Kiều Phong (VNTB) Tôi đến Hà Nội vào một tuần tháng sáu. Người bạn chở tôi trên xe Honda la cà quán xa khắp thủ đô. Tại đây, tôi để ý đến cuộc sống nơi đất kinh kỳ, đến suy nghĩ của các thành phần trong xã hội. Dường như Hà Nội năm 2017 này, so với Hà Nội năm 2012 lúc tôi ra học, hay một Hà Nội trong sách vở đã khác nhau nhiều lắm.
Hà Nội xưa ba sáu phố phường, có lẽ phố Hồng Mai là một trong những phố đặc biệt nhất. Phố nằm im lìm như một hẻm nhỏ của phố Bạch Mai. Kiến trúc phố Hồng Mai còn giữ được, chưa bị búa rìu đô thị hóa đập vào như các phố khác. Chỉ mười lăm hai mươi năm trước, phố Hồng Mai được biết đến là phố của dân buôn ma túy. Xe ôm cũng sợ, chỉ dám chở khách đến đầu phố rồi thả cho khách tự đi bộ vào giữa phố. Người ta thắc mắc không hiểu tại sao những kẻ buôn ma túy lại nhởn nhơ một cõi, ngay giữa thủ đô một nước như vậy. Ấy là do chúng mua chuộc được quan chức và công an im miệng, đến nỗi có một số trở thành dân buôn ma túy nốt. Tình trạng đó kéo dài nhiều năm, rồi phải nhờ đến quân đội. Tất nhiên một khi quân đội đã có lý do để vào thì mọi thứ được quét dọn sạch sẽ. Cuộc sống của người dân trở lại yên bình, quán xá lại đông vui. Ngày nay, giữa phố Hồng Mai có một trường trung học phổ thông, tên là trường Đoàn Kết. Bên tay trái của trường là một hẻm lớn, ở đó có những quán nước. Các học sinh trung học trước giờ vào lớp vào trong giờ giải lao la cà trong những quán này, nói chuyện ríu rít tụm ba tụm bảy.
Hai em học sinh ngồi quán nước trên phố Hồng Mai. Ảnh Kiều Phong. |
Nhưng ngôn ngữ của thế hệ hôm nay không còn trong sáng như các thế hệ ngày trước. Thanh thiếu niên Hà Nội không biết học ở đâu, từ lúc nào những tiếng chửi thề. Nam sinh thì luôn miệng “đ.m”, nữ sinh hở cái là kêu “v.l”, nói rất hồn nhiên. Tôi tin rằng các em chưa đủ xấu xa để suốt ngày nói tục như thế. Nhưng hình như ở Hà Nội ngày nay, khắp nơi nào học sinh cũng thế cả, không ăn nói như thế thì mới là chuyện lạ. Càng nói nhiều từ như vậy với khẩu ngữ càng mạnh mẽ và tự nhiên lại càng chứng tỏ ta đây người lớn. Các bậc phụ huynh biết vậy nhưng cũng không quản được, vì chính phụ huynh cũng chửi thề. Rồi đến mấy em nam học sinh trung học cũng tập tành thuốc lá, nhìn như “ếch ngậm giun”, có em còn kéo thuốc lào phì phèo nữa, ra chiều khoái chí lắm. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.” Học sinh hay thanh thiếu niên chốn Tràng An ngày trước, cả thời phong kiến, cả thời Pháp thuộc đâu như vậy. Dẹp được ma túy nhưng không dẹp được chất độc ngấm vào dân gian.
Tôi cũng đến thăm Hồ Gươm và phố cổ. Khu này có những ngôi nhà Pháp xây đã lâu năm nhưng không hề lỗi thời, màu sơn vàng đặc trưng còn giữ được. Phảng phất giữa phố cổ là phong vị kinh điển của một thời xưa cũ. Hàng hóa ngày nay ở phố cổ nhiều vô kể, nào lụa là gấm góc, nào hàng thời trang, đồng hồ cao cấp bán cho khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Ở phố cổ, người ta đi bộ, chẳng ai phải vội vàng cả. So với một Sài Gòn quá ư năng động sáng tối không ngủ thì ở phố cổ Hà Nội thời gian như ngừng trôi cho người thư giãn. Những bà, những mẹ gánh hàng hoa tươi và hàng hoa quả dập dìu các con phố nhỏ. Quang gánh, lá chuối còn nguyên. Những người buôn thúng bán bưng ở đây cực kỳ lịch sự, không bao giờ chèo kéo, khách thập phương lấy làm vui lòng.
Phố cổ về tổng quan kiến trúc thì không có gì thay đổi, nhưng đi vào từng nhà thì không thoát khỏi tác động của toàn cầu hóa. Những cửa hàng bên trong đã bài trí theo kiểu hiện đại, nhìn cũng chẳng khác gì những cửa hàng 24h, Family Mart hay Circle K. Cùng với những biển quảng cáo ngổn ngang tự ý đề quá nhiều chữ, về chi tiết thì phố cổ đã lòe loẹt hơn trước, không biết là nên vui hay nên buồn. May mà những cây cối chưa bị chặt đi, màu sơn vàng còn giữ nguyên, và đường sá có sửa thì cũng giữ nguyên, hoặc được lát đá hoa cương màu sẫm, vẫn còn tôn trọng nguyên bản. Còn đó những tiệm ảnh gia truyền, những tiệm vẽ tranh truyền thần sống lâu cùng đất nước… Hóa ra những quán cũ đó lại được du khách chú ý hơn cả. Nhiều du khách dừng chân lâu trước những tiệm tranh thế này.
Một tiệm tranh truyền thần ở phố cổ Hà Nội- Ảnh: Kiều Phong |
Chốn kinh kỳ, còn có những hàng nước vỉa hè tự do, nơi những đồng bạn lâu năm họp mặt mỗi buổi sáng.
Tôi đi rảo qua phố Hàng Giầy. Tình cờ thấy một nhóm gồm sáu, bảy ông già đang ngồi bàn luận chính trị râm ran. Tôi xin phép chụp ảnh, được họ đồng ý và giơ máy lên bấm hình. Bỗng thấy một gương mặt thân quen, tôi liền hỏi:
– Đây có phải là bác Dương Trung Quốc không ạ?
Không để cho người được hỏi trả lời, các ông bạn của người vạm vỡ tóc bạc trắng đó đáp:
– – Ông này à, ông này tên là Dương Trung Cộng. Khà khà.
– – Dương Trung Cộng mới đúng, chứ không phải Dương Trung Quốc đâu !
Cả nhóm mấy ông già cười vang. Nhà sử học Dương Trung Quốc vốn bị bạn bè thân thiết gọi là Dương Trung Cộng đã lâu, cho nên chẳng lấy gì làm giận, trái lại lâu dần được gọi với biệt hiệu như thế ông cũng vui.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng nhóm bạn uống trà ở phố Hàng Giày. Ảnh Kiều Phong. |
Họ ngồi uống nước trà thơm và hút thuốc, phong thái thong dong. Những người Hà Nội chính hiệu có nét rất riêng chẳng lẫn vào đâu được. Nhóm bạn già bàn luận chuyện đông tây kim cổ, chuyện thời sự. Tôi chợt nhớ đến câu kết rất hay trong bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên:
“ Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? ”
Hóa ra câu hỏi đó lại có tầm nhìn xa, về một tất yếu là những giá trị phương Đông sẽ bị lẫn mất vào văn minh phương Tây. Giữa một làn sóng đô thị hóa, hiện đại hóa đang phá nát truyền thống, người ta tìm thấy ở những con đường bên hồ Hoàn Kiếm một nét gì đó xưa cũ, những con người nào đó rất đỗi thân thương.