Thới Bình
(VNTB) – Nguyện cầu bình an cho dân tộc Việt! Nguyện ước cho bạn của tôi sớm được trở về với tự do, với tự tình dân tộc.
Đầu mùa Xuân cùng em đi lễ/ Lễ chùa này vườn nắng tung bay/ Và ngàn lau vàng màu khép nép/ Bãi sông bay một con bướm đẹp (Em lễ chùa này, lời thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy).
Một ca khúc với giọng hát thật đẹp của cô ca sĩ Ý Lan dường chừng mang xuân đến tận trong cõi lòng. Ở đó, tết thường là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ đầu xuân, vừa cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui, mong mỏi thái bình.
Ở đó, dường như, hương xuân, nắng xuân trong một sáng ngày đầu năm mới, tiết trời hơi se lạnh, nhưng vẫn có những tia nắng sớm lung linh tỏa khắp sân chùa, đã làm cho các ngôi chùa trở nên đẹp hơn, thanh bình hơn. Các ngôi chùa cửa lúc nào cũng rộng mở để mọi người có thể đi viếng, dịp lễ tết cũng vậy mà ngày thường cũng vậy. Người ta đi chùa để lễ Phật, thưa hỏi đạo lý, hay chỉ để tìm sự thanh thản ở tâm hồn mình.
Những dịp lễ chùa trong mùa tết là cơ hội để không chỉ đi vãn cảnh đẹp của các ngôi chùa, mà còn đi để tự vấn bản thân, đi để cảm nhận hạnh phúc mà mình đang có và nguyện gìn giữ sự an lạc trong tâm hồn.
Từ lúc cả nước không còn đốt pháo, và nhất là năm nay không có pháo hoa, thì tiếng chuông, tiếng trống vọng ra từ các ngôi chùa chính là âm thanh báo hiệu thời khắc chuyển mình của trời đất.
Tôi nghe tiếng chuông trầm ấm, tiếng trống mạnh mẽ quyện vào nhau, hòa cùng mùi hương trầm tinh khiết lan tỏa trong không gian, và tôi biết mình đang còn được bình yên so với nhiều đồng bào của mình đang bị cách ly vì dịch bệnh.
Tết đến vãn cảnh chùa, đúng chăng, không đơn thuần chỉ là đến một ngôi chùa nào đó, cắm một nén nhang và cầu nguyện, mà là sợi dây liên kết giữa tâm linh tình cảm của con người và ngôi chùa mà mình hay lui tới. Bởi nơi ấy còn chất chứa của bao kỷ niệm mà thời gian chẳng hiểu sao quá khó xóa nhòa: Rồi mùa Thu cùng em đi lễ/ Có con chim đậu dưới gác chuông/ Hòa lời ca vào làn sương sớm/ Gió heo may rụng hết lá vàng!
Tết vãn cảnh chùa, tôi nhớ năm nào với anh Phạm Chí Dũng cùng luận về vô thường ngày Tết.
Anh Phạm Chí Dũng hay nhắc tôi rằng mỗi khi gặp phiền não, hãy ngồi thiền. Anh nói, thiền tập là đem thân tâm về với “bây giờ và ở đây”, hay nói cách khác, thân đâu tâm đó.
Mình ngồi đây mà nhớ chuyện quá khứ, nghĩ việc tương lai. Quá khứ đã qua đâu còn nữa, tương lai chưa đến thì đâu phải là sự sống. Ngoài bây giờ và ở đây, ngoài giây phút hiện tại này thì không có sự sống. Thiền tập rất sống động, sống thiền là sống vào giây phút hiện tại, cho nên nói: “Vĩnh cửu là hiện tại”, vì ngoài hiện tại thì không có gì cả. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện, lặt rau, rửa chén, quét nhà…, và cả thân lao ngục đi nữa, thì mỗi phút giây chúng ta sống vào cái đang là, đang lúc này một cách viên mãn, đó là “hiện tại lạc trú”.
Nếu tỉnh giác, an trú vững chãi vào giờ phút hiện tại thì tâm hồn lúc nào cũng thoải mái, tươi vui.
Dù xuân nhân gian có đến có đi, hoa nở hay tàn theo thời tiết nhân duyên, nhưng tâm người đã thấu triệt ý nghĩa thì lúc nào cũng là xuân. Một giây một phút cũng là vĩnh cửu, ba ngày xuân cũng là mãi mãi.
Có lẽ cũng nhờ vào thiền nên nghe đâu khi vướng vòng lao lý, người bạn của tôi vẫn an trú vững chãi vào niềm tin một ngày không xa đất nước mình sẽ thật sự có được nền dân chủ với đầy đủ ‘quyền dân’ như các quốc gia khác.
… Trong tâm thức đó, đầu năm vãn cảnh chùa trong tìm đến một không gian linh thiêng, nhìn những chiếc lá rơi, lắng nghe tiếng gió xào xạc, tiếng chuông mõ tụng kinh… khiến lòng người thanh thản. Để cảm thấy mình vẫn tràn đầy nghị lực, niềm tin và năng lượng để tiếp tục năm mới của cuộc đời, để tiếp tục cống hiến sức lực cho cộng đồng, để tiếp tục yêu thương mọi người và được yêu thương…
Và giai điệu của “Em lễ chùa này” là món quà xuân ý nhị để người ta thấm thía thêm kiếp nhân sinh: Đến thăm em ngày tháng qua mau/ Một nụ mai vừa nở trong nắng/ Hỡi em ơi… mây đã qua cầu…
Nguyện cầu bình an cho dân tộc Việt! Nguyện ước cho bạn của tôi sớm được trở về với tự do, với tự tình dân tộc.