, lý do chính là các hoạt động phát triển ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước của sông Mê Kông, bao gồm cả việc vận hành và xây dựng các đập lớn dọc theo sông cũng như chuyển nước cho mục đích nông nghiệp.

Cho đến nay, sau nhiều tháng vật lộn trong đợt hạn hán kỷ lục, hàng triệu nông dân ở ĐBSCL đã phải chịu cảnh kiệt sức, do thiệt hại đáng kể về mùa màng, hoa quả và nuôi trồng thủy sản.

 

Lúa chết khô

Vào lúc 4 giờ chiều, mặt trời mùa hè thiêu đốt ánh nắng còn sót lại. Cánh đồng lúa ở thị trấn Long Phú (Long Phú, Sóc Trăng) chỉ còn là những mảnh đất cằn cỗi. Đây là minh họa rõ ràng nhất từ tác động của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua. Xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng, nhiều diện tích bị thiệt hại khiến nông dân mất trắng.

Ông H, một lão nông ở ở khu vực Long Phú đành phải chịu mất trắng số lúa của mình, trên cánh đồng ráo hạn.

Trồng lúa lâu năm, nhưng chưa bao giờ ông lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế này. Năm ngoái, gia đình ông trúng được lúa vụ ba, nhưng trong vụ mùa này, ông hoàn toàn không thu hoạch được gì, do hạn hán và xâm nhập mặn.

Điều khiến cho những người nông dân miền ĐBSCL canh cánh nỗi lo là tiền chi cho phân bón, cày thuê,… vẫn treo lơ lửng trên đầu.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, do hạn mặn kéo dài, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha lúa ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn hán và xâm nhập mặn, nếu kéo dài thì 400 ha lúa, 4.000 ha cây ăn trái và 1.000 ha trồng rau sẽ chịu ảnh hưởng theo. Trong khi đó Cà Mau đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại vì hạn hán, gần 16.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, còn lại trà lúa vụ đông xuân, mức độ thiệt hại từ 30 đến hơn 70%.

ĐBSCL của Việt Nam chiếm 12% tổng diện tích đất, gần 1/5 dân số và được coi là vựa lúa của Việt Nam, đóng góp 56% sản lượng lương thực và 90% xuất khẩu gạo. Nhưng bây giờ, ngôi nhà của gần 20 triệu người, đang bị xâm nhập mặn ở đất nông nghiệp.

Các nhà khoa học cho biết, sự xâm nhập mặn tại khu vực này có thể lên tới 4/1.000, đủ để giết chết tất cả các loại thực vật. Còn theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, thì với kịch bản nước biển dâng 50cm vào năm 2050, ngập nước làm thiệt hại 193,000 ha và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 294,000 ha lúa ở ĐBSCL.

Nước mặn từ lâu đã xâm chiếm đồng bằng, nhưng do hạn hán, không có đủ nước ngọt trong sông đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Theo thông tin từ Viện khoa học thủy lợi miền Nam, dung tích Biển Hồ ngày Campuchia 12/3 chỉ còn 1,84 tỷ m3, nên lượng điều tiết từ lưu vực Biển Hồ xuống hạ lưu hiện không đáng kể. Nguồn nước mùa khô năm 2019 – 2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây.

Thiệt hại kinh tế đáng kể

Báo cáo về tình hình xuất khẩu lúa gạo trong năm 2019 của Bộ Công Thương, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,259 triệu tấn, thu về 2,758 tỷ USD.

Do ảnh hưởng của hạn hán và nhiễm mặn của nước trong năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm đáng kể. Nguồn cung gạo cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ giảm do những thách thức lớn đối với ĐBSCL.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)